Vào hôm qua ngày 23/1/2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc lần đầu phát hành một đoạn video ghi lại cảnh phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 26 (Dong Feng 26 - DF-26). Thước phim sau đó cũng thấy xuất hiện trên trang Twitter của một chuyên gia quân sự nổi tiếng.
Động thái trên của Bắc Kinh diễn ra không lâu sau tuyên bố họ đã triển khai thứ vũ khí cực kỳ lợi hại này ở vùng cao nguyên và sa mạc miền Tây Bắc. Sở dĩ Trung Quốc bố trí tên lửa DF-26 tại nơi hẻo lánh như vậy vì theo đánh giá vụ phóng từ sâu bên trong nội địa sẽ khó bị chặn hơn nhiều so với triển khai ở sát bờ biển, bởi vì lúc này quả đạn đã đạt tới tốc độ tối đa.
Dựa vào tầm bắn lớn và độ chính xác cao, ngay cả khi được phóng đi từ các khu vực nằm sâu trong đất liền thì tên lửa DF-26 vẫn đủ khả năng bao quát toàn bộ các căn cứ quân sự Mỹ giữa Thái Bình Dương, hay gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho những biên đội tác chiến tàu sân bay.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc xuất hiện trong một cuộc duyệt binh
Tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới DF-26 của Trung Quốc được xem là bước phát triển từ "người tiền nhiệm" DF-21, nâng cấp đáng kể nhất chính là tầm bắn và độ chính xác được gia tăng vượt trội.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào tháng 4/2018 mới cho biết tên lửa DF-26 đã gia nhập biên chế, nhưng nó được nhìn thấy lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh diễn ra vào ngày 3/9/2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, cho thấy thực chất vũ khí này đã phục vụ trong Lực lượng Pháo binh số 2 từ vài năm trước.
Trung Quốc tự tin khẳng định DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung tối tân nhất thế giới vào thời điểm hiện tại do cả Nga lẫn Mỹ không có sản phẩm tương đương vì chịu ảnh hưởng của Hiệp ước INF. Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia quân sự thì đối thủ lớn nhất của DF-26 chính là tên lửa Agni V của Ấn Độ, tuy nhiên tính năng kỹ chiến thuật của DF-26 cao cấp hơn nhiều.
DF-26 được Trung Quốc tuyên bố là tên lửa đạn đạo tầm trung tối tân nhất thế giới
Tên lửa đạo đạo tầm trung DF-26 có kết cấu 2 tầng, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn với chiều dài ~14 m; đường kính thân ~1,4 m; trọng lượng phóng ~20 tấn. Tầm bắn của DF-26 vẫn chưa được Trung Quốc công bố rõ ràng, ước tính vào khoảng 3.000 - 4.000 km, thậm chí có nguồn tin còn khẳng định rằng ít nhất nó cũng phải vươn tới cự ly 5.000 km.
DF-26 có thể mang theo đầu đạn thông thường với trọng lượng khoảng 1,2 - 1,8 tấn, ngoài ra nó còn được trang bị cả đầu đạn hạt nhân. Với kênh tham chiếu qua hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu phiên bản quân sự mà sai số của loại tên lửa được quảng cáo chưa đến 10 m.
Đường bay của tên lửa DF-26 được nhận định là rất phức tạp và không thể đoán trước, mặc dù chỉ là những cú bổ nhào có hiệu chỉnh nhưng vẫn cực kỳ khó đánh chặn.
Ngoài phiên bản thông thường thì có tin tức cho rằng Trung Quốc đã chế tạo cả biến thể DF-26 lắp đầu dò radar chủ động tương tự DF-21D để đảm nhiệm vai trò "sát thủ tàu sân bay".
Với màn "khoe cơ bắp" mới nhất của Trung Quốc thông qua tên lửa đạn đạo DF-26, có lẽ Hoa Kỳ càng có lý do vững chắc hơn để sớm rút chân khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung - INF.
Trung Quốc lần đầu công bố video phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26