Một khi Nhật Bản cần vũ khí nguyên tử

Lê Ngọc |

Vũ khí hạt nhân là phương tiện răn đe tối thượng, nếu cảm thấy cần tự bảo vệ mình, Nhật Bản sẽ nhanh chóng chế tạo chúng.

Có lẽ đó là cơn ác mộng lớn nhất của Trung Quốc và thậm chí là của Triều Tiên: Một Nhật Bản được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ khiến tình hình an ninh của Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với hiện nay và buộc Trung Quốc phải sửa đổi cả học thuyết hạt nhân và gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Là quốc gia duy nhất bị tấn công hạt nhân, Nhật Bản có ác cảm với vũ khí hạt nhân. Nhật Bản không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân. Cực chẳng đã mới buộc họ thực hiện một lựa chọn quyết liệt và tốn kém như vậy. Mặt khác, Trung Quốc không có lợi ích trong việc khiêu khích Nhật Bản chế tạo chúng.

Chính sách hạt nhân “không sử dụng đầu tiên” của Trung Quốc một phần nhằm mục đích trấn an Nhật Bản rằng, trừ khi bị tấn công trước bằng vũ khí hạt nhân, họ sẽ không sử dụng vũ khí khủng khiếp đó trong chiến tranh.

Nhật Bản không có vũ khí hạt nhân, do đó, nếu Trung Quốc giữ lời, Nhật Bản sẽ yên tâm. Ở đây, “nếu” và “sẽ” là những từ điều kiện. Tất nhiên, nỗi ám ảnh hạt nhân và không có nhu cầu cấp bách, không phải là lý do Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới - không thể tạo ra vũ khí hạt nhân.

Một Nhật Bản răn đe hạt nhân sẽ như thế nào? Hãy cùng xem xét mỗi cấu phần của bộ ba hạt nhân truyền thống của tên lửa đạn đạo bố trí trên mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Với mật độ dân số cao của Nhật Bản thì việc phá hủy một số ít thành phố có thể giết chết phần lớn dân số của nước này. Do đó, nếu chống lại một nước như Nga hay Trung Quốc, Nhật Bản có khả năng bị tổn thất tương đương.

Tên lửa bố trí trên mặt đất

Nhật Bản có thể đầu tư vào một kho nhỏ tên lửa bố trí trên mặt đất, mỗi tên lửa mang theo một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân. Các tên lửa có thể được đặt trong các si-lô cứng, như Minuteman III của Mỹ hoặc trên các bệ phóng di động như RS-24 Yars của Nga. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM của Nhật Bản sẽ nhỏ hơn, không cần tầm bay và nhiên liệu để vươn tới Bắc Mỹ.

Khả năng với tới các mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, một phần lãnh thổ châu Âu của Nga và Trung Đông là đủ. Cuối cùng, Nhật Bản có thể giải quyết một lực lượng gồm 100 tên lửa đạn đạo tầm trung, mỗi tên lửa được trang bị ba đầu đạn 100 kiloton.

Các tên lửa có thể được bố trong các si-lô cứng ở phía đông Hokkaido, hòn đảo cực bắc của Nhật Bản, hoặc di chuyển trên các bệ phóng di động.

Nhật Bản gần với Trung Quốc điều đó sẽ làm tăng đáng kể khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân do tai nạn, vì một sự cố phần cứng hoặc phần mềm trong hệ thống cảnh báo sớm của Nhật Bản có thể được hiểu sai là một cuộc tấn công.

Một khi Nhật Bản cần vũ khí nguyên tử - Ảnh 2.

Nhật Bản là cường quốc kinh tế số 3 thế giới; Nguồn: navalnews.com


Điều kiện địa lý làm cho việc bố trí trên mặt đất không thuận lợi. Mật độ dân số cao của Nhật Bản khiến không thể tìm thấy vị trí cho 100 si-lô tên lửa để không gây ra tổn thất khủng khiếp trong trường hợp bị tấn công.

Ngay cả việc đặt chúng ở những nơi xa xôi như đảo Hokkaido phía bắc cũng sẽ gặp rủi ro không cần thiết. Di chuyển các bệ phóng di động sẽ quá lớn và nặng, trừ khi có đường ray riêng. Nhưng điều đó sẽ làm cho vị trí của tên lửa dễ bị phát hiện hơn. Một lựa chọn khác có thể là khai thác mạng lưới đường sắt rộng lớn của Nhật Bản.

Máy bay ném bom chiến lược

Nhật Bản có thể chế tạo máy bay ném bom tàng hình để sử dụng tên lửa hành trình và bom hạt nhân. Một chiếc máy bay như vậy có thể thực hiện các nhiệm vụ thâm nhập hạt nhân chống lại kẻ thù, hủy diệt vũ khí hạt nhân, các mục tiêu chỉ huy, kiểm soát và các mục tiêu khác của đối phương.

Máy bay ném bom hạt nhân sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chiến lược chiến tranh Nhật Bản sự linh hoạt để tấn công nhiều mục tiêu hoặc thay đổi mục tiêu giữa chuyến bay. Máy bay ném bom hạt nhân có thể được triệu hồi vào bất kỳ thời điểm làm nhiệm vụ nào.

Một mô hình máy bay ném bom có thể bao gồm ba phi đội, mỗi phi đội gồm hai mươi bốn máy bay ném bom và tổng số bảy mươi hai máy bay phản lực.

Mỗi máy bay ném bom sẽ mang theo bốn tên lửa tấn công tầm ngắn, mỗi tên lửa có công suất 100 kiloton, tổng số 288 vũ khí hạt nhân. Một cuộc tấn công chớp nhoáng vào các căn cứ máy bay ném bom Nhật Bản có thể quét sạch toàn bộ lực lượng trên mặt đất trước khi chúng được lệnh phải phân tán.

Một khi Nhật Bản cần vũ khí nguyên tử - Ảnh 3.

Nhật bản có nền khoa học-kỹ thuật và công nghệ tiên tiến: Nguồn: airforcemag.com


Việc tiêu diệt lực lượng máy bay tiếp dầu của Nhật Bản sẽ khiến máy bay ném bom bị tê liệt. Hơn nữa, những tiến bộ trong công nghệ phòng không có thể khiến máy bay ném bom dễ bị tổn thương.

Nhật Bản có thể như Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ cũ - duy trì một lực lượng máy bay ném bom vĩnh viễn trên không, nhưng điều đó sẽ tốn kém và cần đủ máy bay ném bom (và máy bay tiếp dầu) trên không sẵn sàng giáng đòn trừng phạt bất cứ lúc nào.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm

Đây là lựa chọn hấp dẫn nhất. Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là nền tảng có khả năng sống sót cao nhất, và có ít nhất một chiếc luôn luôn làm nhiệm vụ tuần tra.

Mỗi tàu ngầm Nhật Bản có thể lặn về phía Đông đến giữa Thái Bình Dương để đảm bảo an toàn; bất kỳ tàu chiến và máy bay chiến đấu chống tàu ngầm nào do Nga hoặc Trung Quốc gửi đến để săn lùng nó sẽ phải vượt qua chính Nhật Bản. Nhật Bản có thể thuyết phục Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm, tên lửa và đầu đạn như cách làm với Anh.

Một khi Nhật Bản cần vũ khí nguyên tử - Ảnh 4.

Nhật Bản là cường quốc tàu ngầm; Nguồn: thediplomat.com


Trong ba phương án bố trí, bản chất phòng thủ của răn đe trên biển có lẽ là khả năng lớn nhất Mỹ sẽ đồng ý giúp đỡ. Tùy thuộc vào thời gian, Nhật Bản thậm chí có thể tài trợ cho một số phần nhất định của Chương trình thay thế Ohio, đặc biệt là tên lửa.

Trong phương án bố trí trên biển, Nhật Bản có thể mô phỏng Trung Quốc, Pháp hoặc Anh, duy trì một lực lượng gồm 5 tàu ngầm tên lửa đạn đạo, mỗi chiếc được trang bị mười sáu tên lửa có đầu đạn hạt nhân. Mỗi tên lửa sẽ được trang bị bốn đầu đạn 100 kiloton. Một chiếc tàu ngầm luôn làm nhiệm vụ tuần tra sẽ được trang bị sáu mươi bốn đầu đạn.

Phương án này có một số nhược điểm: Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo sẽ khó giữ liên lạc trong một cuộc khủng hoảng và nếu chỉ có hai trong số năm tàu ngầm luôn tuần tra thì chỉ có 128 đầu đạn hạt nhân.

Rõ ràng, trong hoàn cảnh hiện tại, không phải ai cũng có lợi khi Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nếu bị dồn ép, nước này chắc chắn có thể làm như vậy. Một thực tế các bên phải nhớ là mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Nga có thể làm tình hình tồi tệ hơn rất nhiều./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại