Đẩy nhanh tốc độ đóng mới
Theo Jane's Defense Weekly vừa đăng tải thông tin và hình ảnh về nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, Quảng Châu, cho thấy Trung Quốc đang chế tạo loạt tàu hải cảnh được lắp pháo 76 mm.
Theo tạp chí Anh, những tàu này được Trung Quốc đóng theo nguyên mẫu hộ vệ hạm có lượng giãn nước 3.500 tấn thuộc Type 054A. Tàu tuần tra Type 818 đầu tiên của hải cảnh Trung Quốc đã được nhìn thấy lắp pháo PJ-26 76 mm và con tàu sẵn sàng được hạ thủy.
Trong khi đó, tàu hải cảnh thứ 2 được nhìn thấy đang hoàn thiện ở nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, chiếc khác cùng loại đang đóng tại cơ sở Song Liễu của nhà máy đóng tàu Vũ Xương.
Cùng với đó, chiếc đầu tiên đóng theo nguyên mẫu của Type 056 là Type 718B được nhìn thấy ở nhà máy đóng tàu Hoàng Phố cũng đã trang bị pháo 76 mm. Theo truyền thông Trung Quốc, con tàu này đã chính thức chạy thử và sẵn sàng gia nhập lực lượng hải cảnh nước này.
Theo số liệu Jane's Defense Weekly có được về số lượng tàu hải cảnh đang đóng hoặc chuẩn bị đóng của Trung Quốc gồm có 6 tàu có lượng giãn nước 3.500 tấn, 11 tàu Ngư loại 3.500 tấn, 10 tàu cỡ 4.000 tấn, 4 tàu hải cảnh loại chuyên chịu va đập loại 5.000 tấn, 4 tàu hải cảnh loại 6.000 tấn, và ít nhất là 4 tàu hải cảnh cỡ lớn có lượng giãn nước tới 12.000 tấn.
Tính tổng cộng, các tàu Trung Quốc gọi là chấp pháp cỡ lớn, có lượng giãn nước từ 3000 tấn trở lên mà lực lượng này của Bắc Kinh đang chế tạo hoặc sắp khởi đóng lên đến khoảng 50 tàu, một con số kỷ lục từ trước đến nay của Trung Quốc.
Ngoài ra, Cục hải dương Trung Quốc còn vừa ký kết thêm một hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD với Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp đóng tàu Vũ Xương - đơn vị chủ lực trong lĩnh vực đóng tàu chấp pháp - để đóng mới 9 tàu hải giám.
Trong loạt tàu này, có 5 tàu hải cảnh cỡ 3.000 tấn được chế tạo theo nguyên mẫu tàu hải giám 50 và 4 tàu hải cảnh cỡ 5000 tấn được cải tiến trên cơ sở tàu Hải Tuần 01. Và điều đặc biệt nguy hiểm là tất cả những tàu này đều được trang bị pháo hạng nặng và đóng theo nguyên mẫu chiến hạm.
Mỹ lo ngại
Cùng với tốc độ đóng mới đến chóng mặt, trong những năm qua, đội tàu hải cảnh hung hăng của Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại lớn của các nhà nghiên cứu chiến lược tình hình châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông.
Giáo sư Lyle J. Goldstein thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Trường chiến tranh hải quân Mỹ viết trên trang National Interest, thế hệ tàu mới của Trung Quốc được nước này triển khai tại nhiều điểm nóng như tại cuộc đối đầu với Philippines ở Scarborough năm 2012, hay cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 với Việt Nam.
Đây là các tàu được Hải quân Mỹ đánh giá là tàu hải giám lớn nhất thế giới. Theo giới phân tích, "những gã khổng lồ trắng" này đang trở thành mũi nhọn trong chiến lược hàng hải mới của Bắc Kinh.
Trước đó, các nguồn tin phương Tây cho rằng Trung Quốc đã xây dựng cơ chế để phô trương, quấy rối tàu cá các nước láng giềng và tìm mọi cách để dọa dẫm tàu thực thi luật pháp hàng hải các nước khác.
Với chiếc tàu số hiệu 46301 sẽ sớm được Bắc Kinh đưa vào đội tàu hải cảnh được xác định là một phiên bản tàu khu trục Type 054A của quân đội Trung Quốc. Đây là lớp tàu chiến được giới phân tích quân sự đánh giá cao ở khả năng trang bị các vũ khí và cảm biến mạnh.
Điều khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại không chỉ là các tàu này sẽ bổ sung sức mạnh cho lực lượng tuần dương của Trung Quốc, mà còn vì khả năng chúng có thể là một lực lượng hải quân dự bị của Bắc Kinh.
Những tàu này có thể chuyển đổi thành tàu chiến nhanh chóng. Tạp chí Tàu Buôn Và Hải Quân Trung Quốc hồi tháng 8/2016 cũng xác nhận một thiết kế tàu Type 818 "có năng lực chuyển đổi nhanh thành tàu khu trục trong thời chiến".
Thiết kế cho thấy loại tàu mới dài 134m được trang bị một nòng súng 76mm, hai súng máy hạng nặng nòng 30mm, vòi rồng và một trực thăng Z-9.
Thiết kế này cũng được tạp chí Modern Ship của Trung Quốc đăng tải hồi tháng 7/2016, cho biết thêm Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc nhận được hợp đồng đóng tàu Type 818 từ năm 2013 với các vũ khí tương tự của tàu khu trục Type 054A.
Giáo sư Goldstein nhận định: "Việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể chuyển đổi thành một lực lượng hải quân tác chiến trong một vài tháng đặt ra nhiều lo ngại về chiến lược hàng hải của Bắc Kinh".