Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ dẫn tới việc ra đời Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), nhiều nước cộng hòa thành viên cấu thành Liên bang được thừa hưởng một lượng lớn vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự hiện đại.
Không quân Belarus khi đó đã tiếp quản 28 chiến đấu cơ Su-27 thuộc biên chế Trung đoàn không quân tiêm kích số 61 (Liên Xô cũ). Đến năm 2010 Belarus vẫn còn vận hành 22 chiếc Su-27 sau khi đã bán cho Angola từ 2 đến 3 máy bay trong năm 1998. Sang năm 2012, 17 chiếc Su-27P cùng 4 chiếc Su-27UBM1 được đưa vào dự trữ do thiếu kinh phí hoạt động.
Tiêm kích Su-27UBM1 số hiệu 63 của Không quân Belarus
Mặc dù đã bị loại biên nhưng theo đánh giá thì Su-27 của Belarus vẫn đảm bảo hệ số kỹ thuật cần thiết, khi được đại tu sửa chữa lớn hay thậm chí là nâng cấp giữa vòng đời chúng vẫn đủ khả năng phục vụ thêm 20 năm và sở hữu năng lực tác chiến tương đương tiêm kích thế hệ 4+.
"Láng giềng" của Belarus là Ukraine có thể xem như trường hợp tương tự, quốc gia Đông Âu này thừa hưởng hơn 70 tiêm kích Su-27 của Không quân Liên Xô, phần lớn chúng bị đưa vào kho bảo quản nhưng gần đây đã được mang ra nâng cấp để sẵn sàng triển khai khi tình hình chiến sự tại miền Đông trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên Belarus thì lại khác, lĩnh trọng trách bảo vệ bầu trời của họ đang là phi đội MiG-29BM, trong tương lai sẽ được thay thế bằng Su-30SM hiện đại. Do nằm trong Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) nên khó xảy ra việc Belarus phải "gọi tái ngũ" Su-27 dự trữ, số tiêm kích này thực sự là món hàng dư thừa mà họ rất muốn đẩy đi.
Su-27UBM1 số hiệu 63 tung cánh trên bầu trời
Giả sử bây giờ một quốc gia quen vận hành các dòng máy bay Sukhoi do Liên Xô sản xuất đứng trước nguy cơ chiến tranh, họ muốn nhanh chóng tăng cường tiềm lực không quân nhưng ngân sách lại khá hạn chế. Ngoài ra tiêm kích mới còn phải chờ lắp ráp, chưa thể giao hàng ngay, trong khi Nga không muốn bán Su-27 cũ để giữ thị phần của Su-30/35.
Trong trường hợp trên, giải pháp tối ưu có lẽ là hỏi mua Su-27 cũ đang được niêm cất bảo quản, lúc này Belarus sẽ là nguồn cung gần như duy nhất. Lý do là bởi Ukraine mặc dù có rất nhiều Su-27, đồng thời đủ năng lực sửa chữa lớn, nhưng Kiev lại đang rất cần những chiếc tiêm kích này để khôi phục sức mạnh không quân.
Su-27 secondhand của Belarus chắc chắn sẽ có giá rất rẻ khi so sánh với máy bay mới và sẽ còn "mềm" hơn nếu đối tác đặt mua lại có sẵn năng lực sửa chữa lớn. Khi đó họ sẽ mua gom Su-27 về rồi tự tiến hành đại tu (không cần nâng cấp), triển khai một phần vừa đủ so với nhu cầu còn lại làm lực lượng dự bị chiến lược.
Rõ ràng 21 chiếc Su-27 của Belarus chính là một "mỏ vàng" đang chờ được khai thác, đây là nguồn bổ sung cấp tốc cho không quân các quốc gia nghèo nhờ ưu điểm "chất lượng vượt tầm giá bán". Trong tương lai, có lẽ sớm muộn gì chúng cũng sẽ được quay trở lại bầu trời.