Mi-10RVK - Tổ hợp trực thăng-tên lửa bí mật của Liên Xô

Quang Huy |

Trong quá khứ, Liên Xô đã có ý tưởng sử dụng trực thăng vận tải siêu trọng Mi-10 làm phương tiện vận chuyển bệ phóng tên lửa hành trình nhằm nâng cao độ cơ động.

Quá trình phát triển của hệ thống trực thăng-tên lửa Mi-10RVK

Thiết bị phóng bằng trực thăng ZIL-135V (mã hiệu GRAU là 9P116) được thiết kế theo dự án bí mật từ ngày 5/2/1962. Phòng thiết kế ZIL chịu trách nhiệm chung và kết quả là họ đã chế tạo được 3 nguyên mẫu bệ phóng trực thăng. Sau khi lựa chọn phương án tối ưu, vào tháng 9/1962, nhà máy ZIL đã bắt tay sản xuất mẫu thử thứ nhất.

Để vận chuyển bệ phóng ZIL-135V, các công trình sư đã sử dụng hệ thống treo ngoài rất cứng của chiếc trực thăng siêu trọng Mi-10 (được biết đến như "chiếc cần cẩu bay"). Toàn bộ hệ thống (máy bay trực thăng và bệ phóng) được đặt tên là tổ hợp trực thăng-tên lửa Mi-10RVK (mã hiệu GRAU - 9K74).

Bệ phóng ZIL-135 đã hiện thực hoá những ý tưởng điên rồ về việc vận chuyển bí mật trên không một chiếc xe bánh hơi tới hậu phương của địch, hoặc nơi địa hình hiểm trở để thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa. Theo tính toán, khoảng cách từ nơi cất cánh của chiếc trực thăng tới điểm phóng tối đa là 270 km.

Mi-10RVK - Tổ hợp trực thăng-tên lửa bí mật của Liên Xô - Ảnh 1.

Bệ phóng 9P116

Nhà máy Dzerzinetz đảm nhận việc chế tạo và sản xuất thiết bị điện, sau đó lắp ráp thêm 3 bệ phóng. Lần đầu tiên trong thực tiễn sản xuất tại Liên Xô đã áp dụng bộ truyền chuyển động điện với 4 bánh xe - mô tơ và bộ giảm tốc do ZIL thiết kế.

Chiếc xe tự hành độc đáo này có hình vỏ tròn đồ sộ với đường kính 1,8 m được đặt trên 4 bánh xe kích thước 20 inch đồng trục và nạp sẵn một tên lửa hành trình S-5V (4K95) với chiều dài 10 m và nặng khoảng 4 tấn.

Trọng lượng rỗng của bệ phóng là gần 5,5 tấn và lên tới 12 tấn khi nạp tên lửa. Chiều cao từ mặt đất tới buồng lái trong lúc vận hành là 3,3 m. Thời gian triển khai chiến đấu chỉ mất 5 phút. Trọng lượng cất cánh của tổ hợp trực thăng-tên lửa là 44,6 tấn.

Buồng lái của Mi-10RVK khá rộng, đủ chỗ cho 2 người, được bọc sợi thủy tinh xung quanh. Hai bên hông và phía sau là động cơ, máy phát điện, bơm khí và các bình chứa nhiên. Để tiếp cận những khu vực này, hai bên hông của thùng xe được lắp đặt các thang treo và lưới sắt cứng.

Mi-10RVK - Tổ hợp trực thăng-tên lửa bí mật của Liên Xô - Ảnh 2.

Tổ hợp Mi-10RVK trong bảo tàng

Các bánh xe động cơ điện dẫn động DT-22 công suất 22 kW với hệ thống ép gió và bộ giảm tốc vệ tinh tiếp nhận dòng điện từ máy phát turbine khí GTD-350, do nhà máy Klimov tại Saint Peterburg chế tạo.

Động cơ này nguyên bản là của trực thăng Mi-2, trọng lượng rỗng của nó chỉ là 139,5 kg, chiều dài 1.350 mm và có công suất tối đa 316 mã lực.

Tất cả các bánh xe được nối với vỏ mà không cần hệ thống treo. Hai bánh trước là các bánh điều khiển lắp trên trục trùm, 2 bánh sau bố trí trên các thanh chống-nâng điều khiển bằng thuỷ lực để đưa bệ phóng vào trạng thái nghiêng khi sẵn sàng chiến đấu.

Bệ phóng 9P116 có thể tự di chuyển với vận tốc 18 - 40 km/h từ nơi hạ cánh và quay trở lại trực thăng sau khi hoàn thành nhiệm vụ phóng tên lửa, treo vào chiếc trực thăng rồi được đưa trở về nơi xuất phát.

Mi-10RVK - Tổ hợp trực thăng-tên lửa bí mật của Liên Xô - Ảnh 3.

Bệ phóng 9P116 trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Bệ phóng 9P116 khi chuyển trạng thái chiến đấu thì phần đuôi sẽ được nâng lên bằng kích thuỷ lực, nắp mở ra và sau đó quả tên lửa được phóng đi. Trong quá trình thử nghiệm diễn ra tại Faustov, 9P116 này đã thực hiện phóng vài quả tên lửa S-5V.

Liên Xô sau đó đã phát hiện ra hàng loạt khiếm khuyết của tổ hợp 9K74 như độ cản gió của chiếc trực thăng khi mang theo bệ phóng quá lớn, dẫn tới tầm bay ngắn hơn nhiều so với tính toán. Ngoài ra còn một nguyên nhân rất quan trọng khiến hệ thống này không được đưa vào biên chế là do tên lửa S-5V bị dừng sản xuất.

Ngày 11/11/1965, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã ra quyết định chấm dứt mọi hoạt động liên quan tới hệ thống này.

Mi-10RVK - Tổ hợp trực thăng-tên lửa bí mật của Liên Xô - Ảnh 4.

Bản vẽ kỹ thuật Mi-10RVK

Thông số kỹ thuật cơ bản của tổ hợp trực thăng-tên lửa Mi-10RVK

Đường kính cánh quạt chính: 35 m; Đường kính cánh quạt đuôi: 6,3 m; Chiều dài cơ sở: 32,86 m; Chiều cao: 7,8 m; Trọng lượng rỗng: 25.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa: 44.600 kg.

Loại động cơ: 2 động cơ turbine khí (Solovyev) D-25V công suất 4.045 kW mỗi chiếc, cho vận tốc tối đa 200 km/h, vận tốc trung bình 185 km/h.

Tầm hoạt động thực tế: 650 km; Bán kính hoạt động: 250 km; Trần bay tối đa: 3.000 m; Trần bay thực tế: 2.200 m; Tổ lái: 3 người.

Mi-10RVK - Tổ hợp trực thăng-tên lửa bí mật của Liên Xô - Ảnh 5.

Trực thăng Mi-10RVK đang cất cánh

Thông số kỹ thuật cơ bản của bệ phóng 9P116

Cấu hình: 4x4; Trọng lượng rỗng: 5,5 tấn; Trọng lượng khi mang tên lửa: 12 tấn; Chiều cao tới buồng lái khi vận chuyển: 3,3 m.

Bánh động cơ điện: DT-22 công suất 22 kW; Động cơ turbine khí: GTD-350 công suất 350 mã lực.

Vũ khí: tên lửa hành trình S-5V; Thời gian chuyển sang chế độ chiến đấu: 5 phút; Kíp chiến đấu: 2 người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại