Singapore đang trở thành “Vùng Xanh” mới nhất của thế giới. “Vùng xanh” là khái niệm do nhà khoa học, chuyên gia về tuổi thọ Dan Buettner đặt cho những địa điểm có số lượng người sống thọ và khỏe mạnh nhất thế giới.
Năm vùng xanh ban đầu là: Ikaria (Hy Lạp), Okinawa (Nhật Bản), Nicoya (Costa Rica), Sardinia (Ý) và Loma Linda (Hoa Kỳ) và Singapore nằm trong danh sách mới của Buettner, được mệnh danh là “Vùng Xanh 2.0”.
Dữ liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) năm 2023 cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân Singapore là 82,13 tuổi đối với nam và 86,42 tuổi đối với nữ, xếp thứ 7 trên thế giới. Buettner viết trong cuốn sách của mình rằng tuổi thọ của người dân quốc gia này đã tăng thêm 20 năm kể từ năm 1960 và số người sống trên 100 tuổi cũng tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.
“Bất cứ điều gì Singapore đang làm đều góp phần tạo ra cuộc sống lâu dài nhất và khỏe mạnh nhất trên thế giới cho người dân của họ", Dan Buettner nói.
Năm 2004, Buettner hợp tác với National Geographic và Viện Lão hóa Quốc gia Mỹ đã cố gắng tìm ra cách “đảo ngược tuổi thọ”. Nhóm nghiên cứu này đã xác định những khu vực có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới và sau đó tìm hiểu lý do tại sao những người trong cộng đồng đó lại sống lâu và khỏe mạnh. Dưới đây là 4 điều nhóm nghiên cứu đã rút ra khi nghiên cứu về cuộc sống khỏe mạnh của người dân tại Singapore.
Đi bộ nhiều hơn đi xe
Trong khi nhiều nơi trên thế giới, người dân sẽ lái xe từ nơi này đến nơi khác thì tại Singapore, hầu hết mọi người đều đi bộ, sử dụng tàu điện ngầm. Một phần là do Chính phủ đã thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát lượng phương tiện cá nhân, đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng. Buettner cho biết các lối đi dành cho người đi bộ tại quốc gia này có đầy đủ biển báo đảm bảo an toàn, không gian xanh thẩm mỹ.
“Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là một kế hoạch rất hay và kết quả là chính phủ đã thành công khiến mọi người rời khỏi tay lái, đứng lên và đi bộ nhiều hơn. Người dân có thể đi được 10.000-20.000 bước mỗi ngày, rèn luyện thể chất một cách tự nhiên”, Buettner nói thêm.
Gần gũi với người thân
Nghiên cứu cho thấy những người ở Vùng Xanh có xu hướng ưu tiên và ở gần những người thân yêu của họ. Điều này cũng được thể hiện trong chính sách của Singapore khi giảm thuế nếu cha mẹ sống chung với con cái.
“Thay vì đưa người già vào viện dưỡng lão, những người lớn tuổi ở đó vẫn gắn bó với gia đình. Thông thường, người lớn tuổi sẽ nhận được sự chăm sóc tốt hơn từ người thân nên điều này rất có lợi cho tuổi thọ”, Buettner phân tích.
Lựa chọn những thực phẩm lành mạnh
Buettner cho biết Singapore đã làm rất tốt trong việc tạo ra “thực phẩm lành mạnh rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn so với đồ ăn vặt”. Đất nước này đã thành công thúc đẩy các cơ sở thực phẩm chọn cung cấp các sản phẩm lành mạnh cho sức khỏe. Chính phủ Singapore giảm lượng đường trong đồ uống có đường và bổ sung nhãn thực phẩm lành mạnh cho các mặt hàng hạn chế lượng đường, chất béo và natri.
Ban Xúc tiến Y tế của Singapore luôn khuyến khích người dân, cơ sở kinh doanh thực phẩm tiêu thụ gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt… Bộ Y tế cũng đã tạo ra một hệ thống dán nhãn để người dân biết những quầy hàng nào có chứa thực phẩm lành mạnh. Bên cạnh đó, Singapore cũng khiến việc hút thuốc lá trở nên “khó khăn, kém hấp dẫn và tốn kém”.
Chế độ chăm sóc sức khỏe
Buettner mô tả một bệnh viện ở Singapore là "Khu nghỉ dưỡng" khi cách bài trí của bệnh viện giống như một khách sạn sang trọng với không gian ngoài trời, nhà hàng và lớp học, gắn kết cộng đồng với nhau. Với mục tiêu trọng tâm là tối ưu hóa sức khỏe của người cao tuổi bằng cách ngăn ngừa bệnh mãn tính trong những năm cuối đời, bệnh viện mà Dan Buettner đến thăm có một chương trình cử y tá đến cộng đồng. Họ giúp sàng lọc miễn phí và kết nối bệnh nhân với thực phẩm lành mạnh hơn nếu cần.
Các cơ quan chức năng tại đất nước này thực hiện 'Thử thách số bước quốc gia', cụ thể người dân khi hoàn thành 10.000 bước/ngày có thể quy đổi điểm và sử dụng tại các nhà hàng, cửa hàng địa phương.