Viên chức nhảy việc, rẽ ngang khi 'đủ lông cánh'

Dương Liễu |

Tình trạng viên chức được đào tạo bằng ngân sách rồi nghỉ việc, nhảy việc không phải hiếm, nhất là ở lĩnh vực y tế và giáo dục.

Viên chức nhảy việc, rẽ ngang khi đủ lông cánh - Ảnh 1.

Cần phải có giải pháp căn cơ để giữ chân bác sĩ sau khi kết thúc chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo một lãnh đạo bệnh viện ở Hà Nội, tại bệnh viện cũng có tình trạng bác sĩ được cử đi học nâng cao, học bác sĩ nội trú nhưng sau khi học xong, chưa hoàn thành thời gian làm việc như cam kết đã xin nghỉ việc.

Theo vị này, năm 2015 Hà Nội đã ký với Đại học Y Hà Nội để đào tạo bác sĩ nội trú cho TP. Trong thời gian đào tạo ba năm, các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội được giao nhiệm vụ trả tiền lương cho cán bộ đi học.

Các cán bộ được đào tạo theo đề án cam kết sau khi đào tạo phải trở về làm việc cho đơn vị trả lương. Tuy nhiên, thực tế nhiều bác sĩ sau khi được đào tạo không thực hiện đúng cam kết.

Thậm chí, nhiều bác sĩ sau khi hoàn thành đào tạo không quay lại công tác mà xin nghỉ việc ngay sau đó.

"Có bác sĩ nói sẵn sàng chấp nhận đền bù chi phí đào tạo để ra các cơ sở tư nhân làm việc, vì mức lương cao hơn nhiều so với các bệnh viện công. Bệnh viện tư hiện nay không có chương trình đào tạo, hầu hết tuyển các bác sĩ đã qua đào tạo để làm việc", vị này nói.

"Hiện theo Luật viên chức, người lao động có quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Với những trường hợp này, chúng tôi vẫn giải quyết theo quy định. Những cán bộ được đi học bằng ngân sách nếu không hoàn thành thời gian công tác theo cam kết ban đầu sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo. Hầu hết đều chấp hành đền bù nên không có chuyện xảy ra tranh chấp, khiếu nại", lãnh đạo bệnh viện nói thêm.

Là tỉnh miền núi, Lạng Sơn cũng có chương trình đào tạo theo địa chỉ. Ông Phạm Đức Cơ, trưởng phòng nghiệp vụ y - dược Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, cho hay tỉnh cũng có một số trường hợp bác sĩ sau khi được đào tạo theo địa chỉ về làm việc tại cơ sở y tế ban đầu một thời gian, sau đó xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác đến nơi khác.

Theo ông Cơ, việc cán bộ được cử đi đào tạo theo đơn đặt hàng tức là tỉnh đang có nhu cầu sử dụng lao động lĩnh vực đó, ví dụ bệnh viện đang thiếu bác sĩ ngoại khoa mà không tuyển dụng được nên cử cán bộ đi học. Nhưng sau khi được đào tạo về lại không thực hiện đúng cam kết phục vụ cho cơ sở y tế đó sẽ dẫn đến thiếu hụt lao động.

Cơ sở y tế lại phải tiếp tục tuyển dụng hoặc cử cán bộ đi đào tạo tiếp, như vậy rất mất thời gian, người bệnh sẽ không được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh tốt nhất.

Nên cam kết về lương và hỗ trợ đào tạo

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho rằng hình thức cử tuyển chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn khó khăn, ở vùng sâu vùng xa. Các ứng viên được chọn có thể là những người có điểm thi đại học thấp, học ngắn hạn và cần có chính sách nâng đỡ.

"Theo tôi không nên thực hiện chương trình đào tạo theo địa chỉ trong giai đoạn hiện nay vì chúng ta cần bác sĩ đạt chuẩn chất lượng. Hiện chỉ nên có chế độ chính sách thu hút bác sĩ chính quy về hơn là đưa một người ở tỉnh mình ưu tiên đào tạo mà trình độ không đủ. Thực tế đã có những người ở TP.HCM cố tình chỉnh hộ khẩu thành tỉnh khác để tham gia cử tuyển. Khi đào tạo thành bác sĩ đã quay trở lại TP.HCM", đại diện Sở Y tế TP.HCM nói.

Vị này dẫn chứng thêm chương trình đào tạo bác sĩ có ưu đãi bên Úc mà ông rất tâm đắc. Cụ thể, các sinh viên ở trường đại học y được thông báo chương trình tuyển người về vùng sâu vùng xa.

Sinh viên nào đồng ý cam kết ra trường về đó làm 10 năm thì sẽ được tài trợ toàn bộ học phí, nhận học bổng rồi khi ra trường lương theo chế độ đãi ngộ. Với chương trình này chất lượng bác sĩ vẫn đảm bảo chất lượng.

X.MAI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại