Mùa đông chân tay lạnh cóng, xử lý thế nào?

BS. Quốc Tuấn |

Mùa đông, chân tay dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến tê cứng. Hiện tượng này không chỉ diễn ra khi tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh mà ngay cả khi được “ủ” trong chăn ấm, chân tay vẫn có cảm giác bị tê buốt.

Đây là một triệu chứng khá phổ biến, bởi vậy, nhiều người lầm tưởng hiện tượng tay chân lạnh vào mùa đông là bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng này còn ẩn chứa nhiều bệnh lý khác.

Không nên chủ quan

Vào mùa đông, nhiều người, các ngón tay, ngón chân thường lạnh ngắt. Nhìn chung không cần lo lắng về điều này bởi có thể đó là hiện tượng thông thường, xuất phát từ cấu tạo tự nhiên của cơ thể, do điều kiện thời tiết hoặc do giữ ấm không đúng cách.

Khí huyết không lưu thông là nguyên nhân chính dẫn đến tay chân lạnh. Khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp, các thành mạch co lại, khí huyết không được lưu thông dễ dàng có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn mạch, do đó, không đủ nuôi dưỡng tế bào, đặc biệt ở phần chân và tay.

Một khả năng khác là hệ tuần hoàn bị trục trặc, quá trình lưu thông máu trong cơ thể không được duy trì ổn định, lượng máu đưa về bàn chân, bàn tay không được cung cấp đầy đủ.

Tuy nhiên, chân tay lạnh cóng còn có thể do các nguyên nhân khác, trong đó những người mắc bệnh thiếu máu cũng mắc chứng tay chân lạnh do lượng hồng cầu trong máu hạ thấp. Biểu hiện rõ nhất là gan bàn chân, tay luôn ở trong trạng thái lạnh ngắt cho dù là trời nóng hay lạnh.

Nếu tứ chi thường xuyên trong tình trạng lạnh run, tóc rụng nhiều đi cùng với chứng hay quên, bạn hãy nghĩ đến khả năng bị suy giảm hoạt động tuyến giáp.

Chân tay lạnh, các đầu ngón tay chân tê buốt như bị kim châm - đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin B. Trường hợp dù trời nóng bức, chân tay vẫn lạnh - đó là biểu hiện của tình trạng thiếu máu. Nếu chân tay lạnh và các đầu ngón tay có màu trắng nhợt nhạt, có thể bạn đã bị viêm tĩnh mạch hoặc tắc nghẽn mạch máu.

Những người có tiền sử mắc các bệnh như: viêm tĩnh mạch, tắc mạch máu thường bị chân tay lạnh. Ngoài ra, căng thẳng, mệt mỏi cũng có thể làm chứng bệnh này thêm nặng.

Chứng chân tay lạnh thường gặp ở phụ nữ, những người cao tuổi, ăn uống kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, sức đề kháng yếu. Những người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, suy tuyến giáp... cũng thường có biểu hiện chân tay lạnh.

Cách khắc phục tình trạng này

Nếu không phải là trường hợp mắc các bệnh lý thì để chân tay không khỏi lạnh, mọi người nên giữ ấm cơ thể, đeo các loại tất và găng tay thấm hút mồ hôi để giúp khí huyết lưu thông được dễ dàng. Tuyệt đối không được để chân không tiếp xúc với nền nhà hoặc nước lạnh.

Buổi tối trước khi đi ngủ nên ngâm chân tay trong chậu nước muối hoặc nước gừng ấm từ 15 - 30 phút, có thể hòa thêm chút tinh dầu giúp lưu thông máu dễ dàng hơn. Cần lưu ý là nên lau khô chân tay ngay sau khi ngâm xong và có thể xoa thêm chút kem dưỡng da và đeo luôn tất để đảm bảo giữ ấm cho đôi bàn tay, bàn chân khi ngủ.

Bên cạnh việc giữ ấm cơ thể thì việc có một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học với nhiều chất béo và calo sẽ giúp sinh nhiệt lượng giữ ấm cho cơ thể. Bổ sung nhiều loại thức ăn có chứa các loại vitamin nhóm B, vitamin C, E và các axít amin, vitamin và khoáng chất như ớt, cà chua, súp-lơ... sẽ giúp tăng cường lượng hồng cầu trong máu và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bạn.

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể có đủ nước, khiến quá trình lưu thông máu thuận lợi. Chăm chỉ tập luyện thể dục và vận động cơ thể bằng các bài tập nhẹ, tránh tình trạng để cơ thể ngủ đông quá lâu khiến các khớp, cơ và xương không được thư giãn.

Đối với một số người mắc bệnh, cần được điều trị thì tình trạng trên sẽ không còn. Ngoài ra, nếu sau khi làm các biện pháp khắc phục trên mà không thuyên giảm thì nên tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân chính xác và kịp thời. Cho dù nguyên nhân gây bệnh là gì nếu để lâu cũng đều nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại