Cựu TT Armenia: 80% quân đội chúng tôi đã biến mất, bại trận trước Azerbaijan là tất yếu

Trà Khánh |

Theo cựu Thủ tướng Armenia, chỉ với 20% sức mạnh, quân đội nước này không có bất cứ cơ hội nào khi đứng trước lực lượng Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh.

Phát biểu trước truyền thông vào hôm qua 25/11, cựu Thủ tướng Armenia Hrant Bagratyan (1993-1996) đã có những tuyên bố khá bất ngờ về nguyên nhân dẫn đến thất bại của nước này trước Azerbaijan trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh vừa qua.

Theo lời của cựu Thủ tướng Bagratyan, thất bại của Armenia ở Nagorno-Karabakh là hệ quả của những chuỗi sự kiện diễn ra trước đó. Quân đội Armenia đã mất đi 80% sức mạnh, thất bại trước Azerbaijan là tất yếu.

"80% quân đội của chúng tôi đã biến mất. Armenia đã bại trận, đây không phải là bí mật. Người Azerbaijan biết rõ chúng tôi có bao nhiêu xe tăng, pháo và các loại vũ khí khác ở Nagorno-Karabakh", Cựu Thủ tướng Bagratyan, hiện là lãnh đạo đảng Azatutyun cho biết.

Cựu TT Armenia: 80% quân đội chúng tôi đã biến mất, bại trận trước Azerbaijan là tất yếu - Ảnh 1.

Cựu Thủ tướng Armenia Hrant Bagratyan. Ảnh: Armradio.

Cũng theo ông Bagratyan chính sách ngoại giao sai lầm của chính quyền Yerevan trong những năm trở lại gần đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến thất bại của nước này trong cuộc chiến với Azerbaijan.

"Armenia đã không công nhận nền độc lập của cộng hòa tự xưng Artsakh, đây rõ ràng là một sai lầm nghiêm trọng. Với tư cách Thủ tướng, tôi đã đề cập đến vấn đề này hai lần. Chỉ 2 giờ sau khi chiến sự ở Nagorno-Karabakh nổ ra (27/9) tôi đã đề xuất chính quyền của Thủ tướng Nikol Pashinyan công nhận Artsakh, nhưng họ tỏ ra không quan tâm", ông Bagratyan cho biết.

Cựu Thủ tướng Armenia cho rằng chỉ cần Yerevan công nhận Artsakh thì các quốc gia khác cũng sẽ có hành động tương tự. Thủ tướng Pashinyan đã không có đủ dũng khí để làm điều này.

Theo ông Bagratyan, việc chính quyền của Thủ tướng Pashinyan có tư tưởng muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Moscow cũng là một sai lầm. Ông cho rằng trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, Armenia nên có mối quan hệ gắn kết hơn với đồng minh lâu năm như Nga nếu không muốn mất tất cả cho người Thổ.

Việc Armenia "xích lại gần hơn" với phương Tây đã cũng làm phật lòng nhiều quốc gia trong khu vực, một trong số đó là Iran. Có thể thấy Tehran đã tỏ rõ thái độ của họ trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh lần này khi từ chối mở cửa biên giới để vận chuyển hàng hóa từ Nga đến vùng chiến sự.

Ông Bagratyan cho rằng, các nước phương Tây chỉ ủng hộ Armenia bằng lời nói, họ không có bất cứ hành động cụ thể nào. Ví dụ như chính quyền của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Anh và Pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại