Theo đó, Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) thuộc Lầu Năm góc đang phối hợp với các hãng chế tạo Lockheed Martin, Boeing và Raytheon khởi động các chương trình phát triển công nghệ liên quan
Các nguồn tin từ Lầu Năm góc cho biết, ít nhất hơn 8 triệu USD đã được duyệt chi cho việc phát triển khái niệm về tổ hợp lá chắn tên lửa mới có đủ khả năng ngăn chặn các loại vũ khí siêu vượt âm. Mục tiêu được nhắm tới là các loại vũ khí tiên tiến này của Nga và Trung Quốc.
Trong chương trình phát triển khái niệm lá chắn tên lửa mới, Lockheed Martin chịu trách nhiệm phác thảo ý tưởng về thiết bị đánh chặn Valkyrie Interceptor Terminal Hypersonic Defense trị giá 4,4 triệu USD.
Boeing phát triển khái niệm đánh chặn Hypervelocity (HYVINT) trị giá 4,3 triệu USD và Raytheon được phân bổ 4,4 triệu USD phát triển đạn tên lửa đánh chặn mới SM3-HAWK, dựa trên tổ hợp phòng thủ tên lửa SM-3 hiện có của hải quân Mỹ.
Các sản phẩm trên sẽ được đánh giá và so sánh để chọn ra loại đạt hiệu quả đánh chặn cao nhất.
Đối tượng tác chiến của Valkyrie được xác định là dòng tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon của Nga.
Theo thông tin được phía Nga công khai, dòng tên lửa hành trình này có thể đạt tốc độ bay tới Mach 9 (gấp 9 lần tốc độ âm thanh) với tầm bắn 1.000km để thực hiện các vụ tấn công chính xác cao vào các mục tiêu trên bộ và trên biển. Zircon đã có các biến thể phóng từ các phương tiện trên bộ, trên biển và trên không.
Không chỉ có tốc độ bay cao, Zircon còn được trang bị hệ thống dẫn đường rất tinh vi và phức tạp khiến việc ngăn chặn nó rất khó khăn, thậm chí là không thể. Nga hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới công khai thông tin về các loại vũ khí siêu vượt âm mới.
Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, với những thông tin do Nga công bố, hệ thống lá chắn tên lửa của Washington không có khả năng ngăn chặn hiệu quả đối với tên lửa Zircon. Đạn tên lửa đánh chặn trong tổ hợp Patriot của Mỹ và đồng minh chỉ có tốc độ bay tối đa là Mach 4.
Vấn đề quan trọng hơn là tên lửa hành trình Zircon có thể cơ động quỹ đạo trong các pha bay. Đối với các vật thể bay siêu vượt âm theo quỹ đạo ổn định, các phương tiện cảnh giới có thể sớm phát hiện ra chúng nhờ các dấu hiệu nhiệt, luồng phụt động cơ…
Tuy nhiên, đối với tên lửa hành trình có khả năng cơ động quỹ đạo và bay ở độ cao thấp, việc bám bắt và khóa mục tiêu là điều không dễ dàng.
Vấn đề khó khăn nhất đối với MDA và các tập đoàn vũ khí Mỹ hiện tại là phát triển Valkyrie không dựa trên tham chiếu công nghệ chính xác vũ khí siêu vượt âm mới. Mỹ có thể bỏ ra vài tháng, vài năm để phát triển tổ hợp tên lửa đánh chặn đối phó với Zircon.
Tuy nhiên, để xây dựng quy trình công nghệ đối phó với các loại vũ khí siêu vượt âm mới với đầy đủ các thành phần trinh thám, giám sát và ngăn chặn sẽ làm tiêu tốn của Lầu Năm góc hàng tỷ USD và có thể kéo dài nhiều thập kỷ.