Mỹ điều lực lượng khủng đến Trung Đông, quyết 'hất cẳng' Nga

Đức Trí |

Sau một thời gian dài “nằm im” vì Covid-19, Mỹ đã bắt đầu điều lực lượng khủng đến Trung Đông, động thái này được cho là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng đang lên của Nga ở đây.

Sau một thời gian dài “nằm im” vì Covid-19, Mỹ đã bắt đầu điều lực lượng khủng đến Trung Đông, động thái này được cho là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng đang lên của Nga ở đây.

Mới đây, đại diện Căn cứ Thủy quân Lục chiến Trại Pendleton ở miền Nam California thông báo, khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ ở căn cứ này đã được triển khai đến Trung Đông, và sẽ trở thành "lực lượng ứng phó khủng hoảng" của Mỹ ở khu vực này.

Đây là lực lượng viễn chinh biển đầu tiên của căn cứ Pendleton được triển khai đến Trung Đông, lực lượng này đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ tác chiến khác nhau trên không, mặt đất và chi viện.

Hiện, bốn đơn vị thuộc Lực lượng viễn chinh biển số 13 của Mỹ đang được triển khai tại Kuwait và hoạt động dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ. Trước đó, Không quân Mỹ hôm 1/6 cũng xác nhận, đã triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ căn cứ Không quân Hill đến Trung Đông.

Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 năm Mỹ triển khai F-35 đến khu vực này. Theo báo cáo, một phi đội F-35 thuộc Liên đội số 419 và Liên đội số 388 đã được triển khai đến Căn cứ Không quân Al-Dhafra ở UAE.

Giới phân tích cho rằng, thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các kế hoạch liên quan của Mỹ tại khu vực Trung Đông gần như phải tạm dừng hoạt động toàn bộ, trong đó bao gồm cả các kế hoạch điều chuyển quân.

Trong khi đó, ảnh hưởng của Nga đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, và theo hướng có trách nhiệm hơn so với Mỹ.

Có thể nói, những thành công của Nga trong việc can dự vào cuộc chiến Syria đã “mở đường” cho Nga tăng cường, cải thiện, nâng cao quan hệ với các nước Trung Đông, như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia, Qatar và cả Israel.

Trên thực tế, chính sách “làm bạn với tất cả” của Nga ở Trung Đông đã có từ lâu trước khi cuộc chiến ở Syria diễn ra, song chính những hành động quân sự quyết đoán và hoạt động chính trị - ngoại giao tích cực của Nga ở Syria đã khiến vai trò, vị thế của Nga được nâng cao trên trường quốc tế nói chung, ở Trung Đông nói riêng.

Mỹ điều lực lượng khủng đến Trung Đông, quyết hất cẳng Nga - Ảnh 2.

Nga được chào đón ở Syria như một quốc gia kiến tạo hòa bình. Nguồn: huanqiu.

Trong bối cảnh Mỹ thiếu hụt lực lượng ở Trung Đông thì Nga lại đang nổi lên với hình ảnh một cường quốc “có trách nhiệm”, một nhà trung gian hòa giải các xung đột và kiến tạo hòa bình. Và hơn hết, Nga xác lập chỗ đứng ở Trung Đông như là một trong những nhân tố chủ chốt, cho dù Mỹ đã và đang muốn đẩy Nga ra khỏi khu vực này.

Ngoài ra, các quốc gia Trung Đông cũng nhận thấy có lợi ích khi tăng cường hợp tác với Nga. Điều đáng lưu ý là, các quốc gia Trung Đông thường có quan điểm và đường hướng chính sách đối ngoại rất khác nhau, thậm chí đối đầu nhau cả trong quan hệ song phương lẫn trong quan hệ với Mỹ.

Nhưng chính sách ngoại giao linh hoạt và thực dụng của Nga đã làm cho những lợi ích dù khác biệt giữa các nước Trung Đông với nhau và giữa các nước Trung Đông với Nga vẫn được bảo tồn.

Tuy nhiên, đối với một khu vực quá phức tạp như Trung Đông, những thành công của Nga tại đây là có hạn và chưa vững chắc. Hiện tại, mức độ ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này vẫn rất lớn.

Cho dù “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” mới được Tổng thống Mỹ Trump công bố (ngày 29/1/2020) còn gây nhiều tranh cãi, song chính sách đối với Trung Đông sẽ được Mỹ triển khai mạnh mẽ hơn, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Nga trong việc duy trì vị thế của mình.

Việc Mỹ điều động binh lực khủng đến đồn trú tại Trung Đông cho thấy, Tổng thống Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch của mình sau một thời gian “nằm im” vì Covid-19.

Hành động của Mỹ chắc chắn sẽ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Iran, và xung đột leo thang giữa Mỹ và Iran tiếp tục sẽ là nhân tố chính thách thức vai trò “kiến tạo hòa bình” của Nga ở khu vực này.

Washington Post cho rằng, việc Mỹ tăng quân đến Trung Đông sẽ làm cho các mối quan hệ của Nga với các quốc gia Trung Đông chủ chốt, như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, UAE và ngay cả với Iran sẽ tiếp tục “lung lay” khi mà nền tảng quan hệ của Nga với các quốc gia này chưa thực sự vững chắc để vượt qua những khó khăn, trở ngại cũng như để tạo dựng những mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại