Mỹ không kích Syria: Chuyên gia Trung Quốc nói 'Mỹ đã trở lại'

Minh Hạnh |

Trong chiến dịch quân sự đầu tiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho quân đội không kích lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria.

Lầu Năm Góc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Lầu Năm Góc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây là động thái rõ ràng của Mỹ nhằm vào Iran, và là thông điệp gửi đến thế giới, rằng “nước Mỹ đã trở lại”.

Các cuộc tấn công diễn ra vài ngày sau khi lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn phóng tên lửa tấn công lực lượng Mỹ ở Iraq, và khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục âm ỉ.

Yin Gang, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Tây Á và Châu Phi (Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - CASS), nói với Global Times hôm thứ Sáu rằng mặc dù cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở ở Syria, nhưng mục tiêu thực chất là Iran.

Động thái này có thể được coi là sự đảo ngược các chính sách Iran của cựu tổng thống Donald Trump.

“Dưới thời ông Trump, Mỹ có xu hướng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Iran, thay vì can dự về mặt chính trị. Chính phủ của đảng Dân chủ muốn nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng họ vẫn muốn nói với Iran rằng không nên hành động ở Syria”, ông Yin nói.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, sau khi ông Trump rút lui khỏi thỏa thuận này hồi năm 2018. Tuy nhiên, nỗ lực của Washington đã vấp phải phản ứng lạnh lùng từ Iran.

Một chuyên gia giấu tên về quan hệ quốc tế nói với Global Times hôm thứ Sáu rằng không giống như thời ông Trump, Mỹ dưới thời ông Biden sẽ không có lập trường thỏa hiệp đối với Iran và Syria, cũng như sự hiện diện của Nga ở Trung Đông.

Với cuộc không kích mới nhất, Mỹ hy vọng các nước Ả Rập đối đầu với chính phủ Iran và Syria sẽ sớm đưa ra các chính sách rõ ràng, và phối hợp để thúc đẩy các nước châu Âu can dự vào các vấn đề Trung Đông.

Chuyên gia giấu tên này tin rằng ông Biden, người ủng hộ chủ nghĩa đa phương, sẽ không chiến đấu một mình mà sẽ đoàn kết các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là châu Âu. Hiện chưa rõ Mỹ có ý định kéo thêm các nước châu Âu, đặc biệt là NATO vào Trung Đông hay không.

Tổng thống Biden đã thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu vào ngày 17/2. Nhà Trắng sau đó cho biết hai lãnh đạo đã thảo luận sự cần thiết phải "tiếp tục tham vấn chặt chẽ" về Iran.

Do Israel luôn coi Iran là một mối đe dọa, nên ông Yin từ CASS lưu ý rằng không thể loại trừ khả năng cuộc không kích mới nhất của Mỹ là kết quả cuộc vận động hành lang của Thủ tướng Netanyahu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại