Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ lợi ích chung ở Đông Địa Trung Hải, vì vậy cả hai cần tăng cường hợp tác và sản xuất quốc phòng chung trước sức ép ngày càng tăng từ Mỹ và châu Âu, giới phân tích nhận định.
Vào ngày 18-19/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một hội nghị quốc tế với tiêu đề "Thay đổi trật tự toàn cầu: Chiến tranh Xanh ở Đông Địa Trung Hải", trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Ankara và Washington về thỏa thuận S-400 và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hy Lạp với Cộng hòa Síp.
Washington và Ankara vẫn chưa giải quyết được bất đồng xoay quanh việc chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi nước này mua S-400, một hệ thống vũ khí phòng không tiên tiến do Nga sản xuất.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD để phát triển F-35, Mỹ vẫn loại bỏ đồng minh NATO ra khỏi chương trình phát triển chung vào tháng 7/2019.
Vào ngày 19/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan một lần nữa nhắc lại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm triển khai hệ thống phòng không do Nga sản xuất, bất chấp việc ông vừa có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump vào tuần trước.
Thổ Nhĩ Kỳ cần hệ thống vũ khí độc lập trong trường hợp xảy ra xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nên sản xuất chung S-400?
Nói với Sputnik, nhà sử học Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Perincek khẳng định, Moscow và Ankara cần tăng cường hợp tác song phương ở Đông Địa Trung Hải, như một động thái ngăn chặn sức ép của phương Tây.
"Với áp lực trừng phạt hiện tại từ phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có nhiệm vụ phải tăng cường hợp tác", Perincek nhấn mạnh.
"Mỹ đe dọa cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Đông Địa Trung Hải và Biển Đen, thông qua vấn đề đảo Síp và Crimea. Cả hai nước cần có sự phối hợp để đáp ứng chính sách ngăn chặn của Mỹ".
Theo nhà sử học, hợp tác quốc phòng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã mang một ý nghĩa mới. Ông cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, Ankara sẽ không thể sử dụng các công nghệ quân sự và hệ thống phòng thủ của NATO trước phương Tây.
"Chúng sẽ không hoạt động, vì chúng hoàn toàn do Mỹ kiểm soát", ông nói. "Về vấn đề này, Thổ Nhĩ Kỳ cần các hệ thống và công nghệ quân sự độc lập với NATO. Vì vậy, việc mua S-400 là một bước đi rất quan trọng. Tất nhiên, lý tưởng nhất là Thổ Nhĩ Kỳ cần có hoạt động sản xuất riêng".
Ông nhấn mạnh rằng, Ankara và Moscow đã thảo luận về việc sản xuất S-400 chung, khẳng định rằng hai nước cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Mỹ gây hấn với Nga-Thổ ở Địa Trung Hải?
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang cố gắng ngăn chặn Ankara và Bắc Síp thực hiện các hành động ở Đông Địa Trung Hải, Mesuat Halli Casin - thành viên của Hội đồng Chính sách đối ngoại và An ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đây là nỗ lực mâu thuẫn với luật pháp quốc tế và quyền hàng hải. Mặt khác, nó cũng là hành động gây áp lực với Nga.
"Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ chính sách này", Casin nhấn mạnh. "Tổng thống đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ lợi ích của mình trong khu vực. Đặc biệt, Ankara quyết tâm tiến hành các hoạt động dầu khí ở ngoài khơi đảo Síp".
Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng hành động gây áp lực của Mỹ ở Địa Trung Hải cũng nhằm mục tiêu chống lại Nga.
Vào ngày 5/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng phản đối việc Ankara thực hiện hoạt động khoan dầu ở vùng biển gần đảo Síp sau khi Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis kêu gọi Washington giải quyết vấn đề.
Mặc dù Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều là đồng minh của NATO, cả hai đã xảy ra bất hòa về vấn đề đảo Síp kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bước vào hòn đảo này vào năm 1974.
Vào cuối tháng 10, Hy Lạp và Cộng hòa Síp đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự mang tên "Mũi tên thép" được coi là sự thách thức Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải.
Chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ gọi các cuộc tập trận quân sự thường xuyên này có mục đích đe dọa và gây áp lực tâm lý đối với Ankara, cáo buộc châu Âu, Mỹ, Cộng hòa Síp và Hy Lạp đang đẩy khu vực vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức ba cuộc tập trận hải quân lớn chứng tỏ rằng "sẽ không từ bỏ quyền của mình đối với đặc khu kinh tế và thềm lục địa, và nếu cần, có thể chuyển từ sức mạnh mềm sang sức mạnh quân sự", ông Casin chỉ ra.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tổ chức một cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia kéo dài 12 ngày có tên là Đông Địa Trung Hải-19, với cả các quốc gia NATO và các nước đồng minh, bao gồm Mỹ, Pakistan, Canada, Bulgaria, Romania, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Chuyên gia Casin cho rằng, quyết định Washington trong việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Cộng hòa Síp và sự hiện diện lâu dài của không quân Anh trên đảo, cho thấy những hành động đó "không chỉ nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn chống lại Nga", nói thêm rằng "mục tiêu này chính là lý do cho hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ".