*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
New York Times dẫn một nguồn tin tình báo giấu tên từ Trung Đông cho biết, vụ nổ ở Natanz là do một quả bom được bí mật cài vào bên trong cơ sở hạt nhân này.
Theo tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh, một số tiếng nổ đã được nguồn tin nghe thấy tại khu vực Đông Ghouta thuộc tỉnh Damascus (khu vực lân cận phía đông thủ đô) của Syria trong đêm ngày 2/7 (sáng 3/7 giờ Việt Nam).
Theo các thông tin chưa được xác thực, những kẻ giấu mặt đã ném chất nổ vào một chốt kiểm soát của Quân đội Arab Syria (SAA) khiến ít nhất 5 người bị thương.
Một số tiếng súng cũng đã được nghe thấy gần chốt kiểm soát nói trên, tuy nhiên vẫn chưa xác định được đây là một vụ tập kích hay là các tay súng SAA trong chốt khai hỏa nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công tiếp theo.
Tổ chức có quan điểm thân phe đối lập SOHR cáo buộc đây là một chốt kiểm soát "khét tiếng" của quân chính phủ do có các hành động quấy rối dân thường và đả kích thanh niên trong khu vực.
Khu vực Đông Ghouta đã được giải phóng vào tháng 4/2018 sau chiến dịch "Thép Damascus" và các thỏa thuận hòa giải được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ.
Hàng chục nghìn tay súng không chấp nhận hòa giải đã được di chuyển về miền bắc Syria tuy nhiên trong khu vực vẫn tồn tại số lượng lớn các cựu phiến quân, những người đã nhiều năm chiến đấu chống lại quân chính phủ.
Các vụ tập kích ở các khu vực đã giải phóng của Syria gần đây là dấu hiệu cho thấy các bất đồng âm ỉ giữa các cộng đồng địa phương và chính phủ Damascus - "mồi lửa" có thể tái kích hoạt xung đột bất kỳ lúc nào.
Hình minh họa (Nguồn: SOHR).
Tối 3/7, trang AMN dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho biết lực lượng vũ trang của nước này "đang giám sát tất cả các hoạt động chống phá Iran của Mỹ ở các cấp chính trị, kinh tế và xã hội".
Ông Hatimi cho rằng các hoạt động chống Iran của Mỹ nhằm "phá hủy sức kháng cự của người dân và gây mất ổn định an ninh của Iran, nhưng nỗ lực này của Mỹ cũng sẽ bị người dân Iran đánh bại như đã từng xảy ra trước đây".
Bộ trưởng Quốc phòng Iran nhấn mạnh :
"Lực lượng vũ trang Iran đang thực hiện các chỉ thị của Lãnh đạo tối cao Imam Khamenei, trong việc tăng cường năng lực, bảo vệ đất nước và người dân đồng thời giám sát mọi nỗ lực "tuyệt vọng" của kẻ thù và kiên quyết đáp trả chúng".
Kể từ khi nổ ra cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 - cùng với việc Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị chiếm giữ và 55 người đã bị bắt làm con tin trong 444 ngày, Tehran và Washington đã cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng vào năm 2018 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JPCOA) và áp đặt các lệnh trừng phạt với mục đích làm tê liệt nền kinh tế Iran và khiến Tehran phải "ngồi vào bàn đàm phán".
Tehran đã phản ứng bằng cách giảm dần các cam kết của mình theo JPCOA.
Đỉnh điểm của căng thẳng Mỹ - Iran đã nổ ra vào đầu tháng 1/2020 sau vụ Mỹ ám sát Tướng Iran Soleimani bằng máy bay không người lái (UAV). Iran đã đáp trả bằng một cuộc tập kích tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ của Mỹ ở Iraq vào ngày 8/1/2020.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami trong một phiên họp quốc hội tại Tehran vào năm 2017 (Nguồn: AFP).
Mới đây trong một cuộc phỏng vấn, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Miltiades Varvitsiotis cho biết rằng Athen sẽ làm "bất cứ điều gì" để bảo vệ chủ quyền của mình, thậm chí đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề song phương.
"Nếu khác biệt duy nhất chúng ta (Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ) có là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) thì chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và thảo luận về vấn đề này".
Nhưng nếu vấn đề là chủ quyền của Hy Lạp đối với các đảo trên Biển Aegean, thì câu trả lời là không. Chúng tôi không thảo luận về chủ quyền của mình, chúng tôi sẽ không từ bỏ lãnh thổ Hy Lạp và chúng tôi sẽ tìm mọi cách để bảo vệ nó".
Bên cạnh các vấn đề về biên giới và EEZ, người tị nạn, kinh tế, du lịch và thỏa thuận giữa Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong nhiều bất đồng giữa Athen và Ankara.
Máy bay F-16 của Không quân Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên đối đầu trên Biển Agean, chủ yếu là do yêu sách của Ankara đối với các đảo do Athen kiểm soát.
Tối 3/7 (giờ Việt Nam), vài giờ sau khi tin tức về việc lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran bị tấn công, Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRNA) đã đăng tải một bài viết "cảnh cáo" các "quốc gia thù địch" là Mỹ và Israel:
"Nếu có dấu hiệu cho thấy các quốc gia thù địch, đặc biệt là Israel và Hoa Kỳ tìm cách vượt qua "lằn ranh đỏ" thì chiến lược đối phó với tình hình mới của Iran cần được xem xét tiến hành một cách mạnh mẽ".
IRNA cho biết thêm rằng các tài khoản mạng xã hội Israel tuyên bố rằng nước này chịu trách nhiệm cho nỗ lực phá hoại cơ sở hạt nhân Iran,
Hãng tin phương Tây BBC - chính quyền Iran coi là thù địch, cho biết họ đã nhận được một tuyên bố nhận trách nhiệm vài giờ trước khi vụ tấn công diễn ra từ một nhóm vũ trang có tên là National Panthers (tạm dịch: Những con báo - quốc gia).
Nhóm này tuyên bố rằng họ bao gồm "các thành viên đào ngũ từ lực lượng an ninh Iran" và nói rằng cơ sở hạt nhân này trở thành mục tiêu vì nó không phải là các "cơ sở ngầm" và do đó Tehran không thể phủ nhận vụ việc.
Hình minh họa (Nguồn: AMN).
Theo trang tin Southfront, trong ngày 3/7 Quân đội Arab Syria (SAA) và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã bắn phá lẫn nhau tại mặt trận đông nam Idlib.
Ngay từ sáng hôm nay, SAA đã khai hỏa hơn 35 trái rocket vào các vị trí tại thị trấn Fatterah và Sufuhon do phiến quân thân Thổ kiểm soát. Đáp lại, pháo binh của TAF và phiến quân đã bắn phá thị trấn Kafr Nabl do quân chính phủ nắm giữ.
Tổ chức SOHR có trụ sở ở Anh tuyên bố rằng pháo kích của TAF đã gây ra tổn thất cho SAA, tuy nhiên, các nguồn tin thân chính phủ không đưa ra thông tin về thương vong.
Trong vài tuần qua, các tay súng phiến quân đã tăng cường các hoạt động nhằm vào vị trí phòng thủ của SAA ở tỉnh Idlib như khai hỏa tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM), rocket và bắn tỉa.
Các hoạt động này được cho là đã vi phạm trắng trợn lệnh ngừng bắn ở tây bắc Syria được "dàn xếp" bởi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 5/3.
Bằng cách pháo kích các vị trí SAA, TAF được cho là đang khuyến khích hành vi thù địch của phiến quân thay vì tuân thủ lệnh ngừng bắn. Chuỗi leo thang này có thể dẫn đến đụng độ nguy hiểm trong khu vực.
Các vị trí bị pháo kích dọc theo chiến tuyến đông nam Idlib trong ngày 3/7.
Theo AMN, vào chiều ngày 3/7 (giờ Việt Nam), thêm một đoàn xe cơ giới của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã thâm nhập vào tỉnh Idlib từ tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua khu vực Kafr Lousen.
Theo nguồn tin của đối lập Syria, đoàn xe bọc thép của TAF được cho là chở theo một số lính đặc nhiệm được phân tán tới một số cứ điểm đã được thiết lập ở tây bắc Syria.
Sự xuất hiện của nhóm quân tiếp viện nói trên diễn ra cùng lúc với tin tức về việc Quân đội Arab Syria (SAA) tiếp tục "tích tụ" lực lượng của mình ở khu vực Jabal Al-Zawiya, phía nam cao tốc M4 ở tỉnh Idlib.
Sau Thỏa thuận Sochi 2018 và Thỏa thuận Moscow 2020, TAF đã thiết lập hàng chục cứ điểm (Ankara gọi là "điểm giám sát ngưng bắn") dọc theo các chiến tuyến ở tây bắc Syria.
Tuy vậy, trong các hoạt động quân sự tại khu vực vào năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020, SAA thường tiến hành tổ chức "luồn sâu" qua các cứ điểm nói trên để tấn công các nhóm phiến quân và khủng bố.
Cuộc đụng độ giữa TAF và SAA tháng 3/2020 chứng minh rằng Ankara sẽ "không bỏ qua" cho hoạt động tấn công của Damascus theo cách này và đặc nhiệm Thổ có thể can thiệp vào xung đột trong tương lai, đặc biệt là ở mặt trận Jabal Al-Zawiya.
Hình minh họa (Nguồn: AMN).
Theo South Front, việc lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đưa tên lửa phòng không ầm trung MIM-23 Hawk đến căn cứ không quân al-Watiya cho thấy Ankara đang có ý định đồn trú lâu dài ở Libya. Và để thực hiện kế hoạch này họ sẽ biến al-Watiya thành một căn cứ liên hợp như người Nga từng lắm với căn cứ không quân Khmeimim.
Các chuyên gia của South Front cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Thổ Nhĩ Kỳ giúp lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tái chiếm lại al-Watiya từ tay Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Theo ấn phẩm Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ tái tổ chức lại lực lượng của GNA và thiết lập hai căn cứ quân sự quy mô lớn ở Libya.
Căn cứ đầu tiên sẽ được đặt ở al-Watiya giành riêng cho lực lượng không quân, căn cứ thứ hai sẽ được đặt tại Misrata.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde hôm qua (2/7) cho biết, Iran đã đồng ý bồi thường cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ một chiếc máy bay của Ukraine bị Iran bắn nhầm vào hồi đầu năm 2020.
Theo Bộ trưởng Ann Linde, thỏa thuận đã được ký kết ngày hôm qua sau các cuộc đàm phán giữa Iran và các quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ việc. Tuy nhiên chi tiết cụ thể về việc bồi thường vẫn chưa được tiết lộ. Các quốc gia có công dân trên máy bay bị tấn công gồm Canada, Thụy Điển, Anh, Afghanistan và Ukraine.
Sự cố xảy ra vào ngày 8/1/2020, khi chiếc Boeing 737 bay từ Iran bay đến Ukraine đã bị hai tên lửa đất đối không tấn công và bị rơi khiến 176 người thiệt mạng.
Iran ban đầu phủ nhận có liên quan đến vụ tai nạn, nhưng sau đó thừa nhận rằng họ đã phạm sai lầm và bắn máy bay của Ukraine sau khi nó bay quá gần một địa điểm quân sự và không trả lời các tín hiệu cảnh báo.
Sputnik đưa tin ngày 3/7 cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm bất ngờ đến căn cứ tiền phương Nimu tại Ladakh, khu vực biên giới đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Truyền thông Ấn Độ cho biết, căn cứ được Thủ tướng Modi đến thăm nằm trên độ cao hơn 3.300m nằm trên dãy núi Zanskar gần bờ sông Indus.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nghe được Tư lệnh quân khu phía Bắc, Trung tướng Y K Joshi và Tư lệnh Quân đoàn XIV, Trung tướng Harinder Singh báo cáo tình hình. Ảnh: DD.
Thủ tướng Ấn Độ cùng các tướng lĩnh cấp cao di chuyển lên căn cứ Nimu bằng trực thăng. Ảnh: DD.
Tháp tùng Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thị sát biên giới còn có Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, Đại tướng Bipin Rawat và Tư lệnh Lục quân, Đại tướng Manoj Mukund Naravane.
Chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Ladakh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nhất là sau vụ đụng độ đẫm máu tại thung lũng Galwan hôm 15/6 làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Libya.liveuamap dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vừa triển khai các hệ thống tên lửa phòng không MIM-23 Hawk đến căn cứ không quân al-Watiyah, ở Tây Bắc Libya sau thông tin Quân đội Quốc gia Libya sẽ không kích căn cứ này.
Quân Thổ tăng cường các hệ thống phòng không MIM-23 Hawk đến căn cứ al-Watiyah.
Phong trào Fatah và phong trào Hồi giáo Hamas vừa đưa ra tuyên bố đoàn kết cùng nhau chống lại kế hoạch của Israel sáp nhập vùng lãnh thổ tại Bờ Tây bị chiếm đóng.
Hai phái đưa ra cam kết trên trong cuộc họp báo chung hiếm hoi ngày 2/7 tại Ramallah, Palestine.
Quan chức cấp cao phong trào Fatah, Jibril Rajub tuyên bố: "Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự thống nhất quốc gia trong nỗ lực chống sáp nhập (của Israel)."
Phong trào Hồi giáo Hamas vốn bị Israel xem như "cái gai" cần phải loại bỏ trong suốt nhiều năm nay.
Trong khi đó, quan chức phái Hamas, Saleh al-Arouri qua kết nối video từ Beirut cho biết :"Hôm nay, chúng tôi muốn có một tiếng nói duy nhất."
Palestine bị chia cắt giữa chính quyền Hamas kiểm soát Dải Gaza và Chính quyền Palestine được quốc tế công nhận. Phong trào Fatah của Tống thống Mahmoud Abbas đặt trụ sở ở Bờ Tây, trong khi Hamas kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007.
Việc Israel tuyên bố sẽ sáp nhập gần 30% vùng lãnh thổ Bờ Tây bị Israel chiếm đóng, bao gồm các các khu định cư Do Thái, đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế.
Nguồn tin riêng của hãng tin RT (Nga) xác nhận đúng là ở Địa Trung Hải đã xảy ra "trận đọ súng" của những hệ thống tác chiến điện tử và chúng đã thực sự gây ra rắc rối lớn.
Theo đó, các hệ thống tác chiến điện tử không rõ nguồn gốc đã gây áp chế cho 2 chiếc tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ gần lãnh hải Libya. Thông tin này do hãng thông tấn RT (phiên bản tiếng Ả-rập) cung cấp dựa trên nguồn quân sự khả tín...
Liên quân Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu trong một cuộc họp báo tại Riyadh vào hôm qua 2/7 cho biết, một số cơ sở sản xuất máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của phiến quân Houthi đã bị liên quân phá hủy trong các chiến dịch không kích vào đầu tháng này.
Theo Đại tá Turki al-Maliki, phát ngôn viên của liên quân, chiến dịch trên diễn ra vào ngày 1/7, kèm theo đó là video ghi lại khoảnh khắc máy bay liên quân phá hủy các kho chứa tên lửa và xưởng lắp ráp UAV của Houthi.
Liên quân Ả Rập không kích các cơ sở sản xuất tên lửa và UAV của Houthi trong chiến dịch không kích hôm 1/7.
Phía liên quân cũng cho biết, họ còn đánh chặn 8 UAV và ba tên lửa đạn của phiến quân Houthi trong thời gian gần đây.
Trong cuộc họp báo, Đại tá al-Maliki còn cho biết, nếu Houthi tiếp tục các cuộc tấn công vào các cơ sở dân sự của Saudi, Riyadh sẽ có hành động đáp trả mạnh tay hơn nữa.
Liên quân Ả Rập đánh chặn UAV của phiến quân Houthi.
Theo South Front, Quân đội Syria (SAA) đã chặn một đoàn xe quân sự Mỹ tại cây cầu al-Dardara trên một con đường nối giữa Tel Tamr và Abu Rasin ở vùng nông thôn phía Bắc al-Hasaka vào hôm qua 2/7.
Trước sự kiên quyết của các binh sĩ SAA, đoàn xe quân sự Mỹ buộc phải quay đầu.
Được biết cả liên quân Mỹ và Quân đội Syria đều đang sử dụng các cây cầu ở Al-Hasakah như một "rào cản" ngăn không cho đối phương thực hiện các cuộc tuần tra trong khu vực.
Al-Masdar news dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, Quân đội Syria (SAA) vừa tổ chức các cuộc tấn công mới nhằm vào thành trì của quân thánh chiến ở Đông Bắc Latakia hôm 2/7 vừa qua.
Cũng theo nguồn tin này, cuộc tấn công được dẫn đầu bởi lực lượng Vệ binh Cộng hòa và Sư đoàn 4. Mục tiêu chính của SAA là các căn cứ của Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) tại Kabani và Sirmaniyeh giáp với tỉnh Idlib.
Trong điểm đỏ là vị trí Quân đội Syria vừa phát động các cuộc tấn công mới nhằm vào thành trì của phiến quân ở vùng núi Bắc Latakia.
Theo một báo cáo thực địa, Quân đội Syria không chỉ nhắm vào các thành trì của các chiến binh thánh chiến ở Kabani mà còn mở rộng vùng tấn công sang cả đồng bằng Al-Ghaab và một phần vùng Jabal Al-Zawiya.
Các chiến dịch quân sự liên tiếp của Quân đội Syria ở Đông Bắc Latakia khiến lực lượng phiến quân ở Tây Bắc Syria suy yếu đáng kể.
Được biết, cũng trong hôm qua 2/7, Quân cảnh Nga và Quân đội Thổ Nhĩ Kỹ cũng đã nối lại các cuộc tuần tra chung trên đường cao tốc M4, bất chấp lời đe dọa sẽ tấn công đoàn xe tuần các nhóm phiến quân ở Idlib.
Các công tố viên liên bang Mỹ vừa tiến hành khởi kiện để thu giữ số tiền tương ứng với lượng dầu mỏ được 4 tàu chở dầu của Iran chuyển cho Venezuela.
Với việc khiếu kiện phạt tiền dân sự này, các công tố viên Mỹ không chỉ nhắm đến mục tiêu ngăn chặn vận chuyển dầu mỏ của Iran cho Venezuela (được khởi động từ tháng trước), mà còn tước đoạt nguồn thu của Tehran từ việc giao hàng này, ngăn chặn các chuyến hàng tiếp theo.
Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt những động thái mà Mỹ theo đuổi để chống Iran và quốc gia đồng minh Venezuela, là một phần trong chiến lược gây sức ép đòi chính quyền Tehran và Caracas phải đáp ứng các yêu sách của Mỹ.
Việc khởi kiện diễn ra sau nhiều căng thẳng ngoại giao trong quan hệ song phương Mỹ-Iran, cùng với đó là cảnh báo của Mỹ - từ phía nhà nước lẫn tư nhân, nhằm vào các công ty có hoạt động trong ngành vận tải biển trong hoạt động làm ăn với Iran.
Theo Sputnik, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) vừa công bố những bức ảnh đầu tiên về vụ nổ bên trong cơ sở hạt nhân Natanz ở phía nam Tehran.
Hình ảnh một dãy nhà kỹ thuật ở Natanz hư hại sau vụ nổ hôm 2/7 mới được AEOI đăng tải.
Tuy nhiên, đại diện AEOI lại không đưa ra bất cứ thông tin nào về nguyên nhân dẫn đến vụ nổ tại cơ sở hạt nhân quan trọng nhất của Iran.
Trong khi đó, tờ New York Times dẫn một nguồn tin tình báo giấu tên từ Trung Đông cho biết, vụ nổ ở Natanz là do một quả bom được bí mật cài vào bên trong cơ sở hạt nhân này.
Theo nguồn tin này, vụ nổ hôm 2/7 đã phá hủy một tổ hợp kỹ thuật quan trọng thuộc Natanz, nơi các máy ly tâm được lắp đặt trước khi đi vào hoạt động.
Kênh BBC dẫn các nguồn tin từ Trung Đông cũng nhận định, vụ nổ ở Natanz là một hành động phá hoại có chủ đích. Thậm chí còn có một nhóm vũ trang có tên Hom Hom Cheetahs đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công này.
South Front đưa tin ngày 2/7 cho biết, các tay súng thuộc Quân đội Quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ dựng lên đã phát động một cuộc tấn công lớn vào phòng tuyến của Quân đội Syria (SAA) ở vùng nông thôn Bắc Raqqa.
Theo Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR), các cuộc tấn công của SNA nhằm vào một số vị trí của SAA ở phía Tây thị trấn Tell Abyad, dẫn đến một số thương vong cho quân chính phủ.
Trong vài ngày qua lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công vào SAA cũng như lực lượng dân chủ Syria (SDF). Thậm chí chúng còn pháo kích vào nhiều vị trí của SDF ở Bắc Raqqa và al-Hasakah.
Nhằm đối phó quân khủng bố, Quân đội Syria đã tăng cường thêm quân và nhiều vũ khí hạng nặng lên phía Bắc al-Hasakah. SAA có thể sẽ đứng về phía SDF, nếu lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch mới ở Đông Bắc Syria.
Quân đội Syria ùn ùn kéo về Bắc Raqqa khi chiến sự trong khu vực có dấu hiệu nóng trở lại.
Theo Al-Masdar news, liên quân Mỹ ở Syria bắt đầu có hành động đáp trả Quân đội Syria (SAA) sau khi SAA ngăn các đoàn xe của Mỹ tiến vào một số vùng ở Đông Bắc Syria.
Cụ thể, liên quân bắt đầu lập nên các chốt kiểm soát ở tỉnh Al-Hasakah nhằm ngăn cản các đoàn xe tuần tra của Quân cảnh Nga trong khu vực.
Các nguồn tin địa phương cho biết, Mỹ đã ngăn cản thành công một đoàn xe của Quân cảnh Nga ở gần cầu Al-Dardara, vùng nông thôn Al-Hasakah vào hôm qua 3/7.
Cũng trong ngày 3/7, liên quân Mỹ cũng tìm cách ngăn đoàn xe tuần tra của Nga ở Al-Malikiyah, khi thiết lập lệnh phong tỏa ở thành phố này trong suốt ngày hôm qua. Tuy nhiên, cả hai bên đều kiềm chế những hành động có thể dẫn đến đối đầu quân sự.
Được biết cả Mỹ và SAA đều sử dụng các cây cầu ở Al-Hasakah như một trạm kiểm soát không cho đối phương thực hiện các cuộc tuần tra trong khu vực.
Theo tờ Al-Benaa, Tehran sẽ cử các đội tàu chở hàng cứu trợ tới Lebanon để hỗ trợ Beirut đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như các lệnh cấm vận mà Mỹ đang áp đặt lên quốc gia Địa Trung Hải này.
Thông tin ban đầu cho thấy, các tàu viện trợ của Iran sẽ mang theo thực phẩm, nhiên liệu và một số nhu yếu phẩm giúp người dân Lebanon vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi các tàu Iran sẽ đến Lebanon trong hai tuần nữa.
Al-Benaa cũng dẫn các nguồn tin riêng cho biết, các cuộc đàm phán giãn nợ giữa Beirut và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần như đi vào ngõ cụt sau khi Bộ trưởng Tài chính Lebanon Alan Bivani từ chức.
Trước đó truyền thông Lebanon cũng đưa tin về việc Iran sẽ dang tay hỗ trợ nước này trước lệnh cấm vận của các nước phương Tây cũng như một số nước Ả Rập trong khu vực.
Lebanon hiện đang lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế chưa từng có, do nạn tham nhũng cũng như chịu tác động từ cuộc xung đột ở Syria.