Động thái này có thể khởi động trong vài tuần tới. Giới quan sát không quá bất ngờ về động thái trên, bởi kế hoạch đã được tổng thống Mỹ thông báo từ tháng trước nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu mục tiêu chính của việc rút quân là nhằm củng cố sườn đông nam của NATO gần Biển Đen hay là sự bất mãn của Mỹ với Đức trong hàng loạt vấn đề chi tiêu quốc phòng, thương mại?
Về việc Mỹ cắt giảm 1/3 trong tổng số 36.000 quân nhân đồn trú tại Đức, căn cứ lâu đời nhất ở châu Âu vốn được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Trump hôm qua (29/7) giải thích rất đơn giản với báo chí: “Chúng tôi giảm bớt lực lượng vì họ không thanh toán các khoản chi phí của họ”.
Trước đó, ông Trump nhiều lần chỉ trích đồng minh thân cận Đức không đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO và cáo buộc Đức lợi dụng Mỹ về thương mại, gây thặng dư thương mại quá lớn và ông từng đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu xe hơi châu Âu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper không giải thích theo cách đó, mà cho đây là kế hoạch "chiến lược" dài hạn, giúp việc điều động binh sĩ không gây tổn hại cho NATO cũng như các nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp của Nga vào châu Âu.
“Nếu như quý vị nhìn lại thì sẽ thấy Mỹ vẫn giữ lại hơn 24.000 binh sỹ ở Đức, con số tương đối lớn và cao hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu. Nếu quý vị xem xét việc tái bố trí quân của chúng tôi, thì sẽ thấy chúng tôi điều chuyển lực lượng để trả lời cho bài toán chiến lược. Chúng tôi theo nhiều cách tiến sát sườn biên giới phía đông, nơi có các đồng minh mới nhất ở biển Đen. Chiến lược đó tái đảm bảo cho các đồng minh, đẩy mạnh phòng ngừa và đã nhận được phản hồi tích cực từ một số nước. Tôi xin nhắc lại, động thái này đáp ứng tất cả các mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói.
Động cơ trong kế hoạch rút bớt quân của Mỹ chưa rõ nhưng chuyện xích mích giữa 2 đồng minh NATO đã âm ỉ từ lâu. Ban đầu là mối quan hệ cá nhân không mấy tốt đẹp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Đức Merkel, thể hiện ở việc Tổng thống Mỹ phản đối chính sách di cư của bà Merkel, bất đồng về chính sách trong liên minh G7 và mới đây, bà Merkel từ chối lời mời đến hội nghị thượng đỉnh G7 tại Washington. Nổi cộm hơn là hai bên tranh cãi về chi tiêu quốc phòng và quyết tâm của Đức hoàn thành dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc, một dự án mà Mỹ cho là Đức sẽ bị Nga khống chế về năng lượng.
Bộ trưởng Quốc phòng Esper khẳng định. quyết định rút quân đã được thảo luận từ lâu và không phải là kết quả của việc Tổng thống Trump bất mãn về mối quan hệ Mỹ - Đức. Dù với giả thuyết nào thì động thái trên của Mỹ đều làm rạn nứt hơn nữa quan hệ giữa Mỹ và Đức.
Một số học giả nhận định việc Mỹ dọa rút quân là để ép Đức tăng chi tiêu quốc phòng lên mức hơn 2% GDP như cam kết chung của các nước NATO. Nếu như Đức tăng chi tiêu quân sự, lợi ích dễ thấy nhất không chỉ là Mỹ được giảm gánh nặng tài chính mà còn là khả năng Berlin sẽ nghĩ tới việc mua hàng tỉ USD vũ khí từ Mỹ.
Giới lãnh đạo chính trị cao nhất của Đức gần như im lặng nhưng Thủ hiến của 4 bang tại Đức có lính Mỹ đồn trú đã kêu gọi các nghị sĩ Mỹ ngăn chặn quyết định rút quân của Tổng thống Trump, chỉ trích quyết định đó có động cơ chính trị chứ không phải mang tính chiến lược./.