Máy bay Ấn Độ "rụng như sung" dù không phải là thời chiến?
Trưa ngày 16/11/2019, máy bay huấn luyện MiG-29K của Ấn Độ đã bị rơi bên ngoài một ngôi làng ở bang Goa, hai phi công đã thoát ra bằng ghế phóng an toàn.
Chiếc MiG-29 cất cánh từ căn cứ INS Hansa đang trong một chuyến bay huấn luyện khi sự cố xảy ra, phi công đã cố gắng điều khiển máy bay tránh một khu đông dân cư trước khi thoát khỏi máy bay.
Các mảnh vỡ của máy bay nằm rải rác trong khu vực cách thủ phủ của bang Goa vào khoảng 15 km. Theo phát ngôn viên của Hải quân Ấn Độ, máy bay huấn luyện MiG-29K đã bị cháy động cơ bên phải sau khi va phải một đàn chim và sau khi bị rơi đã "không thể phục hồi".
Theo Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ, kể từ năm 2016 tới nay Không quân Ấn Độ (IAF) đã mất 27 máy bay, bao gồm 15 máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng (con số này bao gồm chiếc MiG-21 Bison của Ấn Độ bị máy bay Pakistan bắn rơi tháng 2/2019).
Từ năm 2016 đến 2017, 6 máy bay chiến đấu, 2 máy bay trực thăng, 1 máy bay vận tải và 1 máy bay huấn luyện đã bị rơi. Trong giai đoạn 2017-18, IAF đã mất 2 máy bay chiến đấu và 1 máy bay huấn luyện.
Hiện trường vụ máy bay MiG-29K của Ấn Độ rơi hôm 16/11/2019.
Ấn Độ sẽ mua MiG-29 "tân trang" từ Nga?
MiG-29 Fulcrum là máy bay chiến đấu hai động cơ được Liên Xô thiết kế nhằm chiếm ưu thế trên không trước các máy bay chiến đấu của phương Tây. MiG-29 được đưa vào trang bị của Không quân Liên Xô năm 1982 và 30 lực lượng không quân trên thế giới.
Không quân Ấn Độ (IAF) đã trang bị MiG-29 trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1991. Hiện tại MiG-29 vẫn là một "cỗ máy chiến tranh" đáng gờm đóng vai trò là "tuyến phòng thủ thứ hai" của IAF sau Su-30 MKI.
MiG-29 có hai động cơ phản lực RD33 giúp máy bay đạt được tốc độ tối đa Mach 2,25. Tầm tác chiến của MiG-29 là 2.100 km với trần bay 18 km, máy bay được tối ưu hóa cả cho các cuộc không chiến tầm ngắn cũng như các không chiến ngoài tầm nhìn (BVR).
MiG-29 Fulcrum là loại máy bay chiến đấu đa nhiệm được thiết kế và phát triển bởi tập đoàn MiG. Loại chiến đấu cơ này đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
MiG-29 được trang bị tên lửa không đối không R-60 với tầm bắn 8 km trong vai trò không chiến tầm ngắn, còn với vai trò BVR, nó có hai tên lửa không đối không (AAM) Vympel R-27 với hai biến thể có tầm bắn 40 và 80 km và AAM R-73 tầm ngắn hơn (30 km).
Năm 2007, phi đội MiG-29 của IAF đã được Nga nâng cấp toàn diện với chi phí 865 triệu USD.
Bên cạnh nâng cấp điện tử hàng không, phiên bản nâng cấp (được gọi là MiG-29 UPG) đã thay thế radar dẫn bắn N019 Topaz lỗi thời bằng radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) Zhuk AME với tầm bắn 160km.
MiG-29 UPG cũng tăng cường khả năng BVR, tiếp nhiên liệu trên không và mang theo nhiều nhiên liệu hơn giúp mở rộng phạm vi chiến đấu thêm 40% (từ 2.100 lên 3.000 km).
Vào tháng 4/2019, truyền thông Ấn Độ rộ lên thông tin cho rằng IAF đang đàm phán với Nga để mua 21 máy bay chiến đấu MiG-29 đã được chế tạo vào cuối những năm 1980 cho Không quân Liên Xô nhưng chưa từng được lắp ráp và cất cánh.
Thông tin cho rằng vào tháng 2/2019, một nhóm các sĩ quan IAF đã đến Nga để kiểm tra máy bay MiG-29 và đánh giá rằng chúng đã sẵn sàng trong "tình trạng tuyệt vời" và quá trình bàn giao sẽ diễn ra trong 18 tháng.
Người Nga được cho là đã hứa sẽ nâng cấp máy bay nói trên lên chuẩn MiG-29 UPG với giá "hời" cho Ấn Độ. Một chiếc MiG-29 UPG sẽ có giá là 40,2 triệu USD với tổng giá trị hợp đồng là 846,6 triệu USD, bao gồm chi phí huấn luyện nhân sự và phi công.
Một chiếc MiG-29 của Không quân Ấn Độ (IAF).
Thực trạng Không quân Ấn Độ: Liệu có bị đối phương "khinh nhờn"?
Quyết định mua MiG-29 UPG được đưa ra trong thời điểm IAF được cho là đang đối mặt với việc "cạn kiệt" máy bay chiến đấu.
Để đảm bảo sức chiến đấu với đối thủ Pakistan (chưa nói tới Trung Quốc), IAF phải có ít nhất là 42 phi đội máy bay chiến đấu, đây là con số mà Ấn Độ chưa bao giờ chạm tới (con số cao nhất là 39,5 phi đội vào đầu những năm 1990).
Đã có những lúc ưu thế về số lượng máy bay chiến đấu giữa Ấn Độ và Pakistan là 3:1. Nhưng hiện đang ở mức 1,4:1. Giả sử rằng IAF đạt đến con số 42 phi đội, tỷ lệ nói trên sẽ ổn định ở mức chiếm ưu thế vào khoảng 2:1.
Ngay cả khi đạt được ưu thế về số lượng 3:1, những thách thức của IAF vẫn ẩn sau con số này. Chỉ có khoảng 1/2 phi đội của IAF là có khả năng tác chiến tốt, 1/2 còn lại đang gặp rất nhiều vấn đề.
Ưu thế của Ấn Độ với Pakistan hiện tại được thể hiện bởi 31 phi đội máy bay với 11 phi đội Su-30 MK1 (242 máy bay), 3 phi đội (69 máy bay) MiG-29 và 3 phi đội (49 máy bay) Mirage 2000.
Ngoài các phi đội máy bay hiện đại kể trên, IAF còn có 14 phi đội máy bay "già nua" bao gồm 6 phi đội SEPECAT Jaguars (139 máy bay), 6 phi đội MiG-21 (121 máy bay chủ yếu là MiG-21 Bison) và 2 phi đội MiG-27 (40 máy bay).
Máy bay chiến đấu SEPECAT Jaguar và MiG-21 "Bison" của IAF.
Việc nâng cấp hoặc thay thế 300 máy bay này là thách thức mà IAF đang phải đối mặt nếu không muốn đối mặt với viễn cảnh chỉ còn từ 26 đến 27 phi đội máy bay chiến đấu trong tương lai 8-10 năm nữa.
139 "ông lão" SEPECAT Jaguar được đưa vào trang bị những năm cuối của thập kỷ 1970 nay cũng đã tới tuổi nghỉ hưu. 121 chiếc MiG-21 Bison đã được lên kế hoạch loại biên vào giai đoạn 2014-2017 nhưng nay phải "gồng mình" cho tới năm 2021-2022.
Liên quan đến MiG-27, mặc dù máy bay bắt đầu được IAF đưa vào trang bị những năm 1980, nhưng máy bay này có những lỗi cơ bản đặc biệt là liên quan tới động cơ phản lực R-29 khiến máy bay rơi nhiều hơn thiệt hại trong chiến đấu.
Chiếc MiG-27 ML cuối cùng đã nghỉ hưu vào ngày 29/12/2017, hai phi đội MiG-27 UPG được nâng cấp cũng sắp nghỉ hưu trong một vài năm tới. Rõ ràng IAF phải tăng cường mua sắm để bù đắp "tổn thất không do chiến đấu" nói trên.
Bên cạnh MiG-21 Bison, loại "quan tài bay" thứ hai của IAF là MiG-27.
Tại sao quốc gia lớn như Ấn Độ phải mua đồ "tân trang"?
Thật không may, sau 36 năm được phê duyệt, hợp đồng cung cấp 324 máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) Tejas dự kiến sẽ chỉ đưa vào trang bị của IAF khoảng 123 chiếc trong giai đoạn 2024-25.
Hợp đồng mua 126 máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng trung (MMRCA) gặp rất nhiều rắc rối, cho tới nay chỉ có thể dự kiến rằng sẽ có 36 chiếc máy bay phản lực Rafael sẽ được đưa vào trang bị trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2021.
18 bộ linh kiện mua từ Nga cũng sẽ giúp con số máy bay Su-30MKI lắp ráp trong nước tăng lên 260 chiếc.
Hãy cứ lạc quan tin rằng 177 chiếc máy bay "đang đến", thì IAF vẫn còn một "lỗ hổng khổng lồ" với 123 máy bay. Nó cho thấy việc mua 21 chiếc MiG-29 UPG, ngay cả khi chúng đã nằm trong kho hơn 30 năm.
Nhưng tất nhiên, đó là chưa tính tới việc mỗi năm Ấn Độ mất đi trung bình 5 máy bay chiến đấu do các sự cố khiến máy bay rơi.
Và có lẽ Ấn Độ nên cân nhắc tới các phương án khác, như việc trang bị F-21, biến thể F-16 Fighting Falcon mà nhà sản xuất Lockheed Martin tuyên bố "(sản xuất) cho Ấn Độ, (sản xuất) từ Ấn Độ".
Video quảng cáo F-21 của Lockheed Martin nhằm trực tiếp vào Ấn Độ.