5 vị khách tiềm năng của MiG-35 Nga: Có 2 nước châu Á và 1 nước trên bờ vực chiến tranh với Mỹ

Lâm Vy |

Bản đánh giá mới đây về nhu cầu của các khách hàng QP Nga, và mức độ đáp ứng của MiG-35, đã cung cấp cơ sở để dự đoán quốc gia nào có xu hướng quan tâm mẫu máy bay này nhiều nhất.

Tiêm kích hạng trung thế hệ mới MiG-35 của Nga được phát triển với hạng mức nhẹ hơn, tầm hoạt động ngắn hơn và chi phí thấp hơn so với mẫu tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-57, dù cả hai mẫu máy bay tích hợp nhiều công nghệ giống nhau.

Mặc dù chiếc MiG-35 đầu tiên đã gia nhập Không quân Nga trong năm 2019 và mẫu máy bay này được kỳ vọng sẽ nhận thêm nhiều đơn hàng trong nước nhưng thiên hướng ưa thích các phi cơ hạng nặng của Nga cho thấy họ có vẻ sẽ tiếp tục tập trung vào trang bị các biến thể Flanker tiên tiến, như Su-30SM, Su-34, Su-35, cũng như Su-57.

Do đó, MiG-35 được kỳ vọng sẽ trở thành mẫu tiêm kích có độ hấp dẫn cao đối với các khách hàng nước ngoài. Đây cũng là điều mà nhiều nhà phân tích cho rằng đó là mục đích chính của thiết kế này.

Theo tạp chí MW, một bản đánh giá mới đây về nhu cầu của các khách hàng quốc phòng Nga, và mức độ đáp ứng mà MiG-35 có thể mang lại, đã cung cấp cơ sở để dự đoán quốc gia nào có xu hướng quan tâm đến mẫu máy bay này nhiều nhất.

MiG-35 là một trong ba mẫu chiến đấu cơ trên thế giới (và là mẫu tiêm kích đầu tiên hạng trung) được tích hợp hệ thống vector lực đẩy 3 chiều, mang lại cho nó khả năng sống sót cao trước các cuộc tấn công bằng pháo và tên lửa trong/ngoài tầm nhìn.

Radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) mạnh mẽ, khả năng mang được 8 tên lửa, và hệ thống hàng không – tác chiến điện tử tiên tiến là những điểm thu hút ở MiG-35, nó còn có khả năng cất cánh từ đường băng ngắn hoặc đường băng dã chiến gần tiền tuyến.

MiG-35 đặc biệt được đánh giá cao vì nhu cầu bảo dưỡng và chi phí hoạt động thấp. Vì thế, mặc dù có thể có một số thiếu sót trong hoạt động so với Su-57 nhưng MiG-35 có lợi thế khi có tỷ lệ xuất kích cao hơn, kíp vận hành ít người hơn và chi phí thấp hơn.

Trong khi các mẫu tiêm kích phương Tây càng về thế hệ sau càng có yêu cầu bảo dưỡng cao hơn, thì MiG-35 ngược lại, nhu cầu bảo dưỡng của nó thấp hơn và rẻ hơn so với các tiêm kích thế hệ 4 tiền nhiệm.

MiG-35 sẽ đặc biệt thu hút đối với các quốc gia đang vận hành MiG-29 do những điểm tương đồng trong cơ sở hạ tầng bảo dưỡng, và những quốc gia đề cao hiệu quả chi phí, trong khi muốn tiếp cận với các loại vũ khí thế hệ mới tiên tiến.

Các nước vận hành MiG-29 có thể giảm được chi phí trong dài hạn khi mua MiG-35 và loại biên các máy bay cũ, do MiG-35 được cho là có chi phí hoạt động bằng chưa đầy 1/5 so với mẫu tiền nhiệm.

1. Ấn Độ

Không quân Ấn Độ có khả năng sẽ trở thành quốc gia vận hành MiG-35 với số lượng lớn nhất ngoài Không quân Nga. Theo MW, nước này đang trong giai đoạn đàm phán một hợp đồng lớn để liên doanh sản xuất MiG-35.

Các thỏa thuận tương tự với Hải quân Ấn Độ có thể được thảo luận từ cuối năm 2020 để thay thế mẫu tiêm kích hạm MiG-29K đang trong biên chế, và phục vụ chiếc tàu sân bay INS Vikrant sắp tới của New Delhi.

5 vị khách tiềm năng của MiG-35 Nga: Có 2 nước châu Á và 1 nước trên bờ vực chiến tranh với Mỹ - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-29 của Ấn Độ.

Hiện Ấn Độ đang vận hành không đoàn MiG-29 lớn thứ hai trên thế giới, điều đó có nghĩa những đầu tư vào cơ sở hạ tầng và huấn luyện khi mua MiG-35 sẽ ở mức tối thiểu, chi phí hoạt động thấp của mẫu máy bay này cũng khiến nó trở thành một ứng viên lý tưởng trong kế hoạch mở rộng quy mô lực lượng của Ấn Độ.

MiG-35 sẽ là sự bổ sung hiệu quả đối với các tiêm kích hạng nặng tinh nhuệ Su-30MKI của Ấn Độ, cũng như mẫu Su-57 mà New Delhi đang có ý định trang bị. Nó sẽ mang lại cho Ấn Độ lợi thế đáng kể so với mẫu tiêm kích JF-17 Block 3 hoặc dự án tiêm kích thế hệ 5 AZM sắp tới của Pakistan.

2. Iran

MiG-29 là tiêm kích hiện đại nhất trong không đoàn của Iran hiện nay, hai phi đoàn MiG-29 cùng các tiêm kích F-14 Tomcat đang giữ vai trò trụ cột trong Không quân Iran.

Tuy nhiên, biến thể MiG-29A là mẫu cũ nhất, có khả năng thấp nhất, và không được trang bị các loại vũ khí hiện đại, như tên lửa không-đối-không tầm xa, khiến nó dễ dàng bị áp đảo bởi các loại chiến đấu cơ của đối thủ.

Bên cạnh đó, do được mua từ Liên Xô và đã phục vụ gần 30 năm, nên yêu cầu bảo dưỡng và chi phí hoạt động của nó trở nên rất cao, do khung máy bay đã bị mòn.

Việc trang bị MiG-35 sẽ giúp Iran giảm chi phí bảo dưỡng, và giúp Tehran mở rộng lực lượng như mong muốn, mà không phải mua với số lượng quá lớn.

Tầm hoạt động, khả năng cơ động, cảm biến mạnh mẽ, cùng khả năng mang tên lửa không-đối-không hiện đại K-77 sẽ giúp Iran thu hẹp khoảng cách với các mẫu máy bay khác đang triển khai trong khu vực như F-35I của Israel và F-15SA của Saudi, nhất là trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Tehran với Mỹ và một số quốc gia khác ở Trung Đông.

Ngoài ra, Tehran có thể thành lập thêm nhiều đơn vị MiG-35 để thay thế các mẫu tiêm kích F-5 và F-4 mua từ Mỹ, do chúng đã phục vụ ngót nghét 40 năm.

Giới thiệu tiêm kích MiG-35 Nga

3. Ai Cập

Sau hợp đồng lớn đặt mua 50 chiếc MiG-29M vào năm 2013, có nhiều đồn đoán cho rằng Ai Cập sẽ đặt hàng mua tiêm kích MiG-35 của Nga trong tương lai. Trong bối cảnh Ai Cập đã bắt đầu loại biển một phần phi đoàn F-16 và đang có kế hoạch cho về hưu các phi đoàn Mirage III, MiG-23, F-4, và có thể cả Mirage 2000 thì MiG-35 là một ứng viên lý tưởng.

Ai Cập từ lâu đã ưa chuộng các mẫu máy bay có chi phí hoạt động và vận hành thấp để họ có thể duy trì không đoàn với số lượng lớn.

Một số nhà phân tích dự đoán đơn hàng MiG-29M chỉ là giải pháp tạm thời cho tới khi MiG-35 sẵn sàng.

Do đó, rất có thể mẫu máy bay mới của Nga sẽ trở thành trụ cột của Không quân Ai Cập trong tương lai và được triển khai với số lượng tương tự như F-16C.

MiG-35 được thiết kế để có đủ khả năng đối đầu với F-35 Israel và mẫu tiêm kích thế hệ trước nhưng hạng nặng hơn F-15C. Nó có thể là chìa khóa đưa Không quân Ai Cập tiến lên thế hệ mới.

4. Belarus

MiG-29 đang chiếm phần lớn trong lực lượng máy bay chiến đấu của Belarus, với xấp xỉ 35 chiếc đang ở trong biên chế cùng với phi đoàn 12 chiến đấu cơ tinh nhuệ Su-30SM Flanker.

Trong bối cảnh nước láng giềng Ba Lan đang để mắt tới mẫu F-35 của Mỹ và trong tương lai F-35 sẽ trở thành chủ lực của Không quân NATO thì có vẻ Minsk cũng đang cân nhắc khả năng trang bị MiG-35 để đối phó.

Belarus đã đặt trọng tâm vào các mẫu tiêm kích hạng trung có chi phí bảo dưỡng thấp. Nước này được cho là đã bắt đầu loại biên phi đoàn quy mô lớn Su-27 Flanker do chi phí hoạt động của chúng quá cao.

Nếu được trang bị, MiG-35 sẽ trở thành sự bổ sung đáng gờm cho phi đoàn Su-30 của Belarus.

5. Triều Tiên

MiG-29 hiện là mẫu máy bay chiến đấu tinh nhuệ trong Không quân Triều Tiên, mặc dù chưa rõ số lượng chính xác.

5 vị khách tiềm năng của MiG-35 Nga: Có 2 nước châu Á và 1 nước trên bờ vực chiến tranh với Mỹ - Ảnh 4.

Tiêm kích MiG-29 của Triều Tiên.

Tuy có khả năng tác chiến mạnh nhưng MiG-29 có lẽ vẫn gặp nhiều khó khăn nếu phải đối đầu với mẫu F-35A và F-15K của Hàn Quốc, cũng như mẫu tiêm kích tàng hình KF-X sắp tới của Seoul.

MiG-35 có thể giúp Bình Nhưỡng thu hẹp khoảng cách với đối thủ trong khi chỉ mất một khoản chi phí tương đối thấp để duy trì hoạt động. Mặc dù nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đang cấm bán các loại máy bay chiến đấu mới cho Triều Tiên nhưng chưa rõ lệnh cấm này sẽ kéo dài đến bao giờ, và liệu Bình Nhưỡng sẽ chịu ngồi yên trong bao lâu.

Theo MW, Triều Tiên có thể sẽ trở thành khách hàng hàng đầu của MiG-35 trong những năm 2020. Chúng chưa thể thay thế toàn bộ phi đoàn máy bay lạc hậu của Triều Tiên, nhưng có thể bổ sung cho chúng, nếu lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc được nới lỏng trong giai đoạn này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại