Mỹ sẽ đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân như thế nào?

HOÀNG VŨ |

Trong bối cảnh thế giới hiện vẫn còn hơn 13.000 đầu đạn hạt nhân thuộc sở hữu của 9 quốc gia, việc chính phủ nhiều nước vạch kế hoạch đối phó đề phòng trường hợp phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân là điều dễ hiểu, nhất là khi nhân loại đã từng chứng kiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân cách đây hơn 7 thập niên tại hai thành phố của Nhật Bản.

Mỹ, quốc gia giữ vị trí “á quân” thế giới khi đang sở hữu 6.185 đầu đạn hạt nhân theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cũng không phải là ngoại lệ.

Sputnik cho biết, tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, vừa qua đã tiết lộ về một kế hoạch đối phó gồm ba bước của nước này trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.

Bước đầu tiên là liên lạc với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo Điều khoản số 5 về phòng vệ tập thể của NATO, một cuộc tấn công nhằm vào một nước thành viên sẽ bị xem như là cuộc tấn công nhằm vào cả liên minh quân sự này.

Tướng David Goldfein cho biết cuộc gọi đầu tiên của ông sẽ được kết nối với tướng Tod Wolters, Tư lệnh Tối cao NATO-“người sẽ cho tôi biết ông ấy cần những gì để kết nối các lực lượng NATO nhằm chặn đứng hành động và làm suy yếu mục đích của kẻ địch” bởi vì “trên hết, NATO chính là một liên minh hạt nhân”.

Tạp chí National Interest dẫn lời tướng David Goldfein cho biết ngay lập tức, Mỹ và NATO sẽ tiến hành một cuộc phản công lớn với sự tham gia của “các máy bay tiêm kích, oanh tạc cơ, máy bay tiếp nhiên liệu, các lực lượng vũ trụ, tác chiến không gian mạng, đặc nhiệm”.

Theo Sputnik, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ cho rằng các máy bay tiêm kích F-35 và F-22 có khả năng tấn công các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của kẻ địch khi chúng bay ra ngoài khí quyển.

Các tiêm kích F-35 được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ tấn công các bãi phóng tên lửa hạt nhân trong khi các tiêm kích F-22 sẽ có nhiệm vụ đối phó với biên đội máy bay địch. Oanh tạc cơ B-2 đảm nhiệm sứ mệnh tiêu diệt mạng lưới phòng không, bãi phóng tên lửa hạt nhân hoặc thậm chí là toàn bộ các thành phố của đối phương theo mệnh lệnh cụ thể của Tổng thống Mỹ.

“NATO và Mỹ cũng sẽ sử dụng vũ khí laser, pháo điện từ và đạn siêu tốc dự kiến được biên chế cho các tàu chiến trong những năm tới”, Sputnik dẫn lời tướng David Goldfein.

Bước thứ hai là liên lạc với Bộ tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD). Theo Sputnik, NORAD có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước các ICBM thù địch.

“Tôi sẽ nói chuyện với tướng Terrence O’Shaughnessy, Tư lệnh NORAD-người sẽ cho tôi biết ông ấy cần những gì để ghi dấu ấn đối với việc bảo vệ đất nước”, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ cho biết.

NORAD hiện sở hữu các hệ thống đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI) có khả năng phân biệt được đâu là tên lửa mồi bẫy. Tướng David Goldfein cho biết Mỹ đã thử nghiệm đánh chặn thành công một ICBM bằng GBI. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện GBI của mình.

Bước thứ ba là liên lạc với Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM)-cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ,và truyền mệnh lệnh tới các tàu ngầm hạt nhân.

“Tướng John Hyten, Tư lệnh STRATCOM, sẽ cho tôi biết ông ấy cần những gì để tạo ra các lực lượng hạt nhân cần thiết cho mục đích răn đe an toàn, hiệu quả trước một kẻ thù được trang bị vũ khí hạt nhân”, Tạp chí National Interest dẫn lời tướng David Goldfein.

Theo Fox News, các tàu ngầm hạt nhân Mỹ “đủ năng lực đáp trả quy mô lớn, tiêu diệt bất cứ đối tượng nào thực hiện tấn công hạt nhân vào Mỹ” .

“Thiệt hại của một cuộc tấn công hạt nhân có thể được giảm thiểu một khi thực hiện ba bước trên nhanh nhất có thể. Ba bước này nhằm tiêu diệt các tên lửa đạn đạo đang bay đến cũng như bảo đảm đòn đáp trả thành công. Ba bước cần được thực hiện đồng thời để Mỹ có thể được bảo vệ tối đa trước một cuộc tấn công hạt nhân”, Sputnik dẫn lời tướng David Goldfein nhấn mạnh.

Trang mạng news.com.au cho biết các chuyên gia quân sự nhận định: Kế hoạch đối phó gồm ba bước nói trên được Tham mưu trưởng Không quân Mỹ tiết lộ nhằm phát đi một thông điệp rất rõ ràng tới bất kỳ lực lượng nào có ý định tấn công hạt nhân vào nước Mỹ, rằng: “Đừng bao giờ nghĩ tới chuyện đó!”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại