"Miếng bánh" gần 5 tỷ USD khiến 2 ông lớn vũ khí Mỹ vào cuộc?
Mới đây, trang tin Defense News dẫn tuyên bố của các nhà sản xuất vũ khí nổi tiếng của Mỹ là Northrop Grumman và Raytheon rằng họ sẽ hợp tác để phát triển một loại vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới.
Vào ngày 24/4/2020, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chính thức đưa ra yêu cầu mới cho cuộc chạy đua mới được đặt tên Next Generation Interceptor/NGI (tạm dịch: Hệ thống đánh chặn thế hệ kế tiếp).
MDA đã yêu cầu Lầu Năm Góc cấp 664,1 triệu USD trong năm tài chính 2021 cho việc phát triển NGI, và đây mới chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch phân bổ ngân sách quân sự trong vòng 5 năm trị giá 4,9 tỷ USD của chương trình.
Hình ảnh mô phỏng ít nhất là 6 hệ thống NGI được khai hỏa để đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Ông Blake Larson, phó chủ tịch tập đoàn Northrop Grumman tuyên bố: "Chúng tôi có đủ nhân lực, công nghệ và chuyên môn phù hợp với các yêu cầu cao cấp của khách hàng, từ việc xác định tên lửa đạn đạo của đối phương cho tới khi tiêu diệt nó".
Về phần mình, ông Wes Kremer chủ tịch của Raytheon Missiles & Defense bình luận: "Đây sẽ là công việc của các chuyên gia thực thụ - với sự thành thạo trong việc phát hiện mối đe dọa đến đánh chặn nó.
Chúng tôi đang tạo ra một liên minh có khả năng phát triển một giải pháp mang tính cách mạng được thiết kế để đánh bại các mối đe dọa mới nổi".
Cả Northrop Grumman lẫn Raytheon đều có kiến thức chuyên sâu về phòng thủ tên lửa với các kinh nghiệm thu được trong quá trình phát triển các loại khí tài đã được thực chiến như Hệ thống phòng không Patriot PAC-3 hay Hệ thống phòng không tầm ngắn SHORAD.
Một nguyên mẫu của hệ thống NGI bên trong lớp vỏ bảo vệ..
Chương trình NGI sẽ mở ra "chiến tranh không gian"?
Theo bài viết được đăng tải trên trang tin Bulgaria Military vào ngày 5/5/2020, với chương trình NGI, Lầu Năm Góc hy vọng sẽ nhận được một "thiết bị đánh chặn khí động học mới" - hoạt động như một đầu đạn được phóng từ tổ hợp phòng không trên mặt đất.
Trong bài viết vào tháng 8/2019, tờ Defense News còn nêu chi tiết hơn rằng loại vũ khí nói trên sẽ được phóng từ ít nhất 64 tổ hợp tên lửa thuộc Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD).
Thứ vũ khí này sẽ bao gồm một hoặc nhiều đầu đạn có thể tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu là các đầu đạn (thường là hạt nhân) của ICBM ở tốc độ và độ cao lớn sau khi tách khỏi tên lửa đẩy tăng cường.
Tuy nhiên, NGI cũng có thể sẽ trở thành các vũ khí tấn công vệ tinh quân sự của đối phương ở quỹ đạo thấp do khả năng "trôi nổi" và tiếp cận mục tiêu.
Năng lực này của NGI có thể gây ra mối đe dọa cho các vệ tinh của các "đối thủ tiềm năng" (Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran... ) và khiến các quốc gia này tích cực vũ trang cho các vệ tinh quân sự, mở ra một kỷ nguyên "chiến tranh không gian" mới.
Một video giới thiệu cách thức hoạt động của chương trình NGI do Raytheon trình bày.