Mối liên hệ bất ngờ giữa cà phê và huyết áp cao

Lam Chi |

Tác dụng của cà phê lên huyết áp vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Nguyên nhân là do caffeine có trong cà phê vốn được biết tới là có thể làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tác dụng này có thể được cải thiện nhờ các chất chống oxy hóa có trong cà phê sẽ giúp thư giãn mạch máu và bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do.

PGS.TS Arrigo F.G. Cicero (Khoa Khoa học Y tế và Phẫu thuật, Đại học Bologna - Ý) cùng các cộng sự của mình đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu về tác động của caffeine và các hợp chất khác có trong cà phê lên huyết áp.

Họ đã xem xét mức huyết áp của 720 nam giới và 783 phụ nữ tại Ý và thói quen uống cà phê của nhóm người này. Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiêu thụ 2 tách cà phê mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp.

Nói rõ hơn về hiệu quả này của cà phê, PGS Cicero cho biết uống cà phê mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp ngoại biên và trung tâm. Tăng huyết áp ngoại biên và trung tâm là dấu hiệu của xơ cứng động mạch và lão hóa.

Mối liên hệ bất ngờ giữa cà phê và huyết áp cao- Ảnh 1.

Cà phê có tác dụng giảm huyết áp (Ảnh minh họa)

Ở người lớn tuổi bị huyết áp cao, thành động mạch trở nên cứng và dày hơn khiến cho huyết áp tâm thu cao hơn và áp lực mạch đập lớn hơn.

Huyết áp tâm thu (chỉ số trên của chỉ số huyết áp) là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp, trong khi đó huyết áp tâm trương (chỉ số dưới của chỉ số huyết áp) là áp lực của máu lên động mạch khi tim giãn ra. Áp lực mạch đập là hiệu số giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Chỉ số này dùng để đo độ cứng của động mạch.

Nghiên cứu của PGS Cicero và các cộng sự được công bố trên Tạp chí Nutrients.

Vì sao cà phê lại giảm được huyết áp?

TS Megan K. Rhoads của Đại học Alabama (Mỹ) cho biết: “Cà phê có chứa caffeine, một chất có thể đồng thời làm tăng hoặc hạ huyết áp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, loại đồ uống này cũng chứa các chất chống oxy hóa và hợp chất có hoạt tính sinh học có tác dụng hạ huyết áp”.

TS Rhoads lấy ví dụ, axit chlorogenic trong cà phê đã được chứng minh có thể giảm huyết áp tâm thu ở chuột. “Khi được hệ vi sinh vật đường ruột xử lý, axit chlorogenic được phân hủy thành các chất chuyển hóa có thể làm tăng tác dụng sinh học của oxit nitric, từ đó giúp hạ huyết áp”, vị tiến sĩ giải thích. 

TS Debabrata Mukherjee của Trung tâm Khoa học Sức khỏe, Đại học Công nghệ Texas El Paso (Mỹ), giải thích thêm: “Mặc dù caffeine có thể làm tăng mức huyết áp (đặc biệt ở những người thường không có thói quen uống cà phê), nhưng lượng hợp chất có hoạt tính sinh học khác trong cà phê sẽ cân bằng tác dụng này, cuối cùng có thể giúp hạ huyết áp”.

TS Mukherjee cho rằng axit chlorogenic là hợp chất chính trong cà phê có tác dụng hạ huyết áp. Bên cạnh đó, quercetin cũng có thể mang lại tác dụng này.

Mối liên hệ bất ngờ giữa cà phê và huyết áp cao- Ảnh 2.

Cà phê có chứa nhiều hợp chất có tác dụng giảm huyết áp (Ảnh minh họa)

Người huyết áp cao có nên uống cà phê?

Tiến sĩ Jim Liu, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết mặc dù nghiên cứu này có quy mô nhỏ và tập trung vào một nhóm dân số cụ thể, nhưng những phát hiện của nghiên cứu lại nhất quán với các kết quả trước đây của nhiều nghiên cứu khác về cách cà phê ảnh hưởng đến huyết áp.

“Cà phê có thể làm tăng huyết áp cấp tính sau khi tiêu thụ, nhưng thực sự chưa có bằng chứng nhất quán nào cho thấy tiêu thụ lượng cà phê vừa phải sẽ dẫn đến các vấn đề lâu dài về huyết áp cao hoặc bệnh tim nói chung”, TS Liu lưu ý.

Do đó, TS Liu cho rằng những người mắc bệnh huyết áp cao nếu uống một lượng cà phê vừa phải có thể không có tác động tiêu cực tới huyết áp.

Qua nghiên cứu của mình, PGS Cicero cho hay: “Uống 2 tách cà phê mỗi ngày có hiệu quả tích cực trong việc giảm huyết áp”.

Còn TS Mukherjee cho biết mức tiêu thụ cà phê vừa phải tương đương khoảng 4-5 tách cà phê mỗi ngày. Tuy nhiên, mức uống này lại không được khuyến khích ở những người đang bị tăng huyết áp nặng.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ lưu ý mọi người nên tránh uống cà phê “quá nhiều” vì nó có khả năng làm tăng huyết áp, gây khó ngủ, tim đập nhanh và hồi hộp, lo lắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại