Ảnh minh họa.
Theo bản báo cáo về sức khỏe thường niên của Mỹ America’s Health Rankings, những người tử vong ở dưới độ tuổi 75 được xếp vào nhóm tử vong sớm. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho biết mỗi năm, có gần 900.000 người dân nước này chết sớm vì 5 nguyên nhân, chủ yếu là bệnh tim, ung thư, bệnh lý đường hô hấp dưới, đột quỵ và tai nạn.
Mặc dù có nhiều yếu tố dẫn đến những cái chết này nhưng 20 - 40% trong số đó hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo hãy sống lành mạnh, lạc quan và đảm bảo kiểm tra thức khỏe định kỳ để có thể kéo dài tuổi thọ.
Sau đây là 8 bí quyết trường thọ được chuyên gia bật mí mà bạn không nên bỏ lỡ.
1. Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh
Ảnh: Shutterstock
Tiến sĩ Adam Ramin, Giám đốc y khoa tại Trung tâm điều trị ung thư tiết niệu ở Los Angeles, chia sẻ: “Hệ miễn dịch là lá chắn đầu tiên bảo vệ cơ thể khỏi các tế bào ung thư. Trước khi được phát hiện bởi phương pháp xét nghiệm, phân tích và sàng lọc, bệnh ung thư sẽ được hình thành dưới dạng các tế bào đơn lẻ vô cùng nhỏ, không thể phát hiện được. Tuy nhiên, hệ miễn dịch có khả năng phát hiện và sinh ra các kháng thể để đẩy lùi những tế bào này. Vì thế, duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh chính là trang bị cho cơ thể vũ khí để loại bỏ tế bào ung thư từ sớm".
Theo đó, để tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch chúng ta cần:
- Tránh căng thẳng, áp lực.
- Ăn thực phẩm lành mạnh và hạn chế ăn nhiều chất béo.
- Ăn những loại hoa củ quả giúp tăng cường hệ miễn dịch như quả mọng, củ dền, cần tây, cà rốt và quả lựu.
- Duy trì cân nặng vừa phải, không để bị béo phì.
- Tập thể dục đều đặn và duy trì lối sống năng động. Không cần thiết phải đến phòng tập gym, bạn chỉ cần làm những điều đơn giản như dành thời gian đi bộ thay vì lái xe, đứng dậy đi lại thay vì ngồi ì một chỗ, sử dụng thang bộ thay cho cầu thang máy hay thậm chí là tập cơ bụng bất cứ khi nào có thể.
2. Dừng ăn những thực phẩm đã được chế biến sẵn
Ảnh: Shutterstock
Tiến sĩ Ramin giải thích: “Các loại thực phẩm đóng hộp hay thức ăn được chế biến sẵn với chất phụ gia giúp thời gian bảo quản lâu hơn có thể dẫn đến ung thư. Chất phụ gia và quá trình chế biến với nhiệt sẽ thay đổi thành phần tự nhiên của thức ăn. Dần dần, các chất này tích tụ trong hệ tiêu hóa gây ra đột biến gen và ung thư”.
3. Đừng e ngại với việc chụp X-quang tuyến vú
Ảnh: Shutterstock
Tiến sĩ Carmen Echols, một bác sĩ gia đình tại Mỹ, chia sẻ: “Ở Mỹ, cứ 8 phụ nữ thì có 1 người bị ung thư vú. Vì vậy, việc xét nghiệm sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chẩn đoán bệnh và tăng khả năng sống sót. Ung thư vú là một căn bệnh có thể được phát hiện sớm và việc điều trị sẽ dễ dàng hơn ở giai đoạn đầu. Tuổi tác, tiền sử gia đình có thể là yếu tố nguy cơ của căn bệnh này. Do đó, bạn đừng ngần ngại đi khám sức khỏe định kỳ và chụp X-quang tuyến vú để kịp thời phát hiện bệnh".
4. Đi nội soi đại tràng
Ảnh: Shutterstock.
Tiến sĩ Echols khuyên rằng: “Độ tuổi cần thiết đi xét nghiệm sàng lọc ung thư đại tràng là 45 tuổi”.
Một vài người luôn lảng tránh việc đi nội soi đại tràng vì sợ. Một số khác thì lại thấy việc này không cần thiết vì họ không thấy các dấu hiệu bất thường ở đường ruột hoặc vẫn đi đại tiện bình thường, không bị ra máu.
Tuy nhiên, những tế bào ung thư hoặc máu đi kèm theo phân vẫn có thể xuất hiện mặc dù chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường. Nội soi đại tràng là phương pháp kết hợp việc chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị bệnh. Nếu bác sĩ phát hiện ra bất cứ polyp nào trong quá trình này, họ sẽ loại bỏ chúng và gửi đi làm sinh thiết để xác định đây có phải tế bào ung thư hay không.
5. Đừng chủ quan về bệnh ung thư phổi
Ảnh: iStock
Tiến sĩ Mark Dylewski, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực tại Bệnh viện Ung thư Miami, Florida, Mỹ chia sẻ: “Mọi người thường lầm tưởng chỉ những thói quen xấu như hút thuốc lá mới dẫn đến ung thư phổi. Tuy nhiên, 17% người bị ung thư phổi ở Mỹ đều không hút thuốc. Những người này thường là phụ nữ ở độ tuổi từ 50 - 70 và đang ngày càng gia tăng về số lượng".
"Những tác nhân như các chất hóa học hoặc môi trường độc hại cũng có thể là nguyên nhân của bệnh ung thư phổi. Đặc biệt, bạn cần chú ý nếu bạn có người thân bị ung thư phổi nhưng không phải do hút thuốc thì nguy cơ mắc căn bệnh này của bạn là khá cao. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và khám sàng lọc. Thêm vào đó, nếu bạn đã từng hút thuốc, việc đến khám sàng lọc ung thư phổi là điều vô cùng cần thiết”.
6. Bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời và kiểm tra da thường xuyên
Ảnh: Shutterstock
Tiến sĩ Naiara Braghiroli, trưởng khoa da liễu tại Bệnh viện Ung thư Miami, chia sẻ: “Gần 75% số ca ung thư da được phát hiện ở những bộ phận không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như lòng bàn tay, giường móng tay, lòng bàn chân, trong miệng hoặc phần ngoài của bộ phận sinh dục. Vì ung thư da thường xuất hiện ở các vị trí ít ai ngờ tới nên tỉ lệ tử vong do căn bệnh này sẽ là khá cao. Do đó, việc tự kiểm tra da ít nhất 1 lần 1 tháng là vô cùng quan trọng".
"Hãy sử dụng gương hoặc nhờ ai đó để giúp bạn tìm những vùng da mới màu nâu, đen hoặc các nốt ruồi không đối xứng, các vết thương hở không lành ở những vùng da ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đây là những dấu hiệu bất thường cảnh báo ung thư da. Nếu có một trong số các biểu hiện này hãy tới gặp các bác sĩ da liễu. Ung thư da có một phần nguyên nhân do tiền sử gia đình. Nếu bạn có bố hoặc mẹ bị ung thư da thì bạn có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn 50% so với những người không có người thân mắc bệnh”.
7. Bảo vệ bản thân trong đại dịch
Ảnh: iStock
Bí quyết cuối cùng để sống thọ là bạn nên tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. Nếu chưa được tiêm vắc xin, bạn nên chuẩn bị cho mình khẩu trang N95 để phòng ngừa bị lây nhiễm virus. Bên cạnh đó, bạn nên đảm bảo giữ khoảng cách cần thiết, không tụ tập đông người, sát khuẩn tay thường xuyên để bạn bảo vệ bản thân và gia đình trong thời gian dịch bệnh.
(Nguồn: Eat This, Not That)