Mỹ đừng liều lĩnh tấn công Venezuela, bài học thất bại đau đớn ở Cuba vẫn còn nguyên!

Trung Phạm |

Sự thất bại của John F. Kennedy trong sự kiện "Vịnh Con Lợn" vĩnh viễn làm lu mờ đi nhiệm kỳ tổng thống của ông và tới tận ngày nay nó vẫn để lại các hậu quả tiêu cực cho nước Mỹ.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela vẫn tiếp tục chứng kiến những biến động khó lường, một câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu Mỹ có sử dụng vũ lực để lật đổ Tổng thống Nicolás Maduro Moros?

Chính quyền Donald Trump có thể vẫn đang cân nhắc phương án này một cách rất cẩn trọng. Vì vậy, nhìn lại lịch sử để thấy rằng một tổng thống Mỹ trước đây cũng đã từng phải đối diện với một quyết định như vậy là điều cần thiết.

Sự kiện "Vịnh Con Lợn" và sự vào cuộc của CIA

Sự thất bại của John F. Kennedy trong sự kiện "Vịnh Con Lợn" (Bay of Pigs) vĩnh viễn làm lu mờ đi nhiệm kỳ tổng thống của ông và cho tới tận ngày nay nó vẫn để lại những hậu quả tiêu cực cho nước Mỹ.

60 năm trước, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro tiến hành cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista do Mỹ hậu thuẫn. Mặc dù đàn áp nhân dân Cuba một cách tàn bạo nhưng Batista vẫn được Mỹ dung túng do đã giúp Washington gặt hái được nhiều lợi ích từ các hoạt động du lịch và kinh tế.

Bởi vậy, rất nhiều nhân vật quyền lực ở Mỹ đã không chấp nhận kịch bản Fidel Castro lên nắm chính quyền. Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower là một trong số đó.

Khi Fidel Castro xích lại gần Liên Xô, ông Eisenhower lại càng trở nên lo lắng. Tháng 7/1960, 2 công ty dầu lửa thuộc sở hữu của Mỹ từ chối lọc dầu cho các tàu dầu Liên Xô, Fidel Castro đã quyết định quốc hữu hóa chúng.

Eisenhower vô cùng tức giận và trả đũa bằng cách ngưng mua đường - nguồn thu ngân sách chính của Cuba. Sau đó, Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev đã đề nghị mua lại tất cả số đường mà Eisenhower từ chối.

Khi biết không thể thao túng hay mua chuộc được Fidel Castro, đặc biệt là khi nhà lãnh đạo Cuba ngày càng gần gũi với Liên Xô, ông Eisenhower, được sự ủng hộ của Phó Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh cho Giám đốc CIA Allen Dulles xúc tiến kế hoạch lật đổ Castro.

Nhưng khi Nixon thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó, kế hoạch này được chuyển sang cho Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ mới - John F. Kennedy, thực hiện. Ban đầu, đây chưa phải là vấn đề ưu tiên của Kennedy mặc dù ông ta đã được báo cáo một vài lần nhưng không mấy chú ý.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc và CIA vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch và làm công tác chuẩn bị bằng cách gửi một số tay súng, chủ yếu được tuyển dụng từ những người Cuba đào tẩu đang sinh sống ở Miami, tới một trại huấn luyện bí mật ở Guatemala để bắt đầu chiến dịch huấn luyện cường độ cao để chiến đấu trong môi trường rừng núi ở Cuba.

Trong cuộc họp ngày 15/3, Kennedy đã "gật đầu" cho một cuộc xâm lược đổ bộ vào Vịnh Con Lợn phía Tây Nam Cuba.

Ban đầu, kế hoạch được lập cho một nhóm khoảng 1.400 người Cuba lưu vong thuộc Lữ đoàn 2506 đổ bộ xuống bờ biển Cuba, sau đó đánh thẳng vào vùng rừng núi rồi bắt đầu cuộc chiến tranh du kích chống Fidel Castro.

CIA tin rằng Fidel Castro "rất bị căm ghét" ở Cuba và một khi các phần tử lưu vong bắt đầu chiến đấu thì chúng sẽ khích động được một cuộc nổi dậy rộng khắp và Castro sẽ bị đánh bại hoặc lật đổ.

Để hỗ trợ cuộc xâm lược, số phi công người Cuba lưu vong được giao các máy bay ném bom B26 cũ của Mỹ nhưng sơn lại để xóa gốc tính, đồng thời tạo ra sự hiểu lầm là các phi công Cuba đã đào thoát khỏi phe Fidel Castro.

Số máy bay này sẽ tấn công và phá hủy lực lượng không quân còn nhỏ bé của Fidel Castro trước khi cuộc đổ bộ ở bờ biển diễn ra để quân dân Cuba không thể ngăn cản được cuộc đột kích.

Kennedy muốn giấu nhẹm sự can sự của Mỹ bởi ông ta lo lắng Liên Xô có thể hợp tác với Cuba và khi đó kịch bản tồi tệ nhất rất có thể xảy ra: Nếu Khrushchev cho rằng Mỹ xâm lược Cuba, Moscow sẽ tham chiến chống lại Mỹ.

Mỹ đừng liều lĩnh tấn công Venezuela, bài học thất bại đau đớn ở Cuba vẫn còn nguyên! - Ảnh 1.

Đơn vị phòng không Cuba bảo vệ bờ biển trong Sự kiện Vịnh Con Lợn tháng 4/1961

Kế hoạch bại lộ và bài học cay đắng

Thế nhưng, một diễn biến chấn động đã xảy ra vào ngày 7/4, đúng 10 ngày trước khi kế hoạch xâm lược của Mỹ bắt đầu. Tờ New York Times đã tiết lộ kế hoạch của Mỹ theo cách không thể rúng động hơn.

"Trong gần 9 tháng", câu chuyện trên New York Times bắt đầu. "Lực lượng quân sự lưu vong Cuba tham gia chiến dịch lật đổ Fidel Castro đã được huấn luyện ở Mỹ cũng như ở Trung Mỹ... Mục đích của chiến dịch là giải phóng Cuba khỏi cái mà họ gọi là chế độ cầm quyền Castro".

Tiết lộ chấn động này đáng ra đã đánh dấu chấm hết cho chiến dịch xâm lược bởi tất cả các yếu tố bất ngờ giờ đây đã không còn và thông tin về sự can dự của chính phủ Mỹ ngày càng lộ diện.

Bản năng của Kennedy nhắc nhở rằng ông ta sẽ thất bại và nên từ bỏ kế hoạch. Tuy nhiên, quá nhiều nhân vật quyền lực trong bộ máy cố vấn của ông đã thuyết phục Kennedy rằng việc tiết lộ trên sẽ không làm kế hoạch tấn công Cuba phá sản.

Kennedy chưa đủ sức kháng cự để chống lại ảnh hưởng của các cố vấn dày dặn kinh nghiệm và ông đã lựa chọn quyết định không từ bỏ kế hoạch. Hậu quả, ông ta đã phải hối hận về sau.

Mỹ đừng liều lĩnh tấn công Venezuela, bài học thất bại đau đớn ở Cuba vẫn còn nguyên! - Ảnh 2.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro (phía dưới, bên phải) chỉ huy chiến dịch đánh trả Sự kiện Vịnh Con Lợn ngày 17/4/1961. Ảnh: Báo Granma

Ngày 15/4, lực lượng không quân gồm các máy bay ném bom B26 đã tấn công 3 phi trường gần khu vực đổ bộ ở Vịnh Con Lợn. Do Fidel Castro được cảnh báo từ bài viết trên tờ New York Times, các lực lượng của ông đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao nên thiệt hại từ các cuộc ném bom là không lớn.

Hơn nữa, khi đã biết chắc cuộc xâm lược sẽ diễn ra, Fidel đã huy động tổng lực sức mạnh nhân dân, đặt các máy bay, quân đội và dân phòng vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Khi cuộc đổ bộ diễn ra vào ngày 17/4, Fidel Castro và binh lính của ông đã sẵn sàng. Đó là một cuộc phản kích đẫm máu.

Rất nhiều phương tiện đổ bộ đã bị tấn công và đánh chìm trước khi chúng có thể tiếp cận bờ biển Cuba. Số còn lại bị nhấn chìm xuống biển. Lực lượng không quân "cổ lỗ" mà Castro có khi đó dư sức đánh bại số quân đổ bộ còn lại không được bảo vệ trên bờ biển.

Các thành viên của Lữ đoàn 2506 cầu xin Mỹ yểm trợ không quân nhưng Kennedy đã từ chối bởi ông ta không thể cho phép công khai sử dụng các lực lượng Mỹ như vậy. Hậu quả là toàn bộ lính Cuba lưu vong, hoặc bị chết hoặc bị thương hoặc bị bắt giữ.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Liên Hợp Quốc sau đó, Đại sứ Cuba đã trực tiếp cáo buộc Mỹ đánh bom đất nước ông. Đại sứ Mỹ Adlai Stevenson phủ nhận cáo buộc nhưng sự thật thì không thể bị che đậy. Chiến dịch này đã được lập kế hoạch ở những cấp cao nhất của chính phủ Mỹ, gồm cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, CIA. Ngày nay, sự thực đã được phơi bày rất rõ ràng.

Sau thất bại đau đớn đó, Kennedy thề sẽ không bao giờ bị "dắt mũi" bởi các cố vấn cao ngạo nữa. Ông đã sa thải nhiều lãnh đạo và cố vấn cấp cao, thậm chí là cả Giám đốc CIA Allen Dulles.

Sự cương quyết của Kennedy đã được chứng minh khi ông từ chối đề nghị của Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tấn công hạt nhân Cuba trong cuộc khủng hoảng tên lửa diễn ra sau đó. Đất nước Cuba đã được đảm bảo an toàn.

Lực lượng vũ trang Cuba huấn luyện

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại