Không rút 9.500 lính khỏi Đức như ông Trump dọa, Mỹ thông báo rút hẳn... 12.000 quân

Hải Võ |

Mỹ sẽ rút gần 12.000 lính khỏi Đức - động thái gây nhiều tranh cãi trong nước và khiến các đồng minh của Mỹ ở NATO quan ngại.

Hồi tháng 6, tổng thống Mỹ Donald tuyên bố Washington sẵn sàng rút khoảng 9.500 binh lính đóng tại Đức, sau khi ông cáo buộc Berlin không dành đủ ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng như NATO đồng thuận.

Tuy nhiên, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 29/7 (giờ địa phương) thông báo nước này có kế hoạch rút tới 12.000 quân nhân khỏi Đức và tái bố trí quân số này đến các địa điểm khác.

"Bộ chỉ huy châu Âu (EUCOM) có kế hoạch tái bố trí xấp xỉ 11.900 quân nhân khỏi Đức, từ khoảng 36.000 xuống còn 24.000, nhằm củng cố sức mạnh NATO, tăng cường sự răn đe nhằm vào Nga, và đạt được những nguyên tắc khác mà tôi đã nêu," ông Esper nói trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc.

Theo ông, lính Mỹ sẽ bắt đầu rời Đức chỉ trong vài tuần tiếp theo và được tái triển khai đến Bỉ và Italy, trong khi Lầu Năm Góc có ý định bố trí một phần lực lượng này đến các khu vực gần với biên giới Nga hơn.

Bộ trưởng Esper nhấn mạnh mục tiêu then chốt của việc rút lực lượng khỏi Đức là để tăng cường cho khu vực phía đông nam của khối NATO, ở gần biển Đen. Ông nói thêm rằng một số lực lượng có thể được đưa tới Ba Lan và các nước vùng Baltic, nếu Warsaw đồng ý ký kết thỏa thuận.

Trong tổng số, 5.600 lính Mỹ sẽ được điều động từ Đức tới các nước thành viên NATO khác, trong khi 6.400 người dự kiến trở về nước.

Tướng Tod Wolters, tư lệnh EUCOM kiêm tư lệnh tối cao NATO, cho biết Mỹ cũng sẽ chuyển trụ sợ EUCOM từ Đức sang Bỉ, như một phần kế hoạch về "chung nhà" với trụ sở chỉ huy quân sự NATO đặt ở nước này.

Thông điệp của Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi bộ trưởng quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer lên tiếng trong tháng 7, nói rằng Berlin lấy làm tiếc về quyết định rút quân của Washington, nhưng vẫn tin rằng việc tái triển khai binh lực ở châu Âu sẽ cho thấy cam kết của Nhà Trắng với mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Mỗi thành viên NATO được kỳ vọng chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, nhưng không bắt buộc. Trong năm ngoái, Đức đầu tư 1.4% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Hiện nay 34.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Đức, bên cạnh 17.000 nhân viên dân sự và 12.000 công dân Đức làm việc trong các căn cứ quân sự tại quốc gia châu Âu này.

Vào đầu tháng 6, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo mối liên hệ vốn đã căng thẳng giữa Moskva và NATO sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Mỹ rút lực lượng khỏi Đức và bố trí ở Ba Lan.

"Những thay đổi trong cấu trúc hiện diện quân sự Mỹ ở châu Âu nhằm dịch chuyển gần hơn đến biên giới Nga sẽ không chỉ làm xấu đi tình hình vốn đã căng thẳng ở lục địa này trong lĩnh vực an ninh toàn cầu, mà còn tổn hại đến ý định tái khởi động một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Nga và NATO," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh.

Bà Zakharova cũng bày tỏ nghi ngờ quân đội Mỹ có thể mang theo các vũ khí hạt nhân chiến thuật đã bố trí ở Đức trước đây, đồng thời thể hiện lo ngại về việc Mỹ tổ chức tập trận bằng những vũ khí này với các nước đồng minh NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân - mà bà tuyên bố là vi phạm các quy định của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại