Nhà báo Nhật Bản trở thành điệp viên Liên Xô

Hải Yến |

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, một vụ bê bối đã nổ ra tại Nhật Bản. Một mạng lưới tình báo Liên Xô được phát hiện đang hoạt động hiệu quả tại đây trong nhiều năm sau đó bị bại lộ do có sự phản bội.

Người biến điệp viên Liên Xô thành công dân Mỹ Siêu điệp viên Liên Xô Gordon Lonsdale Điệp viên Liên Xô bị thất sủng

Một phiên tòa đã diễn ra tại Nhật Bản thu hút không chỉ công luận Nhật mà cả báo chí thế giới. Phiên tòa đã diễn ra trong thời đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, vì vậy vụ án các điệp viên Liên Xô được xét xử dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan tình báo Mỹ.

Nhà báo yêu nước

Theo các nhà sử học của cơ quan mật vụ nước này thì vụ án là hiếm thấy bởi nhiều lý do. Trước hết, sự tồn tại của mạng lưới tình báo bí ẩn ở một đất nước truyền thống như Nhật Bản là điều đáng ngạc nhiên. Thậm chí cuộc điều tra cũng không tiết lộ chi tiết về hoạt động này.

Hơn nữa, bất chấp áp lực từ CIA, tòa án đã buộc phải lắng nghe dư luận và đã tha bổng cho người đứng đầu mạng lưới này là Yomo Wantanabe, người Nhật Bản.

Nhà báo Nhật Bản trở thành điệp viên Liên Xô  - Ảnh 1.

Nhà báo - điệp viên Yomo Wantanabe.

Yomo Wantanabe sinh năm 1911, đã tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga tại Đại học Tokyo. Khi còn là sinh viên, Yomo đã trở thành thành viên của Ủy ban Shin Nihonkai (Nhật Bản mới), bao gồm cả những người Cộng sản. Yomo tham gia phổ biến các tài liệu của Quốc tế cộng sản được xuất bản tại Nhật.

Năm 1937 quân đội Nhật xâm chiếm Trung Quốc. Yomo đã đến Cáp Nhĩ Tân và làm việc tại một tờ báo do chính quyền chiếm đóng của Nhật Bản tạo ra.

Vụ thảm sát Nam Kinh, trong đó người Nhật đã giết hàng chục ngàn thường dân Trung Quốc, sau đó là những cuộc đụng độ đẫm máu với Hồng quân gần hồ Hassan và Khalkhin Gola đã gây sốc cho nhà báo trẻ. Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến những hoạt động quân sự khủng khiếp khiến anh tin rằng các nhà quân phiệt đang đẩy Nhật Bản đến một thảm họa quân sự.

Năm 1939 Yomo Wantanabe trở lại Tokyo, là phóng viên đặc biệt của một tờ báo và nhanh chóng trở thành một nhà báo giỏi. Anh biết ngôn ngữ và văn học Nga, rất thành thạo các sự kiện chính trị diễn ra ở Liên Xô. Khả năng của anh được tờ báo chú ý và đánh giá cao.

Đầu năm 1941 Yomo được gửi đến Liên Xô với tư cách là phóng viên tự do. Trên chuyến tàu Vladivostok- Moscow, anh gặp cô sinh viên người Nga tên là Natasha. Tại Moscow, họ tiếp tục gặp nhau, cùng thăm triển lãm Trechiacov, đi dạo trên các con phố vào dịp cuối tuần, đến các nhà hàng và đi nghe nhạc.

Dĩ nhiên là các cuộc gặp gỡ của họ không nằm ngoài sự chú ý của cơ quan phản gián Liên Xô, là nơi kiểm soát hành vi của người nước ngoài nói chung, và cả đại diện của các đối thủ tiềm năng nói riêng.

Một lần, Natasha được gọi đến văn phòng trưởng khoa và họ nói rằng có một nhà báo nào đó muốn nói chuyện với cô.

Người lạ mặt chìa ra thẻ của nhân viên NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô - tiền thân của KGB) và yêu cầu cô kể về nhà báo người Nhật cô đã quen biết trên tàu. Natasha nhấn mạnh rằng theo cô đó là một người bạn của Liên Xô, anh lên án hành động của các nhà quân phiệt Nhật Bản và muốn có hòa bình giữa Nhật Bản và Liên Xô.

Nhân viên của NKVD quyết định đích thân xác minh điều này và yêu cầu cô gái giới thiệu với Wantanabe. Sau khi gặp nhau tại nhà hàng, Wantanabe và “chú Misha” (như người sĩ quan NKVD tự giới thiệu) nói rằng ông là một nhà báo.

Họ bắt đầu gặp gỡ thường xuyên để thảo luận về các sự kiện chính trị hiện tại. Wantanabe cần sự kết nối của một nhà báo Liên Xô, còn “chú Misha” cần thông tin của người Nhật này. Điều này coi như một sự tuyển dụng, mặc dù không ai chính thức nói về điều đó.

Điệp viên lợi hại

Tháng 3/1941, tại một cuộc gặp thân mật, đoán biết về công việc thực sự của “chú Misha”, Wantanabe đã chia sẻ với ông thông tin về tính chất của các cuộc đàm phán bí mật đã diễn ra tại Berlin giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao của Đức Ribbentrop và Nhật Bản Matsuoka. Họ dự đoán chắc chắn về thỏa thuận một cuộc tấn công của Đức và Nhật Bản vào Liên Xô.

Theo các chuyên gia, dựa trên thông tin cực kỳ quan trọng này từ Wantanabe, vào tháng 4/1941, Stalin đã chỉ thị cho Tổng tham mưu trưởng Hồng quân Zhukov gặp gỡ với Matsuoka.

Cuộc họp diễn ra và Zhukov bày tỏ với Matsuoka về tuyên bố của nhà lãnh đạo Liên Xô về những cuộc đàm phán bí mật của ông này ở Đức. Kết quả là vào ngày 13/4/1941, một hiệp ước trung lập được ký kết với Nhật Bản, cho phép Liên Xô giảm khả năng xảy ra chiến tranh ở hai mặt trận.

Nhà báo Nhật Bản trở thành điệp viên Liên Xô  - Ảnh 3.

Hiệp ước trung lập được ký kết giữa Nhật bản và Liên Xô.


Vào ngày 22/6/1941, Đức đã tấn công Liên Xô. Wantanabe bắt đầu hành động theo niềm tin chính trị của mình. Ngay ngày hôm sau anh gặp "chú Misha" với một lá đơn gửi cho chính phủ Liên Xô với mong muốn tham gia chiến đấu chống phát xít Đức và yêu cầu được ra mặt trận như một người lính.

Đức đã vi phạm hiệp ước không xâm lược, nghĩa là không thể loại trừ việc Nhật Bản sẽ vi phạm hiệp ước trung lập và bắt đầu các hoạt động quân sự ở Viễn Đông. Chú Misha (đại tá Schatz) đã gặp Yomo Wantanabe và đề nghị anh giúp đỡ trong cuộc chiến tranh của Liên Xô với Đức, không phải ở mặt trận, mà ở trong giới ngoại giao nước ngoài và các nhà báo ở Moscow.

Không do dự, Wantanabe đã đồng ý, bởi bằng cách thu thập thông tin về kế hoạch và dự định của kẻ thù anh có thể mang lại nhiều lợi ích cho Liên Xô hơn là ra mặt trận.

Vào ngày 20/10/1941, tại Moscow tuyên bố tình trạng bao vây. Để bảo vệ thủ đô cần có quân tiếp viện, nhưng Stalin không dám chuyển các sư đoàn mới từ Viễn Đông tới, vì e ngại rằng Nhật Bản sẽ bắt đầu một cuộc xâm lược. Để đưa ra quyết định quan trọng có tính sống còn, cần có thông tin đáng tin cậy về các kế hoạch của Nhật Bản.

Thông tin như vậy được đến từ nhiều nguồn khác nhau. Theo khẳng định của các chuyên gia, người đầu tiên thông báo là Ramsay (điệp viên Richard Sorge). Báo cáo cho biết, Nhật Bản sẽ không tấn công Liên minh, nhưng có kế hoạch tái khởi động các hoạt động quân sự ở Thái Bình Dương chống lại người Anh và người Mỹ.

Song vào cuối tháng 10-1941, nhóm điệp viên này bị bại lộ, Sorge bị bắt và nguồn cấp thông tin đã bị ngừng lại. Tuy nhiên, tại thời điểm này nhóm của Wantanabe đã tích cực hoạt động.

Đầu tháng 10/1941, Wantanabe phát hiện ra rằng Nhật Bản đang lên kế hoạch tấn công Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang đóng quân tại Hawaii. Theo các nhà sử học Mỹ, giới lãnh đạo Mỹ đã không nắm được thông tin chiến lược quan trọng bậc nhất này. Kết quả là sự thất bại của Mỹ tại căn cứ Trân Châu Cảng.

Từ các nguồn khác, Wantanabe đã phát hiện được rằng, quân đội Quan Đông không có ý định thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào chống Liên Xô vào lúc ấy. Wantanabe đã thông báo điều này với chú Misha và thông tin được gửi đến Bộ Tổng tham mưu và Stalin.

Dựa trên những nguồn tin này, giới lãnh đạo Liên Xô đã quyết định chuyển quân dự bị từ Viễn Đông đến Moscow. Các sư đoàn Siberi đã bảo vệ Moscow, sau đó vào tháng 12/1941 chuyển sang phản công.

Wantanabe rất quan tâm đến số phận của Natasha, cô gái đã rời trường ngay từ mùa đông để ra mặt trận làm phát thanh viên. Trong một cuộc gặp, đại tá Schatz cho biết Natasha đã hy sinh. Sốc vì cái chết của người bạn gái, nhà báo trẻ thề sẽ trả thù cho cô. Wantanabe đã giữ lời hứa của mình.

Công việc của một nhà báo lúc này là vỏ bọc tốt nhất. Những bài báo và sự giao tiếp thường xuyên với các nhà ngoại giao phương Tây đã giúp Yomo thu thập những thông tin quan trọng đối với tình báo Liên Xô. Đó không chỉ là tin tức về tình hình chính trị của phương Tây, mà còn là những kế hoạch hoạt động chiến lược-quân sự của các nước đồng minh.

Luôn gắn kết với tình báo Liên Xô trong mọi hoàn cảnh

Cuộc chiến tranh với Đức kết thúc, nhưng cuộc chiến với Nhật Bản vẫn tiếp diễn, Liên Xô chuẩn bị bước vào cuộc chiến này theo nghĩa vụ của một đồng minh. Wantanabe không đổ lỗi cho Moscow về bước đi này.

Nhà báo Nhật Bản trở thành điệp viên Liên Xô  - Ảnh 4.

Phát xít Nhật xâm chiếm Trung Quốc năm 1937.


Sau chiến tranh, Wantanabe được đưa vào mạng lưới tình báo và có biệt danh “Totekatsu” (theo tiếng Nhật có nghĩa là chiến binh). Trải qua khóa đào tạo phù hợp cho công việc tại Nhật Bản, đầu năm 1946, ông trở lại Tokyo và tiếp tục làm việc cho tờ báo “Mainichi Shimbun”.

Sau khi quân phát xít đã cướp đi tính mạng cô bạn gái của mình thì đế quốc Mỹ trở thành kẻ thù của “Totekatsu”. Ông căm thù người Mỹ vì các cuộc đánh bom nguyên tử vào Hirosima và Nagasaki.

Ông không thể chấp nhận việc đất nước của mình chịu sự ảnh hưởng của Mỹ đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tại Tokyo, Wantanabe đã gặp lại những người bạn cũ ở đại học và Hội “Sin Nihonkai”, nhiều người trong số họ đã trở thành quan chức lớn của chính phủ. Ông đã thu hút được một số trong số họ tham gia công việc tình báo.

Ban điệp vụ Liên Xô tại Nhật Bản hoạt động dưới vỏ bọc của một phái đoàn ngoại giao đã tiếp tục liên lạc với Yomo Wantanabe. Các cộng sự Liên Xô hiểu được rủi ro lớn mà Yomo đang gặp phải khi hợp tác với tình báo Xôviết.

Ông đã mạo hiểm không chỉ tính mạng của mình, mà cả tương lai của những người thân và những người bạn gần gũi của ông. Vì vậy mà tình báo Liên Xô được yêu cầu phải rất cẩn trọng khi liên lạc với ông.

Trong những năm sau chiến tranh, Wantanabe và các cộng sự của mình đã truyền thông tin về các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, về chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á, về sự tham gia của quân đội Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. Hoạt động của nhóm ông rất hiệu quả và kéo dài đến năm 1952.

“Totekatsu” và các trợ lý của ông đã bị phát hiện do có sự phản bội của một kẻ đào ngũ. Một phiên tòa diễn ra, tại đó Wantanabe tuyên bố rằng, những mối liên hệ của ông với các quan chức Liên Xô từ năm 1941 đến năm 1945 đã giúp ngăn chặn Nhật Bản tham gia vào cuộc chiến chống Liên Xô và cứu sống hàng triệu binh sĩ Nhật Bản.

Các nhà báo và cả dư luận tiến bộ Nhật Bản đã lên tiếng bảo vệ Wantanabe. Không thể chứng minh tội lỗi của ông, tòa án buộc phải tuyên bố trắng án.

Vụ án này đã không làm Wantanabe nhụt chí. Sau một thời gian dài ngừng hoạt động, vào năm 1969, con người can đảm và kiên trì này đã đến Đại sứ quán Liên Xô ở Tokyo và trao một lá đơn đề nghị được khôi phục mối liên hệ với ngành tình báo.

Đầu năm 1970, sự liên lạc được khôi phục và thêm 8 năm nữa “Totekatsu” đã giúp đỡ tình báo Liên Xô bằng cách truyền đi những thông tin chiến lược quan trọng mà ông thu thập được thông qua những người bạn có ảnh hưởng của mình. Yomo Wantanabe mất vào năm 1986.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại