Thanh An: Thưa Phó Đô đốc, chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi rất thẳng và thật mà tôi mong ông sẵn lòng chia sẻ. Theo ông, để làm tốt nhiệm vụ Tư lệnh của một quân chủng, ngoài tài năng, trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị ra thì còn phải lưu ý đến điều gì?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Câu này bạn hỏi đúng với suy tư của tôi đấy. Hồi anh Phạm Hoài Nam - Tư lệnh Hải quân hiện nay vào thăm tôi nhân dịp Tết cũng là dịp cậu ấy vừa lên chức Tư lệnh, chúng tôi đã trao đổi nhiều việc từ củng cố lực lượng, kế hoạch chiến đấu, phương hướng phát triển… Đến cuối, cậu ấy hỏi: "Chú thấy có việc gì cần phải dặn dò thêm cháu?"
Hôm đó tôi cũng mang cái tình nghĩa rất thật ra mà nói. "Nam phải xác định làm Tư lệnh là khó lắm cháu ạ". Thực tế làm cấp dưới đôi khi sơ suất còn có cấp trên rồi tổ chức hướng dẫn, chỉnh đốn. Nhưng làm đến vị trí Tư lệnh, người đứng đầu cả một quân chủng lớn nhất đất nước như vậy, là rất khó.
Khó ở nhiều việc, kể cả chuyên môn lẫn đối sách. Đối với trên đối với dưới. Đối với ta đối với địch… "Cái đó trong quá trình làm việc rồi cháu sẽ rút ra được bài học cho mình. Nhưng có một điều bắt buộc chú muốn dặn cháu là nhớ tuyệt đối giữ mình. Giữ mình ở đây nghĩa là giữ phẩm chất đạo đức. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, người chỉ huy mà phẩm chất đạo đức không mẫu mực dễ mất uy tín lắm. Một khi mất uy tín thì còn gì để chỉ huy, lãnh đạo được nữa. Có những cái người thường ăn được, nhưng mình không ăn được. Có những chỗ người thường chơi được, mình không chơi được. Chú nói ngắn gọn vậy thôi nhưng cháu phải nghĩ xa vào. Muốn giữ được biển, giữ được đảo ngoài khơi xa, đầu tiên phải giữ được mình ở trong nhà trước đã".
Thanh An: Vậy với Phó Đô Đốc thì như thế nào? Trong quá trình công tác có những cám dỗ nào khiến ông trăn trở không?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Nói thực ra, có lẽ may mắn cho tôi vì thời đó chưa có những tiêu cực như sau này. Nhưng cái thứ hai quan trọng hơn đó là bản chất con người. Một khi người ta có ý chí và quyết tâm giữ mình, giữ danh dự, giữ uy tín thì ở vào môi trường nào người ta cũng giữ được. Chứ còn anh ham ăn ham chơi, tự mình không nghiêm thì dù ở môi trường trong sạch cỡ nào đi chăng nữa cũng dễ hỏng. Có khi chính anh lại đầu têu ra sự thoái hóa. Cho nên tôi thấy thế này, những chuyện vừa rồi là va vấp. Chuyện đất cát hay quyền lợi, tuyệt đối không có được tham.
Đây là một sự đau xót. Lính hải quân bao nhiêu phong ba bão tố cũng đều vượt qua. Sợ nhất lúc trở vào bờ. Người nào không vững chí giữ mình rất dễ bị say cạn.
Cho nên quan điểm của tôi ngay với chính gia đình mình, tôi dặn các con lấy bố ra mà làm gương. "Con đường sống của bố có ba chữ KHÔNG lúc nào các con cũng phải nhớ".
Thứ nhất, KHÔNG làm điều gì VI PHẠM PHÁP LUẬT. Có việc đơn giản là làm đúng pháp luật, đúng kỷ luật quân đội mà anh không làm được thì anh còn đòi làm gì nữa? Ngay chuyện rất nhỏ như bữa ăn của quan chức bây giờ, chỉ cần thiếu tỉnh táo, để lòng tham che mắt là cái tay, cái mồm làm cho mình vi phạm luôn đấy. Anh ăn bữa cơm doanh nghiệp mời, đĩa cá, con thú quý hiếm trên bàn, anh có biết nó trong sách đỏ? Anh có biết nó là động vật hoang dã cấm săn bắt? Anh có biết nó là hàng nhập lậu?... Những thứ pháp luật không cho, tuyệt đối không bao giờ được phạm vào.
Cái KHÔNG thứ hai là KHÔNG LÀM TRÁI LƯƠNG TÂM. Thực tế cuộc sống có những khoảng trống pháp luật chưa bao quát hết, thế mới sinh ra nhu cầu sửa luật chứ. Những lúc đó, lương tâm con người phải làm được nhiệm vụ là rào chắn, là barie để giữ mình. Việc lách luật, làm vụng làm trộm có thể người đời không biết nhưng lương tâm biết đúng biết sai chứ.
KHÔNG thứ ba, nói đơn giản mà dễ hiểu là KHÔNG THAM. Bởi vì từ chỗ tham có thể đẻ ra chuyện bất chấp lương tâm, từ chỗ tham có thể khiến người ta liều lĩnh làm trái pháp luật. Nó là ngọn nguồn của những vấp váp, trượt dài không thể cứu chữa sau này.
Ngoài dạy con cháu, bạn bè thân thiết đến chơi tôi cũng chia sẻ. Vì rút ra từ bản thân mình nên anh em thấy đúng. Tôi không dám nói mình hoàn hảo nhưng anh em thấy mình làm được nhiều điều tốt thì họ cũng quý.
Thanh An: Đúng là có lương tâm thì vừa giữ được mình vừa cảm hóa được người. Có phải vì đã rất thấu điều này, nên ngay sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông đã dùng nhân tâm để cảm hóa 76 cán bộ, thủy thủ của chế độ Việt Nam cộng hòa, khiến góp sức đắc lực vào việc chuyển giao vận hành tuần dương hạm đặc biệt của Hải quân Việt Nam lúc đó?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Đó là một câu chuyện khó quên. Tôi vẫn nhớ con tàu mình được giao làm thuyền trưởng ngay sau khi đất nước thống nhất, tàu HQ01. Trước nó có tên là Phạm Ngũ Lão - một chiếc tuần dương hạm chiến lợi phẩm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa bỏ lại. Điểm đặc biệt đầu tiên là nó được hạ thủy ở Mỹ năm 1943, cùng năm sinh với tôi. Sự trùng hợp này khá thú vị. Thứ hai nữa, đây là con tàu lớn nhất và hiện đại nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ.
Đặc thù của Hải quân là quân chủng kỹ thuật, tiếp quản một con tàu không dễ dàng để chỉ huy, điều khiển nó ngay được. Tàu lại to như thế. Hồi ở ngoài Bắc, Tiểu đoàn 7 đơn vị cũ của tôi, tàu lớn nhất có 100 tấn thôi. Vậy mà bây giờ mình tiếp quản con tàu 3.200 tấn, lớn gấp 32 lần. Rồi ông thuyền trưởng cũ, bạn biết không, mang quân hàm Trung tá, được học ở Mỹ và trực tiếp nhận tàu từ Mỹ về. Trong khi tôi lúc đó là gì? Thượng úy. Lại trong tình thế cực kỳ khó khăn. Tàu có biên chế 220 người. Bao gồm, thủy thủ đoàn là lính bộ binh vừa bổ sung xuống, chưa được học hành gì về hàng hải, và 76 nhân viên kỹ thuật là người của chế độ cũ, được đào tạo nghiệp vụ tại Mỹ, tình nguyện ở lại phục vụ.
Tôi chỉ có một cách duy nhất, sử dụng chính đội ngũ 76 con người hiểu biết rất rõ về tàu để huấn luyện lại cho đội thủy thủ mới. Thời đó, nhiều người nhắc tôi phải có giải pháp riêng với 76 nhân viên kỹ thuật này. Tôi lại nghĩ khác. Những nhân viên kỹ thuật này, lính trên tàu, ngay cả tôi nữa, đều là đã là dân của một nước rồi. Đất nước ta thống nhất về một mối rồi cơ mà. 220 con người chúng tôi đang ở cùng trên một ngôi nhà là HQ01 cơ mà. 220 con người này sẽ có chung một mục tiêu, thậm chí là chung một tình yêu là biển đảo của Tổ quốc cơ mà. Sao lại chia rẽ, phân biệt nhau?
Hơn nữa, mình cũng quan sát họ chứ. Họ đều là lính hải quân cả, sống rất vui vẻ hòa đồng. Nhưng trong cách sinh hoạt, mình phát hiện họ vẫn luôn mặc cảm vì xuất thân ở phía bên kia. Cho nên giai đoạn đầu, họ không tự nhiên cởi mở hết tâm tư đâu. Chính vì họ chưa cởi mở nên mình mới cần chủ động mở lòng trước.
Đầu tiên, tôi quán triệt tất cả mọi người trên tàu từ thuyền trưởng, sĩ quan cho đến thủy thủ, công nhân kỹ thuật… đều được đảm bảo đầy đủ chế độ. Không có bất kỳ sự phân biệt nào. Ngay như chuyện nhỏ nhất là ăn uống, anh em cũng bày mâm ra ngồi cùng nhau. Mọi hoạt động tập thể đều gắn bó và thống nhất. Mọi sinh hoạt cá nhân đều được tôn trọng và tuân theo kỷ luật quân đội. Thứ hai, trong công việc mình tin tưởng họ tuyệt đối như với những người lính vào sinh ra tử của mình. Mình tin họ thì họ cũng rất tin mình. Cho nên họ đào tạo cho thủy thủ hết lòng hết sức. Rồi tiếp đến, mình cũng phải thực bụng nghĩ cho tương lai lâu dài của họ. Mình giới thiệu họ lên làm ở nhà máy Ba Son sau khi xong nghĩa vụ chuyển giao tàu.
Nhờ vậy mà vừa tiếp quản tàu tháng trước, tháng sau đã ra biển hoạt động luôn. Ai cũng bất ngờ vì lính còn chưa biết mô tê gì cả mà thuyền trưởng dám đưa tàu chở cả Bộ Tư lệnh ra khảo sát toàn bộ vùng biển mới giải phóng của đất nước. Có người còn hỏi, lỡ họ làm phản thì sao?
Trời ơi, mình phải tin là họ cũng có lòng yêu nước chứ. Họ cũng biết đến sự thiêng liêng của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quê hương do cha ông để lại chứ. Bây giờ mình vẫn nói với nhau về hòa hợp dân tộc. Hòa hợp là gì? Là đừng có phân biệt gì nữa cả. Là hòa chung tình yêu đất nước với nhau để mà cùng đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn đi. Có phải hơn không? Vì mình còn có rất nhiều kẻ địch đang nhòm ngó ở khơi xa kia kìa.
Thanh An: Xin ông có thể rõ hơn về những nguy cơ nào xuất hiện trong giai đoạn này đe dọa đến sự an nguy và toàn vẹn lãnh thổ trên biển của Việt Nam thưa ông?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Biên giới phía Bắc nước ta năm 1979 bị Trung Quốc xâm lược, cùng lúc đó trên vùng biển phía Bắc, tình hình ngày càng căng thẳng do hành động xâm nhập thường xuyên của tàu thuyền và máy bay Trung Quốc. Nói như vậy để bạn hiểu rằng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển của Tổ quốc suốt trong cả tiến trình lịch sử luôn bị nhòm ngó, đe dọa.
Rất may là thời điểm đó Hải quân có một vị Tư lệnh có được tầm nhìn chiến lược là Đô đốc Giáp Văn Cương. Ngay sau khi đất nước thống nhất, tiếp quản vùng biển đảo từ chế độ cũ, tướng Cương đã tìm kiếm, nghiên cứu nhiều tài liệu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn để lại, cộng với những tham khảo thực địa của mình. Ông đã nhìn ra được những tiềm năng to lớn của biển đảo đối với sự phát triển của đất nước. Đồng thời ông nhận định: "Tương lai gần và cả về lâu dài, tình hình Biển Đông sẽ diễn biến ngày càng căng thẳng, phức tạp, khó lường".
Trong hai năm 1986-1987, một mặt ông yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa. Mặt khác ông đề xuất với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Ngay sau khi kế hoạch được cấp trên chấp thuận, ông ra lệnh: nhanh chóng dốc toàn lực ra Trường Sa để tăng cường, củng cố chủ quyền tất cả đảo nổi, đảo chìm mà quân dân Việt Nam đang đồn trú và sinh sống bao đời. Đối với những đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu "kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi".
Tôi thời kỳ đó đang làm Phó Tư lệnh phụ trách tác chiến Vùng 4, trở thành một trong những người trực tiếp nghiên cứu, thực nghiệm và hoàn thiện các phương án xây nhà giữa biển, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn xa của Đô đốc Giáp Văn Cương.
Thanh An: Đã có điều gì khiến ông ấn tượng nhất về những ngày cùng đồng đội xây nhà giữa biển nhiều chục năm trước?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Xây nhà trên các đảo nổi còn dễ thở, nhưng tại hệ thống đảo chìm mới là vấn đề. Anh em vừa làm vừa học, thậm chí làm được cái sau thì cái trước phải bỏ.
Đầu tiên, chúng tôi tổ chức cho nhà máy Ba Son đóng các pông tông, to lắm, cỡ như cái phà. Diện tích một pông tông phải đủ cho 12 người ở, chứa được lương thực thực phẩm dự trữ và có thiết kế súng 14,5 ly để phòng ngự. Làm xong thì cho công binh kéo ra biển. Lúc này mới phát hiện điểm dở của pông tông là nổi theo con nước. Nước cạn thì nằm yên trên đảo vì mình đã cố định 4 góc xuống đá ngầm. Nhưng lúc thủy triều lên, nước lớn thêm sóng gió bão bùng thì pông tông cứ bập bềnh làm cho người ở trên đó vô cùng khó chịu. Hai nữa là dễ bị đứt neo, nhiều cái trôi mất luôn. Cho nên phương án nhà pông tông thử nghiệm vài cái thì thấy không được.
Đúng thời điểm đó, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã rục rịch mò xuống Trường Sa. Hải quân ta phát hiện đối phương thả trộm những cột mốc, bia bê tông khắc chữ Trung Quốc vào trong các bãi san hô của mình. Chúng tôi xoay sang phương án làm nhà cao chân bằng những cột đúc bê tông. Mặc dù thời gian đóng bê tông tuy lâu nhưng khi ra biển lại có tác dụng rất tốt là giúp nhanh chóng làm chủ đảo. Dựng nhà này chỉ cần 5 - 6 hôm là xong. Ưu điểm đó quý lắm vì thời gian lúc ấy đối với chúng ta còn hơn vàng.
Tuy nhiên chờ một cột bê tông đông đặc phải mất 15 - 20 ngày, lại còn thời gian chuyên chở ra đảo. Tình hình này, sợ lỡ mất thời cơ. Tôi mới đi lùng khắp căn cứ hải quân Cam Ranh thì thấy có nhiều cột điện cũ của Mỹ giờ không sử dụng nữa. Vốn dĩ ngày xưa họ dùng toàn cột thông cao 10m - 15m để làm cột dẫn điện. Tôi mới cho công binh đo rồi cưa theo kích cỡ 4,5m mỗi cột thay cho bê tông và chuyên chở ra làm nhà cấp 3 ở đảo luôn. Nhà này dựng thì nhanh nhưng lại có nhược điểm hễ sóng to là dễ đổ, dễ đắm. Tình thế bắt buộc chúng tôi phải tìm phương án làm cột sắt chứ không dùng cột gỗ nữa. Thế là chúng tôi lại bắt tay vào làm nhà cấp 2 bằng cột sắt, khung sắt khiến nhà nặng nằm chắc chắn trên các bãi đá ngầm. Công binh làm được 4 - 5 cái thì phát hiện ra, trong môi trường nước mặn sắt bị rỉ rất nhanh.
Đến loại nhà sau cùng - nhà cấp 1, chúng tôi mới hoàn thiện được công nghệ. Ở Trường Sa có 9 đảo nổi, 12 đảo chìm thì chúng ta đều đã xây nhà bê tông cốt thép. Và nó đứng vững, đứng lâu dài cho đến tận hôm nay.
Thanh An: Khi chứng kiến thành quả như vậy chắc ông cùng đồng đội cũng sẽ cảm thấy quên đi bao khó khăn…
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Sung sướng nên vơi đi chớ không có quên được. Vì ngoài khơi, chỗ nào xây nhà cũng khó khăn kinh khủng hết. Điểm cất nhà thì ở trong bãi cạn mà tàu chở hàng to cả nghìn tấn đâu có cầu cảng để cập vào đâu. Vật liệu lại toàn đồ nặng: đá dăm, xi măng, cát, sắt thép…
Lúc bấy giờ tàu phải thả neo cách bãi tập kết khoảng 500 - 600m. Bộ đội lấy dây ni lông to bằng ngón chân cái, dài 600 - 700m, một đầu buộc vào tàu, một đầu dùng xuồng tiến lên cắm thành điểm mình dự kiến làm nhà ở trong đảo. Rồi từ đó dùng xuồng nhôm vận chuyển từng tấn vật liệu vào. Mà ngày đấy, ác nghiệt là chỉ có dùng sức bộ đội được thôi. Anh em ngồi trên xuồng, tay lần theo dây ni lông kéo vào kéo ra không biết bao nhiêu chuyến. Đúng là chỉ có bộ đội Hải quân mới làm được. Không ai làm nổi. Vì Hải quân mới biết bơi, mới biết lựa để không đắm xuồng khi sóng táp.
Thanh An: Chúng ta đã nỗ lực hết sức như vậy nhưng rõ ràng vẫn xảy ra những nỗi đau như Gạc Ma 1988. Ông có muốn nói gì về Gạc Ma không?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Phải nói thế này để bạn hiểu được quyết tâm của mình cao như thế nào trong trận chiến giữ đảo đó.
Cho đến bây giờ, đấy là lần đầu tiên và duy nhất tôi chứng kiến nguyên Ban chỉ huy Bộ Tư lệnh quân chủng trực tiếp vào tận Vùng 4. Chúng ta đã điều động tất cả mọi lực lượng để tham gia giữ đảo. Tư lệnh Đô đốc Giáp Văn Cương, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Mai Xuân Vĩnh, Phó Tư lệnh chung Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh Chính trị Lê Văn Xuân, Phó Tư lệnh Lục quân Phạm Văn Huấn… Tất cả các ông tướng của quân chủng Hải quân lúc đó đều có mặt đầy đủ và xác định phải trùm lên Vùng 4 để chỉ huy trực tiếp.
Có chi tiết này tôi phải nói cho rõ ràng. Đã có những thông tin không đúng với chủ trương của Bộ chỉ huy trận về Gạc Ma. Người phát biểu ấy đâu có tham gia trong Bộ chỉ huy chiến dịch đâu. Trong quyển sách của mình, anh ta viết đại ý là có lệnh cho bộ đội lên đảo Gạc Ma không được nổ súng. Vì thế bộ đội khi ra bảo vệ đảo đã không nổ súng và bị Trung Quốc bắn chết mất 64 đồng chí. Điều đó hoàn toàn vô căn cứ. Không đúng sự thật!
Chả có người lính nào ra chiến trường lại mang theo lệnh không nổ súng. Bộ đội đã cầm súng trên tay có giặc xâm phạm là bắn thôi chứ. Làm gì có chuyện lệnh không nổ súng ở đây. Nói cho đúng, chủ trương của mình là KHÔNG NỔ SÚNG TRƯỚC.
Không nổ súng trước để không gây phức tạp cho nhiệm vụ của mình và gây nguy hiểm cho đại cục. Dù có trực diện đấu tranh, Việt Nam vẫn ưu tiên lựa chọn biện pháp hòa bình, đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền chứ không dùng vũ lực cực đoan. Nhưng một khi địch đã ngang ngược đánh mình thì mình sẽ đánh lại với quyết tâm chiến đấu đến cùng thì thôi. Nhìn vào các trận đánh trong lịch sử, lực lượng và trang bị của mình yếu hơn địch rất nhiều, nhưng hễ địch dám xâm phạm chủ quyền thì quân dân ta chưa bao giờ nao núng.
Trận Gạc Ma khi ấy, mình chủ trương cùng một lúc phải giữ cả 3 đảo chìm nằm gần nhau, Cô Lin, Len Đao, và Gạc Ma. Ban chỉ huy mặt trận điều 3 tàu vận tải chở vật liệu ra xây nhà trên 3 đảo chìm này. Lực lượng điều động đi chưa phải là lực lượng chiến đấu mà chủ yếu là công binh xây dựng.
Qua quá trình đấu tranh giữa ta và địch tháng 3/1988, ta giữ được hai đảo là Cô Lin và Len Đao. Còn Gạc Ma tạm thời bị Trung Quốc cưỡng chiếm bất hợp pháp.
Ngay sau sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam thì mình càng thêm quyết tâm phải nhanh chóng nắm giữ, khẳng định chủ quyền các đảo chìm còn lại... Và tốc độ các việc cần làm đã được tiến hành nhanh gấp 3 lần.
Thanh An: Từ nhiều năm trước, chúng ta đã có tầm nhìn xa về chủ quyền biển đảo. Việc hiện thực hóa tầm nhìn ấy đã và đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Ở trên tất cả các vùng biển đảo của đất nước, mình đều phải tính cho một tương lai lâu dài.
Đầu tiên là phải có được đường ra vào đảo. Con đường hàng hải để ra với Trường Sa xưa nay không dễ, đặc biệt là tiếp cận với các đảo chìm. Vì hệ thống đảo chìm ở Trường Sa có vẻ như nằm theo dải núi lửa vành đai Thái Bình Dương. Cho nên trong các đảo chìm phần lớn đều có những lòng hồ cho san hô và các sinh vật biển sinh sống rất đa dạng. Gọi là hồ giữa biển nhưng nước sâu lắm. Quan sát từ ngoài vào trông giống như cái vành đá nhô cao lên khỏi mặt nước. Tàu ra đồn trú hay tiếp tế không thể vào được bên trong lòng hồ.
Mình phải làm gì để có đường cho tàu vào đó neo đậu, tránh những lúc bão bùng. Nghiên cứu mãi rồi chúng tôi đã điều lực lượng giải quyết rất nhiều chướng ngại vật là vách đá xung quanh, mở cửa cho nước biển thông vào hồ tạo thành luồng nước sâu 4 - 5m. Tàu mình hễ sóng to gió lớn có thể vào đây trú đậu, trời yên biển lặng lại ra biển làm nhiệm vụ.
Sau đó, ta bắt đầu tính chuyện xây dựng hệ thống phòng ngự bền vững trên đất đảo của mình. Ngày xưa khi đất nước chưa có điều kiện, công sự trận địa còn đơn giản, thô sơ lắm. Chủ yếu là đào giao thông hào bằng đất. Nhưng lúc này quân chủng quyết tâm từ đường giao thông hào cho đến các trận địa pháo đều phải được bê tông hóa vững chắc. Đồng thời chúng ta giải quyết tất cả những khó khăn ngoại cảnh tác động đến việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo.
Đảo ngoài Trường Sa phần lớn là đảo nhỏ, trước đây cứ vào mùa, có khi sóng xói lở đến 6 - 7m đất trong đảo. Để như vậy lâu dài còn gì là đảo nữa? Ta phải lên phương án xây dựng tường kè bao hết xung quanh. Nhận thấy ở ngoài đảo thường có những bãi cát di động, mùa này nằm bên này, mùa kia lại di động sang chỗ khác, chúng tôi mới yêu cầu phải giữ lại các bãi cát đó, để giữ được đất không cho sóng xói mòn đi. Đồng thời khi xây tường kè lên có thêm bãi cát nên mình thiết kế được các lỗ châu mai. Lúc chiến đấu bộ đội tác chiến, tường kè chính là lá chắn giúp cho trong bắn ra được mà bên ngoài bắn vào không việc gì. Hơn nữa ngày trước mình chưa làm kè, mưa xuống trôi tuột hết nước ngọt ra biển. Bây giờ đảo có kè, đất trên đảo giữ được nước ngọt. Nhân dân, bộ đội trồng cây, trồng rau rất tốt.
Các loại vũ khí khí tài như xe tăng ở trên đảo dính nước mặn lâu ngày đều bị rỉ sét. Trước tình hình đó, quân chủng cho thay hết thân xe tăng bằng các tháp pháo bê tông cốt thép. Ở bên dưới bộ đội có thể thao tác giống như trong xe tăng mà lại cố định rất chắc. Ngoài ra các đảo đều được trang bị hệ thống chướng ngại vật để chống tàu thuyền đối phương đổ bộ. Chúng tôi cho anh em đúc những khối bê tông cốt thép thành những ngạnh 3 - 4 cạnh giống như ngày xưa dân mình tự chế chống tăng. Với hệ thống này nếu địch muốn đổ bộ được là phải có xuồng, xe tăng vào đây coi như vào chỗ chết, nằm im chịu đạn từ trong ra. Như vậy là chúng tôi đã phải học các lớp cha chú đi trước, rồi dần dần kiện toàn và có thể nói chúng ta đã dàn được thế trận cho một tương lai rất lâu dài. Đảo mình bây giờ là yên tâm.
Thanh An: Ông còn lo lắng gì cho Biển Đông hôm nay?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Biển Đông vẫn còn phức tạp lắm. Phức tạp vì vị trí chiến lược của nó quan trọng đối với cả thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Đường hàng hải quốc tế thông từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương đều đi qua đây. Vì thế cho nên các nước lớn khi phát triển chiến lược toàn cầu đều có ý đồ với Biển Đông.
Trung Quốc là nước thể hiện ý đồ mạnh mẽ nhất. Họ muốn độc chiếm Biển Đông. Ta phải thấy rằng ý đồ này là nhất quán đối với Trung Quốc. Quốc gia này đã xác định Biển Đông mang lại quyền lợi cốt lõi cho sự phát triển của họ. Vì vậy mà từ rất lâu rồi, họ đã có những toan tính để hiện thực hóa ý đồ đó. Như việc đánh cướp bất hợp pháp bãi đảo chìm Gạc Ma của Việt Nam rồi dần dần vun đắp, tôn tạo, đưa vũ khí ra chính là một bước trong quá trình tiến sâu xuống Biển Đông của Trung Quốc. Thời điểm này, Trung Quốc vẫn tiếp tục vừa thăm dò quyết tâm của các quốc gia khác vừa tranh thủ thực hiện ý đồ của mình.
Đó là cái vất vả cho mình, khó cho mình, khổ cho mình.
Nhìn vào tương quan lực lượng giữa hai nước thì Việt Nam đầy bất lợi. Có điều lịch sử từ xưa đến giờ Việt Nam luôn đứng bên anh láng giềng rất khó chịu nhưng cha ông ta luôn kiên cường bất khuất giữ độc lập chủ quyền. Cho nên ta phải vận dụng truyền thống cha ông bao nhiêu lần đánh thắng phong kiến phương Bắc xâm lược. Đó là ta chính nghĩa, ta đoàn kết, ta quyết tâm, ta mưu trí, ta sẽ thắng hung tàn. Đánh thắng rồi ta vẫn phải chính nghĩa, phải giữ hòa hiếu với láng giềng.
Những bài học nghìn năm đó bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Thứ nhất, Việt Nam giữ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình. Thứ hai, ta đấu tranh trên trận tuyến ngoại giao để quốc tế nhìn thấy ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, từ đó ủng hộ Việt Nam, hợp tác cùng Việt Nam. Thứ ba, ta xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình cho đất nước.
Nhiệm vụ của Hải quân Việt Nam lúc này là vừa bảo vệ được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ vừa phải giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nhiệm vụ này tuy rất khó khăn, nhưng Hải quân phải làm được, và làm tốt.
Thanh An: Vậy còn câu chuyện đầu tư, phát triển hệ thống trang thiết bị vũ khí cho Hải quân. Liệu chúng ta có thể tinh nhuệ và hiện đại nếu chỉ dựa vào những con tàu mua về?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Để từng bước tiến tới chủ động trong thiết kế, đóng mới tàu chiến đấu hiện đại, Bộ Tư lệnh Quân chủng trước đây đã chỉ đạo xây dựng nhiều phương án phát triển. Dự án đóng tàu 1241.8 là một trong những nội dung tôi dành nhiều tâm huyết. Bởi vì đây là dự án lớn phải làm trong nhiều năm và nó sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sức mạnh chiến đấu mới của Hải quân. Thời đó tôi phải mời chuyên gia từ Nga sang để cùng nhau nghiên cứu suốt mấy tháng trời về việc lựa chọn phát triển loại tàu nào thực sự cần thiết, có hỏa lực mạnh, quy tụ nhiều thành tựu kỹ thuật tiên tiến.
Theo đó, quân chủng Hải quân sẽ đầu tư phát triển một số tàu tên lửa hiện đại. Quy trình như sau, 2 chiếc đầu mình mua tàu đóng tại Nga. Sau đó Việt Nam đưa cán bộ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật sang vừa học vừa làm cho biết nghề, quen nghề, rồi thạo nghề. Còn những chiếc sau, mình chỉ thuê chuyên gia đầu ngành sang Việt Nam chuyển giao công nghệ, còn lại địa điểm, quy trình đóng đều mang về nước làm hết.
Vì không phải nhập khẩu nguyên chiếc nên giá thành rẻ hơn rất nhiều. Quan trọng hơn, cán bộ, công nhân viên kỹ thuật của quân chủng được chuyển giao công nghệ, có được tay nghề. Sau này họ chính là đội ngũ đóng góp vào công nghệ đóng tàu chiến đấu. Và họ còn phải phát triển ngành công nghiệp đó về lâu về dài. Vì mình là quốc gia biển cho nên phương tiện vận tải, phương tiện chiến đấu trên biển đâu thể mãi dựa vào quốc gia khác được nếu mình muốn làm chủ và vươn ra biển xa.
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của HQNDVN (Ảnh trái); Tư lệnh HQNDVN - Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam kiểm tra tàu ngầm Kilo 636 - Ảnh Trọng Thiết (Ảnh phải).
Thanh An: Xin hỏi Phó Đô đốc câu hỏi cuối cùng, còn điều gì ông chưa hài lòng hay trăn trở về đất nước, về lực lượng Hải quân, thưa ông?
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công: Xã hội bây giờ nhiều sóng dữ quá. Lo nhất là vẫn có những công chức thân làm việc công mà vi phạm quá trời. Hậu quả do những đối tượng đó gây ra tích tụ lại có thể thành cơn sóng ngầm vô cùng dữ dội, nên nhiều khi tôi trăn trở lắm.
Điều tôi trăn trở là mai này đi theo tổ tiên ông bà, thì bọn trẻ ở lại có được sống trong môi trường xã hội tốt đẹp hay không. Cho nên dù còn một ngày để sống tôi vẫn muốn dốc hết sức ra mà chiến đấu, bảo vệ những điều tốt đẹp để lại cho con cho cháu.
Thanh An: Cám ơn những chiêm nghiệm và suy tư của một vị tướng đã kinh qua trận mạc, chứng kiến sự mất mát của chiến tranh và trưởng thành từ chiến tranh. Chúc Phó Đô đốc sức khỏe, luôn mẫn tiệp để tiếp tục đóng góp những ý kiến quý báu cho Hải quân Việt Nam và đất nước.