Mùa sứa thường kéo dài trong vòng 1 tháng, từ tháng 3 đến hết tháng 4. Hiện nay, sứa đang vào mùa nên các món ăn từ loại thực phẩm này cũng đang hút khách. Sứa là món ăn có nhiều dưỡng chất nên được nhiều người ưu chuộng, đặc biệt là món nộm sứa đỏ vô cùng hút khách.
Sứa đỏ còn được nhiều người ví như là "thần dược" của đại dương, được biết tới với nhiều tác dụng như thanh nhiệt, giảm ngứa, giảm cơn đau đầu. Sứa đỏ được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau, trong đó có món nộm sứa đỏ đang được nhiều người ưa chuộng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, món nộm sứa đỏ đang làm mưa làm gió thật ra không khó chế biến nhưng việc chuẩn bị nguyên liệu lại khá cầu kỳ và quy trình cũng tỉ mỉ, nhiều công đoạn.
"Sứa là động vật thủy sinh vẫn được người dân sử dụng từ lâu. Sứa là thực phẩm ăn khá ngon nhưng phải biết cách chế biến nếu không sẽ gây hại cho sức khỏe", PGS Thịnh nói.
Sứa tươi sau khi đánh bắt phải ngâm trong nước cây sú vẹt mới ăn được. Cây sú vẹt khi được giã ra sẽ có chất chát, dùng để ngâm sứa biển sẽ giúp sứa không bị tanh. Ngoài ra, ngâm sứa trong nước cây sú vẹt cũng giúp giảm được chất gây ra dị ứng trong sứa.
Sau khi khử mùi tanh, sứa đỏ sẽ được dùng làm nộm, ăn ghém với lá sung, lá mơ, đinh lăng, tía tô, kinh giới, húng quế, húng dũi, lá sắn, khế chua, chuối xanh, dứa, cùi dừa bánh tẻ… chấm với mắm tôm.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, sứa đỏ chứa hàm lượng protein cao kèm một số khoáng chất khác. Ăn sứa đỏ giúp bổ sung đạm cho cơ thể. Ngoài protein, sứa đỏ còn chứa nhiều nước, có thể giúp làm mát cơ thể.
Nộm sứa đỏ thường được ăn kèm với các loại rau thơm, giúp bổ sung được vitamin cho cơ thể.
Chuyên gia chỉ ra những lưu ý khi ăn sứa đỏ và nộm sứa đỏ
"Sứa đỏ là một món ăn ngon nhưng không tới mức được ca tụng như 'thần dược'. Khi sử dụng sứa đỏ, người dân cũng cần lưu ý tới nguy cơ dị ứng do trong sứa có chất gây dị ứng (ngứa, nổi mề đay). Đặc biệt, người có cơ địa dị ứng hoặc nhóm có cơ địa nhạy cảm như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai không nên ăn món ăn này", vị chuyên gia công nghệ thực phẩm lưu ý.
Ngoài ra, khi ăn nộm sứa đỏ ở ngoài hàng quán, mọi người cũng cần lưu ý tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc, dị ứng. Nộm sứa đỏ là món ăn sống, được ăn kèm cùng rau sống, mắm tôm do vậy có thể gây tiêu chảy.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo nếu chế biến sứa không đúng cách, không loại bỏ hết độc tố có trong sứa sẽ dẫn tới việc bị dị ứng, ngộ độc.
Độc tố của sứa thường nằm ở xúc tu, mỗi xúc tu có hàng triệu nematocys - tế bào châm, rất nhỏ và chứa chất độc. Những xúc tu này được sử dụng khi chúng bắt mồi hoặc tự vệ. Khi chạm phải những xúc tu này con người sẽ bị dị ứng.
Khi bị ngộ độc sứa biển, người bệnh sẽ cảm thấy nôn nao, khó chịu, nhức đầu, da tím tái, co giật và trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê.
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm do sứa biển, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng sứa biển tươi (chưa qua chế biến) làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, đặc biệt không sử dụng sứa (kể cả sứa đã qua chế biến) làm thức ăn cho trẻ em.
Người dân chỉ nên sử dụng sứa biển đã được chế biến đúng cách. Sứa tươi được chế biến đúng cách phải ngâm trong nước muối và phèn 3 lần. Khi thịt sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới có thể sử dụng để chế biến làm thức ăn.