Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng

BS. Nguyễn Việt An |

Bệnh tay chân miệng (TCM) do siêu vi khuẩn đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra.

Bệnh xuất hiện nhiều nơi, nguyên nhân là do thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ngoại cảnh chưa tốt làm mầm bệnh dễ lây lan qua đường tiêu hóa. Ngoài việc tuân theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ cũng rất quan trọng, góp phần đảm bảo sức khỏe của trẻ và làm bệnh thoái nhanh hơn.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng - Ảnh 1.

Các biểu hiện của bệnh tay chân miệng .

Biểu hiện của bệnh

Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin để phòng bệnh. Đó là những vấn đề gây không ít khó khăn cho việc điều trị và phòng bệnh. 

Trong khi đó, bệnh lây lan mạnh do trẻ lành tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với trẻ bị bệnh qua chất tiết ở đường hô hấp trên, họng, hầu, răng miệng (nước bọt, chất nhầy ở mũi họng), các dụng cụ đồ chơi, dụng cụ dùng trong các bữa ăn (bát, đũa, thìa...), khăn lau tay, khăn rửa mặt hoặc phân của trẻ bệnh lây lan ra môi trường xung quanh.

Đặc điểm của bệnh là có sốt nhẹ hoặc sốt rất cao đến 39 - 400C. 

Miệng trẻ bị sưng nên chảy nước miếng liên tục, biếng ăn, quấy khóc nhiều, run tay chân, có khi giật mình, da và niêm mạc bị tổn thương. 

Gây nên các vết loét hoặc bọng nước (phỏng nước) có đường kính khá lớn, thường từ vài milimét đến chục milimet (2-10mm). 

Bọng nước có hình ô van (hình bầu dục), nổi cộm lên hoặc nằm dưới lớp da màu đỏ, không đau. Vị trí các bọng nước chủ yếu ở vùng mông, đầu gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân (ấn nhẹ thì không đau), trong niêm mạc miệng hoặc có thể xuất hiện ở lưng, bụng, đùi. 

Khi bọng nước xẹp, khô thì để lại màu da hơi bị thâm. Đặc biệt là một số trường hợp không điển hình chỉ loét miệng rất dễ nhầm với loét miệng do nhiệt hoặc loét miệng do Herpes. Các vết loét trong miệng khi vỡ ra có thể gây nôn hoặc gây tiêu chảy. 

Hầu hết bệnh tay chân miệng là do virut đường ruột Coxsackie A16 thì bệnh nhẹ và sẽ tự khỏi. Nhưng nguy hiểm nhất của bệnh chân tay miệng là do Enterovirus 71 (EV 71) bởi vì chúng co thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm như rung, giật cơ, liệt chi, co giật, hôn mê, suy hô hấp, viêm cơ tim, trụy tim mạch hoặc viêm não - màng não và có thể gây tử vong.

Cần cho trẻ em ăn như thế nào?

Vì trẻ biếng ăn hoặc bỏ ăn do đau trong miệng (miệng loét), mệt mỏi hay quấy khóc cho nên thức ăn phải nấu thật nhuyễn, mềm, đủ chất và không nóng để cho trẻ có cảm giác ngon miệng khi ăn và quên đi sự đau đớn. 

Trẻ có thể ăn sữa chua, sữa bột pha hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả tươi mát. Trẻ còn bú mẹ cần cho trẻ bú như bình thường và có thể tăng số lần, thời gian cho bú vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. 

Nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày (vì trẻ đau miệng) mỗi lần một ít làm sao đủ năng lượng cho trẻ và không làm đau trẻ do các dụng cụ như thìa, ống hút sữa, bình, cốc... đụng chạm vào vết loét ở miệng của trẻ làm trẻ sợ và không dám ăn. 

Không nên cho trẻ uống nước nóng hoặc lạnh quá làm trẻ đau miệng. Khi trẻ dần dần hồi phục và hết các vết loét gây đau đớn trong miệng, nên động viên trẻ ăn như bình thường, không kiêng khem để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng - Ảnh 2.

Thức ăn mềm phù hợp với trẻ mắc tay chân miệng.

Cách phòng bệnh

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là vô cùng cần thiết và quan trọng. Cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày, nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 

Các loại quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ bị bệnh TCM, sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc dung dịch cloramin B và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành với trẻ bệnh. 

Các hộ gia đình, nhà trẻ, lớp mẫu giáo cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cần rửa tay sạch cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Tuyệt đối không mớm cơm, thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc. Không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Phân của người bệnh TCM cần được xử lý tốt, tránh làm vương vãi ra môi trường xung quanh. Nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như cloramin B. Nhà vệ sinh của các gia đình có người bị bệnh TCM luôn luôn sạch sẽ và được lau chùi bằng xà phòng và chất sát khuẩn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện khi trẻ bị bệnh, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng (sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết ), trong đó có bệnh TCM. Cần cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. 

Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Khi nghi trẻ bị bệnh TCM hoặc trẻ bị bệnh TCM mà có một số dấu hiệu khác thường (rung giật, bứt dứt, lừ đừ, yếu chi, co giật, hôn mê, mạch đập nhanh, tay chân lạnh, thở nhanh hơn bình thường, sùi bọt hồng ở miệng) thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại