Mỹ rời Trung Đông, Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hưởng lợi?

Thanh Bình |

Nhà khoa học chính trị Mỹ Dov Zaheim cho rằng việc Mỹ giảm bớt sự hiện diện quân sự ở Trung Đông sẽ là một món quà cho Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, những nước gần đây đang ngày càng mở rộng lực lượng dự phòng trong khu vực.

Nhà khoa học chính trị Mỹ Dov Zaheim cho rằng việc Mỹ giảm bớt sự hiện diện quân sự ở Trung Đông sẽ là một món quà cho Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, những nước gần đây đang ngày càng mở rộng lực lượng dự phòng trong khu vực.

Theo đó, ông Zaheim chia sẻ với The Hill cho biết, một chính sách như vậy là không thể chấp nhận được, vì duy trì an ninh ở Trung Đông có tầm quan trọng lớn không chỉ đối với chính Mỹ mà còn đối với các đồng minh và đối tác của họ.

“Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như quyết tâm rút càng nhiều quân Mỹ càng tốt khỏi Trung Đông trước khi rời Nhà Trắng”, ông Dov Zakheim, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, hiện là cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C viết trong một bài báo của The Hill.

Theo cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Trump có kế hoạch giảm sự hiện diện quân sự ở Iraq, Somalia, và các tàu sân bay Mỹ, trước đây thường xuyên thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở phía đông Địa Trung Hải, giờ chỉ thỉnh thoảng xuất hiện ở đó.

“Khoảng trống mà Mỹ để lại được lấp đầy bởi hai quốc gia với mong muốn làm sống lại quá khứ đế quốc của họ là Nga - Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Zaheim nhấn mạnh.

Ông Zaheim nhắc lại, kể từ năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một số căn cứ quân sự trên khắp Trung Đông: Ankara mở một căn cứ ở thủ đô Mogadishu của Somali. Sau đó, vào năm 2019, Ankara tăng cường lực lượng ở Qatar, nơi hiện có 5.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ sớm thiết lập căn cứ thứ hai ở Vịnh Ba Tư ở Oman.

“Hoạt động này của Ankara không chỉ giới hạn ở Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara còn tạo ra hai căn cứ ở Libya, nơi cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn. Đồng thời, có kế hoạch xây dựng ba căn cứ được gọi là “tạm thời” ở miền bắc Iraq, nơi các lực lượng đặc biệt của họ đang chiến đấu chống lại các nhóm người Kurd. Cuối cùng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự hiện diện ở phía bắc Síp, nơi họ đã xâm lược 46 năm trước”, ông Zaheim viết.

Cũng theo cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia duy nhất khi quân Mỹ rút lui đang xây dựng lực lượng của riêng mình ở Trung Đông. Theo nhà phân tích, Nga, nước từng chỉ có một chỗ đứng ở Trung Đông ở cảng Tartus của Syria, gần đây đã thuê cơ sở này trong 99 năm và sẽ chi 500 triệu USD cho việc hiện đại hóa nó. Ngoài ra, Moscow có thể thuê căn cứ không quân Khmeimim của Syria trong cùng 99 năm và tạo ra một sân bay cho máy bay trực thăng ở miền bắc Syria.

Trong tháng này, Nga đã ký một thỏa thuận với Sudan để thành lập một trung tâm hậu cần hải quân và một nhà máy đóng tàu tại đây. Căn cứ sẽ có thể chứa tối đa 4 tàu chiến Nga, bao gồm cả tàu tuần dương hạt nhân, điều này có nghĩa là lần đầu tiên Moscow trong vài thập kỷ có thể tạo ra sự hiện diện quân sự ở Biển Đỏ và Đông Phi.

Tuy nhiên, ông Zaheim cho hay, Mỹ sẽ không hoàn toàn rời khỏi khu vực - nước này vẫn giữ trụ sở của Hạm đội 5 Mỹ ở Bahrain và căn cứ không quân al-Udeid ở Qatar.

Trong khi đó, mong muốn của ông Trump là rút các lực lượng đang chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố đe dọa cả châu Âu và Mỹ, ông Zaheim tin rằng việc này đang khiến các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ phải lo lắng.

"May mắn thay cho Washington, hai đồng minh hùng mạnh Anh và Pháp vẫn duy trì sự hiện diện trong khu vực. Năm 2018, London đã thành lập một điểm hỗ trợ hải quân ở Bahrain và một căn cứ thường trực ở Oman. Ngoài ra, Pháp có một căn cứ không quân hải quân ở Abu Dhabi, đóng vai trò tiếp viện cho lực lượng của họ ở đảo Reunion (Pháp) và căn cứ khác ở Djibouti”, ông Zaheim phân tích.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ tin rằng, chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden chắc chắn sẽ cố gắng làm chậm tốc độ rút quân, nhưng chỉ điều này thôi sẽ là chưa đủ.

Theo ông Zaheim, chính quyền mới sẽ cần phải làm rõ rằng hành động của Mỹ không có nghĩa là sẽ rời khỏi Trung Đông, bởi vì sự ổn định trong khu vực không chỉ vì lợi ích của Washington mà còn có vai trò to lớn đối với an ninh của các đồng minh và đối tác.

Trước đó, hôm 17/11 Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller thông báo, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc rút 2.500 lính Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq trước ngày 15/1/2021, song không rút quân hoàn toàn như ông từng đe dọa thực hiện trước Giáng sinh.

Ông Miller cho hay, Bộ Quốc phòng sẽ cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 và quân số tại Iraq từ 3.000 xuống 2.500. Đây sẽ là mức quân số thấp nhất của Mỹ ở Afghanistan trong gần 2 thập kỷ chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại