Món quà Bác Hồ tặng Tư lệnh Hải quân

Trần Thanh Hằng |

Trong những chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng cho các vị tướng có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đất nước hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có một chiếc của Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát sinh ngày 2/5/1921, mất năm 1993, quê ở thôn Trung Sơn, xã Hoà Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, từng là chỉ huy trưởng quân sự tổng Thái Hoà huyện Hoà Vang tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, ông là Chỉ huy trưởng Thủy đội Bạch Đằng, đánh lính Nhật ở nhà băng Quy Nhơn, phá đập Khánh Hoà. Trong kháng chiến chống Pháp, ông giữ nhiều trọng trách quan trọng: từng là Chi đội phó Chi đội Phan Đình Phùng, Tham mưu trưởng Liên khu 5, tham gia chỉ huy bộ đội chiến đấu lập công xuất sắc tại Liên khu 5.

Năm 1954, ông là Đại đoàn phó Đại đoàn 308. Từ năm 1955, ông là Cục phó Cục Phòng thủ bờ biển (sau là Cục Hải quân. Từ tháng 1/1964 đến tháng 11/1964, ông là Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Từ tháng 12/1964 đến tháng 2/1975, ông giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiêm Tư lệnh Quân khu Đông Bắc, Ủy viên Hội đồng Khoa học Bộ Quốc phòng. Năm 1974, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng.

Từ tháng 3/1975 đến tháng 7/1976, ông là là Tư lệnh Hải quân Tiền phương tham gia chỉ huy bộ đội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ tháng 9/1976 đến năm 1987, ông chuyển ngành, giữ chức vụ là Thứ trưởng Bộ Thủy sản kiêm Bí thư Đảng ủy cơ quan bộ.

Món quà Bác Hồ tặng Tư lệnh Hải quân - Ảnh 1.

Mặt chiếc đồng hồ kỷ vật của Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát. Ảnh BTLSQSVN.

Năm 2003, chúng tôi đến sưu tầm hiện vật (năm 2003) tại nhà Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát sau 10 năm đồng chí qua đời. Trên bàn thờ có nhiều kỷ vật quý về vị Tư lệnh Hải quân. Đó là ngôi sao vàng trên nền xanh gắn trên mũ mềm, những tập nhật ký và chiếc đồng hồ và những tấm huân chương cao quý Đảng, Nhà nước dành tặng ông.

Đặc biệt nhất là chiếc đồng hồ Wyler có dây kim loại được Bác Hồ trao tặng năm 1957 luôn được ông giữ bên mình và coi đây là vật quý giá nhất trong đời. Hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với số đăng ký 9051-K1-896.

Với Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương cao cả nhất, thiêng liêng nhất, đồng chí luôn tự thấy mình phải phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với phần thưởng cao quý này. Trong tập hồi ký của mình, đồng chí có viết một kỷ niệm về Người [1] .

Ổng viết: “Tôi nhớ vào dịp cuối năm 1961, Bác Hồ được tin vui các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh Bạc Liêu và Bà Rịa... đã tổ chức được 6 thuyền vượt biển ra Bắc an toàn. Ông Cụ mừng lắm nên không đợi tôi lên Hà Nội báo cáo với Cụ mà bí mật xuống Hải Phòng gặp tôi.

Tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy ông Cụ đẩy nhẹ cánh cửa phòng làm việc của tôi. Bất chợt tôi ngước lên bắt gặp ông Cụ có chòm râu bạc như tiên, không lẫn vào ai được.

Tôi như con nai ngơ ngác, chưa kịp reo lên, ông Cụ ra hiệu cho tôi im lặng. Bất giác, tôi xúc động, nước mắt trào dâng. Ông Cụ chủ động nói: Bí mật, bất ngờ là bí quyết của mi thắng lợi, phải không chú Phát!.

Món quà Bác Hồ tặng Tư lệnh Hải quân - Ảnh 2.

Chiếc đồng hồ nhãn hiệu Wyler Bác Hồ tặng Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát. Ảnh BTLSQSVN.

Tôi chưa kịp thốt lên chữ: Vâng; ông Cụ đã hỏi: Thế các chú trong ấy ra đi đâu cả rồi? Tôi bối rối: Các đồng chí trong ấy ra đêm qua, trời rét quá, lẽ ra đêm qua cháu phải lên Hà Nội báo cáo vi Bác và các đồng chí Trung ương nhưng s làm mất giấc ngủ, định sáng nay lên thì Bác đã xuống.

Ông Cụ hỏi tôi về sự đón tiếp anh em Quân giải phóng có chu đáo không? Có đưa áo bông cho các chú ấy mặc không? Tôi thưa với Bác là chúng cháu đã lo chu tất, anh em phấn khởi lắm. Đêm qua, chúng cháu đã đưa anh em về nghỉ tại số nhà 83 Lý Nam Đế, Hà Nội. Bác khen chúng tôi thế là tốt. Bác còn nhắc đi nhắc lại hai chữ “bí mật” để tôi nhập tâm.

Trước khi lên xe trở về Hà Nội, Bác kéo tôi ra đầu hồi nhà làm việc nơi có cây bàng che kín gió. Bác nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe:

“Chú là “gốc” lính thủy Pháp, chú có nhiều kinh nghiệm đi biển, đánh thắng thằng Mỹ này phải khác với đánh thắng thằng Pháp.

Chú đã có công quật ngã thằng Pháp dưới mặt biển, thì bây gi chú phải quật ngã tiếp thằng Mỹ xâm lược này nữa chứ, chú Phát. Nói rồi Bác cười. Tôi như nuốt từng lời của Bác.

Như được tiếp thêm sức mạnh, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ hải quân dốc hết tâm huyết của mình xây dựng lên một đoàn tàu không số, một con đường mòn trên biển bất chấp sóng gió, tàu chiến, máy bay bom đạn của Hạm đội 7 Mỹ.

Các con tàu không số cứ tiếp nối nhau vận chuyển vũ khí trang bị tiếp tế cho chiến trường miền Nam cho đến ngày Mỹ cút, ngụy nhào, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Món quà Bác Hồ tặng Tư lệnh Hải quân - Ảnh 4.

Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát (thứ 3 từ trái qua) trong buổi lễ tuyên dương công trạng các đơn vị lập chiến công, năm 1964. Ảnh Tư liệu.

Câu chuyện cũ in đậm trong tâm tưởng của tôi. Mỗi lần nhớ lại kỷ niệm không thể quên đó, tôi lại giở những trang nhật ký cũ ra xem lại, hồi tưởng lại những khuôn mặt của những cán bộ, chiến sĩ đã đi trên các chuyến tàu không số đã mãi mãi không trở về và tự hỏi mình có việc gì đó chưa làm đúng với vinh dự trách nhiệm của người lính Cụ Hồ”.

Bây giờ kỷ vật của vị tướng Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã trở thành hiện vật vô giá của Bảo tàng, mỗi khi chúng ta ngắm nhìn chiếc đồng hồ này, nghe câu chuyện của lớp cha anh, hẳn mỗi chúng ta sẽ có chung ý nghĩ của vị tư lệnh, có điều gì mình đã làm chưa xứng đáng với lớp người đi trước, phải cố gắng hơn nữa để xây dựng vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

[1] “Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - vị tướng tài trí”, NXB QĐND, 2007.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại