Trang thông tin y khoa Medscape hôm 29-9 dẫn lời bác sĩ Amanda Morrow, một trong các tác giả đứng đầu nghiên cứu, cho biết COVID-19 kéo dài (long-COVID), tình trạng khiến một số bệnh nhân khỏi COVID-19 nhưng mãi không khỏe hẳn, được ghi nhận ở 6-60% bệnh nhi theo thống kê của các nghiên cứu.
Với trẻ em, COVID-19 kéo dài thường gặp hơn ở bé gái, tuổi càng lớn thì tỉ lệ gặp phải càng nhiều.
Tăng cường dinh dưỡng, bù nước, giảm muối, hoạt động phù hợp sau COVID-19 có thể giúp trẻ em phòng tránh hoặc sớm cải thiện các triệu chứng COVID-19 kéo dài - Ảnh minh họa từ Internet
Theo bác sĩ Morrow, người đang làm việc tại Phòng khám Phục hồi chức năng nhi khoa sau COVID-19 tại Viện Kenedy Krieger ở Baltimore, Maryland - Mỹ, các triệu chứng trẻ thường gặp nhất là mệt mỏi tột độ, đau đầu, chóng mặt, khó ngủ, nhiệt độ tăng cao, lo lắng và trầm cảm.
Hướng dẫn mới dành cho 29 trang - dù mục tiêu chính là những khuyến nghị, hướng dẫn dành cho nhân viên y tế - cũng chỉ ra những điều đơn giản mà phụ huynh có thể làm để song hành với việc điều trị của nhân viên y tế.
Ví dụ, liên quan đến triệu chứng mệt mỏi, hướng dẫn khuyến nghị tối ưu hóa dinh dưỡng và quá trình hydrat hóa - tức quá trình các phần trong cơ thể tự bù đắp nước, thông qua việc chính người bệnh bổ sung nước dầy đủ, chăm sóc giấc ngủ, hoạt động thể chất ở mức tăng dần từ từ và không khiến bệnh nhân khó chịu.
Các khuyến nghị liên quan đến rối loạn chức năng thần kinh tự chủ (thường dẫn đến chóng mặt, choáng váng khi đứng, tim đập nhanh...) bao gồm cung cấp nước nhiều hơn thường lệ (2-3 lít chất lỏng không chứa caffein mỗi ngày), hạn chế muối ăn (không được quá 6 g/ngày), điều chỉnh tốc độ hoạt động thể chất.
Đối với rối loạn giấc ngủ, khuyến cáo tăng cường vệ sinh giấc ngủ, thiết lập "thời khóa biểu" phù hợp cho giấc ngủ và hạn chế sử dụng các thiết bị trong vòng 30-60 phút trước khi ngủ.
Dịp này, nhóm cũng ban hành một hướng dẫn khác dành 22 trang cho tất cả những người đang gặp vấn đề về rối loạn chức năng thần kinh tự chủ.
Hướng dẫn này bao gồm cảnh báo về sự vội vã - cố gắng tìm cách phục hồi chức năng quá sức chịu đựng của cơ thể sau bệnh - gây tác dụng ngược khiến các triệu chứng nặng thêm.
Hướng dẫn khẳng định các vấn đề này có thể được giảm bớt bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, vận động, có thể được hỗ trợ bởi các loại thuốc thông thường.
Các triệu chứng kéo dài sau bệnh đã được nhiều nghiên cứu trên thế giới ghi nhận ở bệnh nhân COVID-19 lẫn một số bệnh nhiễm siêu vi khác, mà nguyên nhân chủ yếu là hậu quả từ các xáo trộn của cơn bệnh: Cơ thể dùng quá nhiều năng lượng khi bệnh dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, mất nước sau bệnh; hậu quả của rối loạn giấc ngủ trong khi còn bệnh...
Cho dù thường không nặng nề, nhưng các vấn đề này - vì kéo dài - có thể gây nên nhiều xáo trộn và khó chịu cho bệnh nhân.
Vì vậy, các bệnh nhân COVID-19 thường được khuyến cáo chú trọng "bù đắp" cho cơ thể ngay từ khi còn đang bệnh và không quá vội vã trở lại với việc tập luyện cường độ cao, công việc quá nặng nề hay các hình thức gây căng thẳng ngay khi mới bệnh dậy để tránh tình trạng chậm hồi phục hoàn toàn.