Thậm chí có những trẻ mới năm tuổi đã bị ĐTĐ tuýp 2. Còn theo số liệu của Liên đoàn ĐTĐ quốc tế (IDF), có hơn 52% bệnh nhân (BN) ĐTĐ ở VN chưa được chẩn đoán và có đến 52,7% người chết vì bệnh này trước 60 tuổi.
Bệnh nhân Vũ Thị P. 56 tuổi, ở Vũng Tàu nhờ phát hiện sớm biến chứng ĐTĐ ở bàn chân nên chỉ cần điều trị ngoại trú
30% Bệnh nhân bị tổn thương võng mạc
Khoa Nội tiết, BV Chợ Rẫy TP.HCM thường xuyên có đến hàng trăm BN ĐTĐ nằm điều trị, đa số bị biến chứng ở bàn chân.
Dù có chồng con bên cạnh chăm sóc chu đáo và luôn trêu đùa cho khuây khỏa nhưng bà Nguyễn Thị L., 54 tuổi, Bình Chánh, vẫn nằm lặng lẽ, mắt như dính chặt lên trần.
Thỉnh thoảng bà lại rên lên: "Đau quá, chết còn khỏe hơn". Bà vừa trải qua ca phẫu thuật đoạn chi, đang còn sốc trước sự tàn tật của mình. Bà không ngờ, chỉ vì thích cắt khóe móng chân cho "đã ngứa" mà bà phải mất 1/2 chân trái.
Chị Hồng H., con gái bà L. kể: "Cứ khoảng 20 ngày là má em làm móng chân một lần. Lần này, má bị cắt phạm vô khóe chảy máu, hôm sau thì khóe chân sưng lên, rỉ nước vàng.
Má nghĩ vài ngày sẽ hết, vì làm móng từ thời con gái, thỉnh thoảng lại bị lấy khóe sâu chảy máu, ba-bốn ngày sau là lành.
Tuy nhiên, nước chảy vàng cứ rỉ mãi, lại đau nhức nên má kêu em mua ampi về rắc vô. Hai ngày đầu khóe bớt đỏ, nhưng đến ngày thứ tám thì ngón cái rồi cả bàn chân sưng to, lan lên bắp chuối, đau nhức không đi được.
Em đưa má vô BV Chợ Rẫy khám, BS nói bị biến chứng ĐTĐ, hoại tử nhiễm trùng nặng phải cưa chân" - nói đến đó, cả bà L. và cô con gái đều bật khóc.
Ngoài biến chứng thần kinh phổ biến như tê bì, giảm cảm giác, viêm loét bàn chân, bệnh ĐTĐ còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác, trong đó nhiều biến chứng có dấu hiệu sớm nhưng ít người chú ý, dẫn đến hậu quả đau lòng là mù mắt.
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tổn thương võng mạc của BN ĐTĐ chiếm hơn 30% trên tổng số BN mắc bệnh và tỷ lệ mù trên người ĐTĐ chiếm hơn 10%.
Các BS cảnh báo, có một số biến chứng về mắt như tăng nhãn áp cấp tính ở BN ĐTĐ, nếu không can thiệp sớm, BN có nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Bà Phạm Thị C.,73 tuổi, Long An, mắc bệnh ĐTĐ đã 18 năm và hơn một năm nay mắt ngày càng mờ.
Cứ tưởng do tuổi tác nên bà không báo với con cháu, chỉ đến khi bà bị vấp ngã vào chiếc xe đẩy của cháu nội vì không nhìn rõ, người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu; BS mới phát hiện bà bị tổn thương võng mạc do biến chứng ĐTĐ.
Ai dễ mắc đái tháo đường?
Theo PGS-BS Nguyễn Thy Khuê, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Nội tiết và ĐTĐ VN, những người nằm trong diện "quy hoạch" của căn bệnh thời đại này ngoài yếu tố di truyền còn có những người béo phì (chỉ số khối cơ thể trên 25), vòng eo to (nam trên 90cm, nữ bằng hoặc trên 80cm), người tăng huyết áp, bị rối loạn lipid…
Ngoài ra, trẻ sinh ra có cân nặng hơn 4kg cũng là đối tượng có nguy cơ cao với bệnh ĐTĐ.
Để phòng tránh bệnh, mọi người, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao phải có lối sống lành mạnh (đi bộ, tập thể dục 30 phút/ngày, ăn rau 1/2kg/ngày, không ăn thức ăn chiên ngập dầu, không ngồi xem ti vi, máy tính, chơi game nhiều, ít nhất 60 phút phải đứng dậy hoạt động một lần), ngủ đủ giấc (6-8g/ngày)…
Làm được như vậy, không chỉ ngăn ngừa bệnh ĐTĐ mà còn phòng được cả các bệnh mãn tính không lây khác.
Xét nghiệm tiền đái tháo đường là sẽ mắc bệnh đái tháo đường?
Hiện nay, nhiều người, có cả những trẻ chỉ vài tuổi, khi xét nghiệm máu thì phát hiện đường huyết cao - được BS chẩn đoán là tiền ĐTĐ nên rất lo lắng, cho là mình đã mắc bệnh.
Theo GS-BS Thái Hồng Quang, nghiên cứu cho thấy, chỉ khoảng 1/3 những người được chẩn đoán tiền ĐTĐ có thể sẽ mắc bệnh, 1/3 vẫn giữ tình trạng tiền ĐTĐ, 1/3 kia sẽ trở lại bình thường.
Do đó, khi bị chẩn đoán tiền ĐTĐ, BN hoàn toàn có thể tránh khỏi căn bệnh này, nếu kiểm soát đường huyết chặt chẽ, chú ý chế độ ăn uống kiêng ngọt, hạn chế tinh bột và áp dụng lối sống lành mạnh.
Mắc bệnh đái tháo đường bao lâu thì phát sinh biến chứng?
Nhiều người cho rằng, phải mắc bệnh nhiều năm mới phát sinh biến chứng, nên khi mới phát bệnh, đã không chú ý đến những biểu hiện ban đầu của các biến chứng như: bàn chân nổi cục chai, giảm cảm giác (biến chứng bàn chân), chậm lành vết thương, nhìn mờ…
Theo TS-BS Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết, BV Chợ Rẫy, biến chứng có thể xuất hiện ngay từ đầu; trung bình khoảng 50% người ĐTĐ khi mới phát hiện bệnh đã có biến chứng.
Những biến chứng thường gặp và nguy hiểm của bệnh ĐTĐ gồm: biến chứng tim mạch (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), thận (suy thận phải chạy thận nhân tạo), mắt (ảnh hưởng võng mạc gây nhìn khó hoặc mù). Biến chứng điển hình gây tàn phế cao hiện rất nhiều BN mắc phải là nhiễm trùng bàn chân dẫn đến phải đoạn chi.
Ở Khoa Nội tiết, BV Chợ Rẫy, có nhiều BN ban đầu chỉ bị một vết loét nhỏ ở bàn chân, nhưng chủ quan không chăm sóc kỹ, vết loét nhiễm trùng lan rộng, buộc phải đoạn chi để giữ tính mạng.
Để phòng ngừa các biến chứng của bệnh, BN cần phải kiểm soát đường huyết tốt, ăn uống lành mạnh, uống thuốc đều đặn, phòng tránh nhiễm trùng, chăm sóc vết thương tốt và ngay khi có dấu hiệu của biến chứng, phải đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng có thể gây tử vong.