Mỹ vung đòn "sấm sét" vào vũ khí lợi hại của TQ: Ráo riết cô lập và xử lý Viện Khổng Tử

Hải Võ |

Bộ quốc phòng Mỹ ra lệnh cấm các trường đại học trong nước sử dụng ngân sách do cơ quan này cấp vào những hoạt động liên quan đến Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

Làn sóng chỉ trích chống lại Viện Khổng Tử của Trung Quốc

Đại học North Florida sẽ đóng cửa một viện văn hóa do Trung Quốc điều hành tại chi nhánh của trường. Đây là trường đại học mới nhất ở Mỹ có quyết định này, sau khi giới lập pháp Mỹ thời gian qua chỉ trích gay gắt Trung Quốc lợi dụng các Viện Khổng Tử - do chính phủ nước này tài trợ - để gây ảnh hưởng lên môi trường giáo dục cấp cao của Mỹ.

Đại học North Florida thông báo hôm 14/8 rằng Viện Khổng Tử - được mở ra ở chi nhanh của trường vào năm 2014 nhằm thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa - không đáp ứng sứ mệnh đề ra.

Trường không nêu cụ thể nguyên nhân kết thúc quan hệ hợp tác với Viện Khổng Tử, nhưng cho biết Viện sẽ đóng cửa vào tháng 2/2019.

Trụ sở Viện Khổng Tử ở Bắc Kinh, Trung Quốc và Bộ ngoại giao Trung Quốc đều chưa phản ứng trước diễn biến mới. Trước đây, chính phủ Trung Quốc khẳng định mục tiêu của Viện này là tăng cường hiểu biết giữa các bên, và thúc giục những người nghi ngờ bản chất của chương trình từ bỏ "tư duy lỗi thời".

Mỹ vung đòn sấm sét vào vũ khí lợi hại của TQ: Ráo riết cô lập và xử lý Viện Khổng Tử - Ảnh 1.

Cơ sở của Viện Khổng Tử đặt tại trường đại học North Florida (Ảnh: SCMP)

Thượng nghị Cộng hòa của bang Florida, ông Marco Rubio, hoan nghênh quyết định của trường North Florida. Rubio là một trong nhiều nhà lập pháp Mỹ cảnh báo Viện Khổng Tử là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bành trướng ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài và có vai trò củng cố khả năng kiểm duyệt của Trung Quốc trong học đường Mỹ.

Rubio cho biết sẽ thúc giục các đại học khác ở Florida "noi gương" trường North Florida. Ông cùng một nhóm nhà lập pháp đang theo đuổi dự luật yêu cầu các trường đại học tiết lộ quà tặng quan trọng từ nước ngoài.

Nhiều chính khách Mỹ, gồm tổng thống Donald Trump và cả các thành viên đảng Dân chủ, cũng đang theo lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Quan hệ Mỹ-Trung đã xuống dốc trong 3 tháng qua khi song phương rơi vào tình trạng "ăn miếng trả miếng" giữa chiến tranh thương mại.

Nhiều trường đại học lớn ở Mỹ, như Đại học bang Pennsylvania và Đại học Chicago, đã cắt đứt liên hệ với Viện Khổng Tử sau khi các giảng viên của họ khiếu nại rằng chương trình này là dự án tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục.

Mỹ vung đòn sấm sét vào vũ khí lợi hại của TQ: Ráo riết cô lập và xử lý Viện Khổng Tử - Ảnh 2.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz là một trong số nhà lập pháp Mỹ chỉ trích mạnh hoạt động của Viện Khổng Tử tại Mỹ (Ảnh: AP)

Viện Khổng Tử "đội lốt" chương trình chính phủ Mỹ tài trợ

Lo ngại về Trung Quốc thao túng ảnh hưởng trong học đường Mỹ lên đỉnh điểm vào năm nay, sau khi các quan chức Đại học bang Arizona (ASU) khoe khoang việc kết hợp giữa các chương trình giảng dạy tiếng Hoa do Lầu Năm Góc tài trợ với hoạt động của Viện Khổng Tử ở trường này.

Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2019 (NDAA) với ngân sách 716 tỉ USD - hay còn gọi là luật John McCain - được tổng thống Trump ký duyệt hôm 13/8 có điều khoản cấm các trường đại học Mỹ sử dụng nguồn lực của Bộ quốc phòng vào bất kỳ chương trình nào liên quan tới Viện Khổng Tử.

Trong tương lai, bất kỳ đại học nào muốn duy trì cả chương trình tiếng Hoa của chính phủ Trung Quốc lẫn Lầu Năm Góc thì phải xin một giấy phép miễn trừ của Bộ quốc phòng Mỹ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Ted Cruz chỉ trích các Viện Khổng Tử của Trung Quốc là mối đe dọa về tự do học thuật và an ninh quốc gia. Hiện có hơn 100 cơ sở của Viện này trong các trường học Mỹ, và hơn 500 cơ sở trên thế giới.

"Viện Khổng Tử là con đường chủ chốt để [Trung Quốc] thâm nhập giáo dục cấp cao của Mỹ để dập tắt những chỉ trích và trung hòa việc giáo dục về Trung Quốc," ông Cruz nói. "Tiền thuế của người dân Mỹ không phải để tài trợ cho việc tuyên truyền của họ."

Mỹ vung đòn sấm sét vào vũ khí lợi hại của TQ: Ráo riết cô lập và xử lý Viện Khổng Tử - Ảnh 3.

Một ngôi đền thờ Khổng Tử ở Bắc Kinh, ảnh chụp năm 2014 (Ảnh: DPA/Zuma Press)

Tham dự Câu lạc bộ báo chí quốc gia (Mỹ) hồi tháng 4, cựu hạ nghị sĩ Matt Salmon của bang Arizona, nay là Phó chủ tịch trường ASU phụ trách các vấn đề về chính phủ, khẳng định chính Lầu Năm Góc đã bơm tiền cho... Viện Khổng Tử ở trường này và do đó họ không thấy có lo ngại về an ninh quốc gia.

"Bộ quốc phòng đã đầu tư vào chương trình Viện Khổng Tử ở Arizona bởi họ muốn thông qua kết nối dạng này để tìm kiếm những người nói tiếng Hoa và có kỹ năng [ngôn ngữ] tốt trong lĩnh vực nghiên cứu của họ," ông Salmon nói. "Tôi nghĩ điều này cho thấy [Lầu Năm Góc] không e ngại [Viện Khổng Tử] là đe dọa với an ninh quốc gia."

"Nếu Viện Khổng Tử đúng là đe dọa về an ninh thì nghĩa là Bộ quốc phòng đã sai lầm lớn khi tài trợ chương trình của chúng tôi," ông nói thêm.

Tờ China Daily - do nhà nước Trung Quốc quản lý - nhanh chóng lan truyền phát ngôn của Matt Salmon để xoa dịu lo ngại về tổ chức học thuật này. Viện Khổng Tử ASU còn "ghi công" rằng mối hợp tác với chương trình của Lầu Năm Góc đã giúp cơ sở này đạt danh hiệu "Viện Khổng Tử của năm" vào năm 2016.

Ngay sau bình luận của Salmon, Lầu Năm Góc phải liên hệ với ASU và chỉ thị trường này tách biệt hoàn toàn chương trình do họ tài trợ với hoạt động của Viện Khổng Tử.

"Chúng tôi hoàn toàn nhận thấy đây (Viện Khổng Tử) là một vấn đề an ninh quốc gia," Washington Post trích lời một quan chức quốc phòng. "Chúng tôi đã hỏi [ASU] về tình hình thực tế, và nhanh chóng hành động để ngăn chặn."

Phát ngôn viên của ASU cho biết trường "sẽ tuân thủ quy định mới được đề ra trong NDAA".

Phóng viên Josh Rogin của Washington Post đã liên hệ với hàng chục trường đại học khác ở Mỹ có thể trở thành đối tượng của đạo luật ngân sách quốc phòng mới, bởi nhiều trường vẫn duy trì cả chương trình của Lầu Năm Góc lẫn Viện Khổng Tử. Tất cả các trường đều phản hồi rằng họ không kết hợp hai chương trình với nhau và sẽ xin giấy phép của Bộ để tiếp tục duy trì cả hai.

Tuy nhiên, một số quan chức các trường hé lộ với Rogin rằng thủ tục xin giấy phép sẽ làm phức tạp hơn rất nhiều việc xin tài trợ từ Bộ quốc phòng cho chương trình đào tạo tiếng Hoa. Họ cũng cho rằng Lầu Năm Góc sẽ ngày càng lo ngại với các trường học có Viện Khổng Tử.

Đạo luật ngân sách 2019 có thể "vô tình hoặc cố ý" tạo thành hệ quả là buộc các trường học lựa chọn giữa "tiền Mỹ hay tiền Trung". Nhiều khả năng tất cả các trường học ở Mỹ phải lựa chọn để sinh viên của mình theo học chương trình tiếng Hoa do Washington hay Bắc Kinh chi trả.

Theo WaPo, một cuộc thảo luận ở quy mô quốc gia là cần thiết, nhằm đưa ra những phương án hợp lý nhất và giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng giáo dục - những tổ chức đáng lý không cần phải đưa ra lựa chọn, mà sinh viên có thể theo học tiếng Hoa với chi phí hoàn toàn do chính phủ Mỹ chi trả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại