Thổ Nhĩ Kỳ thẳng tay tiêu diệt chiến đấu cơ KQ Syria
Ngày 01/03/2020, giữa lúc chiến sự ở Idlib đang hết sức căng thẳng thì một sự kiện chưa từng có đã nổ ra khiến cả thế giới rúng động và Trung Đông sôi sục, đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cùng lúc tới 2 máy bay ném bom Su-24 của Không quân Syria.
Tại thời điểm đó, khi chưa có các hình ảnh hiện trường được công bố người ta còn bán tín bán nghi nhưng khi hàng loạt video, hình ảnh được tung lên, giới quan sát đã sốc vì không thể ngờ được rằng Ankara lại thẳng tay bắn hạ chiến đấu cơ Không quân Syria đến như vậy.
Chẳng những thế, ngay ngày hôm sau, mặc dù biết Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm chơi rắn nhưng Không quân Syria vẫn "cố đấm ăn xôi", thế là lại có thêm 1 chiến đấu cơ nữa bị bắn hạ, lần này là một chiếc máy bay cường kích hạng nhẹ kiêm huấn luyện phản lực L-39.
Mất tới 3 chiến đấu cơ trong vòng 24h, Không quân Syria lúc này mới biết sợ, toàn bộ máy bay của họ buộc phải ngừng xuất kích nếu không muốn tiếp tục bị bắn hạ.
Truyền thông thế giới và Trung Đông sôi sục trước sự kiện chưa từng có này, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy họ "không phải là dạng vừa".
Trước đó, vào năm 2015, khi Không quân Nga vừa chân ướt chân ráo tới Syria, một chiếc máy bay ném bom Su-24 của họ cũng bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt.
Sự kiện này một thời gây chấn động bởi những mối lo ngại về việc Nga sẽ trả đũa, tuy nhiên Tổng thống Nga Putin đã hóa giải một cách thần kỳ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã phải đổi chiều từ đối đầu sang bắt tay hợp tác.
Tất nhiên, còn có một sự kiện đặc biệt nữa khiến Ankara phải "thần phục" đó là Nga cứu ông Erdogan một bàn thua trông thấy khi cảnh bảo sớm âm mưu đảo chính, giúp người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ lật ngược thế cờ.
Máy bay ném bom Su-24 Không quân Nga bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Không quân Syria xuất kích trở lại, nguy cơ xảy ra thêm thảm kịch?
Trong vòng 24h qua, các chiến đấu cơ Không quân Syria phối hợp cùng Không quân Nga liên tiếp xuất kích giội bom vào nhiều vị trí của phiến quân thánh chiến ở phía Đông tỉnh Latakia thuộc Tây Bắc Syria. Thị trấn chiến lược vùng cao Kabani chìm trong những đợt mưa bom, đạn pháo và tên lửa của Quân đội Syria.
Tại khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là nằm trong "vành đai an toàn" này có các nhóm thánh chiến cứng đầu như HTS, TIP và Hurras Al-Deen, ít nhiều được Ankara hậu thuẫn.
Từ lâu Quân đội Syria và các lực lượng Nga đã muốn nhổ tận gốc trốc tận rễ những tay súng phiến quân từng nhiều lần lợi dụng địa thể hiểm trở tấn công bằng hỏa lực pháo, rocket và UAV tự chế nhằm vào các khu dân cư đông đúc ven biển và đặc biệt là căn cứ sân bay chiến lược Khmeimim, đầu não của Quân đội Nga tại Syria.
Tên lửa phòng không MIM-23 Hawk của Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt ở Idlib, Syria.
Một khi Quân đội Syria đánh quỵ thành trì của phiến quân ở đây, vùng an toàn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị thu hẹp đáng kể, con bài mặc cả của họ sẽ mất hiệu lực nghiêm trọng, vì vậy, rất có thể một lần nữa Ankara sẽ lại xuống tay không thương tiếc với chiến đấu cơ Không quân Syria. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể ra đòn bất cứ lúc nào. Bởi:
Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi rất sát các chuyến xuất kích của mọi chiến đấu cơ Nga và Syria ngay từ khi cất cánh tại các sân bay, bám sát đường bay của từng chiếc một nên việc bắn hạ là không khó, nhất là khi các máy bay Su-24, L-39 Không quân Syria có hệ thống phòng hộ, gây nhiễu kém hơn nhiều so với máy bay Nga.
Việc theo dõi chặt đường bay sẽ giúp phòng không - không quân Thổ Nhĩ Kỳ khó bắn nhầm máy bay ném bom Su-24 Nga (tất nhiên xác suất là có) nhưng với máy bay Không quân Syria thì không, trừ khi chiến đấu cơ 2 nước xuất kích đồng thời, bay lẫn vào nhau và cùng tấn công vào một khu vực mục tiêu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã từng không ngại ngần khi bắn hạ Su-24 Không quân Syria. Sự kiện rúng động có lặp lại?
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn lực lượng tại chỗ để ra đòn. Ngoài tiêm kích F-16 bay tuần tiễu liên tục trên không phận nước nhà có thể phóng tên lửa từ xa vào lãnh thổ Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ còn có các tổ hợp tên lửa phòng không khá hiện đại bố trí sẵn ở Idlib và khu vực gần biên giới, đủ sức bao quát toàn bộ vùng Idlib và vùng núi phía Đông Latakia.
Tuy vậy, do khu vực Kabani nhiều đồi núi khiến các tổ hợp tên lửa phòng không Thổ Nhĩ Kỳ gặp hạn chế nhất định, nhưng với các tiêm kích F-16 thì khác, chúng bay cao nên có tầm trinh sát lớn và rộng hơn, chỉ cần có lệnh là khai hỏa trúng đích được ngay.
Thứ ba, như đã nói ở trên Kabani có địa hình núi non hiểm trở, muốn đánh hiệu quả rất khó. Thực tế đã chứng minh trong suốt nhiều năm qua, Quân đội Syria với vũ khí trang bị hiện đại có Không quân Nga-Syria yểm trợ hỏa lực tối đã nhưng không thể làm gì được, phiến quân vẫn trụ vững và thậm chí đã nhiều lần gây ra những tổn thất cực lớn với quân chính phủ.
Hiện nay, nếu muốn đánh Kabani mà không có chiến đấu cơ yểm trợ hỏa lực thì rõ là vô vọng, vì thế nhiều khả năng Không quân Syria sẽ bất chấp nguy hiểm để xuất kích ném bom làm mềm chiến trường, tạo điều kiện cho bộ binh tấn công.
Và tất nhiên, tiêm kích cùng tên lửa phòng không Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ sẵn, vào cấp chiến đấu cao nhất, đang rình cơ hội khai hỏa, tất cả chỉ chờ lệnh mà thôi. Liệu Ankara có dám chơi lớn một lần nữa, hãy chờ xem?