Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2019 đến nay, số mắc bệnh tay chân miệng tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018, ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung như: Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Dương, Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bệnh được đặc trưng bởi các sẩn da dạng bóng nước ở tay, chân, mông, gối, khuỷu tay và những vết loét ở miệng.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Nhóm virus này bao gồm nhiều loại khác nhau như Poliovirus, Coxsackievirus, Echovirus và các loại Enterovirus khác.
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi rút từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh tay chân miệng đa số xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ càng dễ có triệu chứng nặng hơn. Các biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Giai đoạn vỡ bóng nước là nghiêm trọng nhất. Các bọng nước ở miệng vỡ ra và gây loét làm cho trẻ rất đau đớn. Lúc này phụ huynh phải hết sức kiên trì và bình tĩnh khi trẻ biếng ăn hoặc sợ không dám ăn.
Một số ít trường hợp, khi trẻ bị biến chứng nặng, sẽ có những dấu hiệu thần kinh và hệ thống. Đây là những trẻ cần được theo dõi sát và được quyết định điều trị chuyên biệt kịp thời. Những dấu hiệu quan trọng mà người trông trẻ cần nhận biết để cho trẻ đến khám ngay, bao gồm: Sốt từ 39 độ C trở lên, hoặc sốt trên 2 ngày, ói nhiều, lừ đừ, thở nhanh thở khó, quấy khóc, bứt rứt, giật mình hốt hoảng nhiều lần, run giật cơ, mất thăng bằng khi đứng...
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng.
Điều trị bệnh thế nào?
Đây là một bệnh do virus và thường tự hết, nên đa số các trẻ chỉ cần điều trị hỗ trợ trong thời gian bệnh để chờ tự hết. Khi trẻ bị viêm loét miệng lưỡi rất đau, vì vậy trẻ rất quấy khóc và không chịu ăn uống gì, do đó dễ bị mất nước, hạ đường huyết. Những trẻ này cần được cho giảm đau và khuyến khích ăn uống chậm, chia thành nhiều bữa thật nhỏ; ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt và cho uống nhiều nước.
Đối với những trường hợp nghi ngờ bị biến chứng thần kinh, hoặc có những dấu hiệu nghi ngờ khả năng hoặc nguy cơ bị biến chứng thần kinh cao, các bác sĩ sẽ quyết định cho trẻ nhập viện để bắt đầu điều trị chuyên biệt, hoặc để có thể theo dõi sát các dấu hiệu nặng nhằm can thiệp kịp thời. Nếu phát hiện trễ, qua “thời điểm vàng”, các can thiệp chuyên sâu sẽ không được hữu hiệu nữa, hiệu quả điều trị bệnh sẽ không được tối ưu.
Bệnh có thể phòng ngừa?
Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, nguy cơ bị nhiễm bệnh có thể được giảm đi nếu chúng ta thực hiện những phương pháp vệ sinh tốt, như:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi chạm vào những vết loét, bóng nước của người bị bệnh; trước khi sửa soạn thức ăn; trước khi ăn; trước khi cho trẻ ăn hoặc chăm sóc trẻ; sau khi sử dụng toilet và sau khi thay tã cho trẻ...
Lau sạch bề mặt và đồ chơi có thể bị nhiễm mầm bệnh bằng xà phòng và nước trước, sau đó tiệt trùng bằng nước tẩy rửa chứa chlor (chlorine) pha loãng.
Tránh tiếp xúc gần như ôm hôn, dùng chung muỗng nĩa, chén, với người bệnh.
Không cho trẻ đi học, hoặc đến các nơi vui chơi, tập trung của các trẻ nhỏ (công viên vui chơi, nhà banh, hồ bơi…) cho đến khi trẻ hết bệnh hoàn toàn (thường sau 7-10 ngày sau khi khởi bệnh).
Dạy trẻ che miệng, mũi khi ho hoặc hắt xì hơi.
Bỏ các tã bẩn, giấy chùi, khăn ướt khi chăm sóc trẻ bệnh vào thùng rác và đậy lại kỹ càng.
Giữ sạch nhà cửa, trường học... hoặc trường mẫu giáo.