Mỹ muốn giải mã bí mật S-400 nhưng “bùa hộ mệnh” của Thổ Nhĩ Kỳ không phải để bán

Mạnh Kiên |

Mỹ đã đề nghị mua lại hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù về mặt lý thuyết, giải pháp này có thể phá vỡ sự bế tắc gây tranh cãi giữa hai thành viên liên minh NATO, nhưng điều đó khó có thể xảy ra vì một số lý do.

Giải pháp tối ưu?

Tuần trước, Thượng nghị sĩ John Thune đã đề xuất sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2021 (NDAA) cho phép quân đội đội Mỹ dùng ngân sách mua lại tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga chế tạo từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Nga vào năm 2017, Washington và Ankara đã liên tục tranh cãi xoay quanh thương vụ đình đám này.

Mỹ khẳng định rằng một thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ mua một hệ thống tên lửa tiên tiến của Nga là điều vô trách nhiệm và không thể chấp nhận.

Washington cũng nhấn mạnh rằng, S-400 và tiêm kích F-35 Lightning II hoạt động cùng nhau có thể cho phép Nga thu thập thông tin nhạy cảm về khả năng tàng hình của máy bay.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ phản bác rằng những mối lo như vậy là không có cơ sở, nước này vẫn bị đình chỉ khỏi chương trình phát triển F-35. Thỏa thuận mua tên lửa S-400 cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị xem xét trừng phạt.

Thượng nghị sĩ John Thune không phải là chính trị gia đầu tiên ở Washington ủng hộ một số hình thức thỏa hiệp với Ankara về vấn đề S-400 để tránh làm trầm trọng thêm mối quan hệ hai nước.

Tháng 7 năm ngoái, khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận các thành phần S-400 đầu tiên từ Nga, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề nghị rằng nếu Ankara không kích hoạt hệ thống thì Washington có thể tránh phải áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ càng quyết liệt hơn với cam kết kích hoạt hệ thống trong tháng 4/2020. Sau cùng, dự định này vẫn chưa thể diễn ra khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc kích hoạt bị trì hoãn vì dịch bệnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tháng 8 năm ngoái từng tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chuyển S-400 ra khỏi đất nước, trước khi muốn Mỹ cân nhắc cho phép quay trở lại chương trình F-35.

Do đó, đề xuất Mỹ mua lại S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ là cách tốt nhất đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để đưa Thổ Nhĩ Kỳ về lại chương trình tiêm kích F-35.

Theo các nhà quan sát, chính quyền Donald Trump có thể sẽ hoan nghênh cách giải quyết tình trạng bế tắc S-400 bằng phương pháp nói trên.

Tổng thống Trump - người có quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - trước đây từng thừa nhận, sẽ là không công bằng khi Mỹ không thể bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì lùm xùm S-400.

Theo tờ Forbes, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ chào đón một cơ hội khác để bán cho Thổ Nhĩ Kỳ những chiếc tiêm kích đáng tự hào này. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có rất nhiều cơ hội thu lợi nhuận trong chương trình sản xuất máy bay chung giữa bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không bán S-400?

Mỹ muốn giải mã bí mật S-400 nhưng “bùa hộ mệnh” của Thổ Nhĩ Kỳ không phải để bán - Ảnh 2.

Được trở lại chương trình F-35 là cơ hội tốt cho Ankara.

Từ quan điểm tình báo, việc sở hữu một phiên bản S-400 hoạt động đầy đủ sẽ cho phép Mỹ kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống tiên tiến của Nga , đánh giá tất cả các điểm mạnh và điểm yếu của vũ khí.

Vào cuối những năm 1990, Hy Lạp từng mua tên lửa phòng không S-300 của Nga. Trong những năm gần đây, Israel được cho là đã kết hợp cùng Hy Lạp để tiến hành những bài tập khắc chế S-300. Điều này có thể tỏ ra hữu ích cho quân đội Israel vì các đối thủ trong khu vực như Iran và Syria cũng sở hữu S-300.

Tương tự, Mỹ có thể kiểm tra và đánh giá hiệu quả của S-400 nếu mua được vũ khí này từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Mỹ mua vũ khí quân sự tiên tiến của Nga từ một nước thứ ba. Năm 1997, Mỹ đã mua máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum của Moldova để tránh chúng rơi vào tay Iran. Washington cũng nhân cơ hội đó để kiểm tra máy bay chiến đấu của Nga và hiểu rõ hơn về khả năng của chúng.

Tuy nhiên, dù Mỹ có nhã ý hỏi mua S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng thương vụ có thành công hay không lại là chuyện khác.

Thứ nhất, Nga chắc chắn sẽ không cho phép Ankara bán lại S-400 để cho Mỹ biết mọi thứ về hệ thống phòng không hàng đầu.

Thứ hai, Tổng thống Erdogan cũng không muốn làm mích lòng Nga giữa bối cảnh quan hệ hai nước đang sóng gió nhiều hơn ở cả Syria và Libya.

Có thể nói, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã mạo hiểm chống lại toàn bộ đồng minh phương Tây chỉ để mua S-400, vì theo nhiều cách, đây là hệ thống phòng không lý tưởng để bảo vệ Ankara trước một nỗ lực đảo chính khác, điều mà ông Erdogan lo ngại kể từ sau sự kiện năm 2016.

Trong nỗ lực đảo chính ngày 15/7/2016, những chiếc tiêm kích F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ được điều khiển bởi phe đảo chính đã ném bom Ankara, bao gồm cả tòa nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến người Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng sốc vì đây là lần đầu tiên thành phố trải qua một cuộc tấn công quân sự sau 600 năm.

Vì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng gần như toàn bộ thiết bị do Mỹ chế tạo, thành phố Ankara khó có thể phòng thủ một cách hiệu quả trước các máy bay chiến đấu của chính mình.

Nếu có một nỗ lực đảo chính tương tự khác, những chiếc S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ không được tích hợp vào mạng lưới phòng không chung có thể sẽ bắn hạ bất kỳ chiếc F-16 nào đang nhắm vào thủ đô.

Trên thực tế, bản thân hệ thống do Nga chế tạo được thiết kế với khả năng một ngày nào đó có thể phải bắn hạ các máy bay chiến đấu của NATO.

Vì lý do này mà Tổng thống Erdogan quyết định liều lĩnh để có được S-400. Dường như, ông sẽ sẵn sàng chịu đựng tất cả các hậu quả chính trị và kinh tế tiêu cực đối với Thổ Nhĩ Kỳ để được giữ lại và kích hoạt "bảo bối" này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại