Ảnh minh hoạ
Trẻ quấy khóc đêm – nỗi ám ảnh với phụ nữ sau sinh
Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý khác…). Đáng chú ý, trầm cảm sau sinh có tỷ lệ tái phát cao từ 25-68%.
Có tới 20% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cần phải can thiệp chuyên môn, nếu không có thể dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc.
Mới đây, TS Thu tiếp nhận điều trị cho trường hợp bệnh nhân H.T (28 tuổi), sinh con lần thứ 2 được 2 tháng và bị trầm cảm sau sinh. Bệnh nhân tâm sự với bác sĩ rằng trong đầu luôn nghe thấy tiếng khóc của con và không muốn nghe tiếng khóc ấy.
Nhưng rất may mắn, chị T đã bừng tỉnh và ngay sau đó chị tìm tới bác sĩ để được thăm khám. Khi chị T được kết luận trầm cảm, bác sĩ thông báo cho chồng chị nhưng anh lại khẳng định vợ bình thường, nhất quyết không cho vợ nằm viện điều trị.
TS Thu đang khám bệnh cho bệnh nhân trầm cảm.
Theo ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn – Trưởng đơn vị Tâm lý Lâm sàng – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ đã từng điều trị cho những bà mẹ trầm cảm sau sinh nặng và mất kiểm soát về hành vi, trong đó, có nhiều trường hợp mẹ quá stress vì con quấy khóc đêm và đã từng có những hành vi tự làm hại bản thân hoặc con mình.
TS Thu cho biết có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ trầm cảm sau sinh như: thay đổi nội tiết, thay đổi hormone, thay đổi về tâm lí, xã hội…. Tuy nhiên, có đến 122 nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh tình trạng con quấy khóc đêm có liên hệ mật thiết với tình trạng trầm cảm của người mẹ.
Trẻ quấy khóc đêm khiến cho phụ nữ căng thẳng nhiều hơn, là yếu tố thúc đẩy việc trầm cảm sau sinh bởi sau sinh, cơ thể người mẹ đã phải đối mặt với việc nồng độ estrogen và progesterone giảm đột ngột, khiến các bà mẹ nhạy cảm, dễ buồn phiền nhưng lại không được nghỉ ngơi.
Thêm vào đó là những áp lực khi chăm sóc con và việc không được chia sẻ việc chăm sóc trẻ khiến bà mẹ không được ngủ đủ, mệt mỏi kéo dài dẫn tới cơ thể suy nhược, rối loạn tâm trạng, trầm cảm.
Để giúp cho trẻ có giấc ngủ ngon
Bác sĩ Châu Tố Uyên – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khắc phục vấn đề con quấy khóc đêm cũng là một biện pháp hạn chế tình trạng trầm cảm sau sinh cho bà mẹ.
Đối với trẻ sơ sinh, 70% thời gian để ngủ và cần ngủ tổng cộng 10 đến 21 giờ mỗi ngày. Trẻ có thể khóc vì nhiều lý do như: chưa quen với môi trường ngoài bụng mẹ, do có những cơn co thắt nhu động ruột, do bất an về tinh thần…. Nhưng nhiều mẹ cứ khi thấy bé khóc là cho bú, không cần biết trẻ khóc vì lý do gì. Khi mẹ ép trẻ bú sẽ không giải quyết được nhu cầu của trẻ khiến trẻ càng khóc lớn và mẹ càng mệt mỏi, mất ngủ, stress hơn.
Để trẻ có giấc ngủ ngon, nên cho bé nghe nhạc thư giãn, massage cho bé... Nếu thấy trẻ quấy khóc nhiều và kèm theo các biểu hiện bất thường như tím tái, khó thở…, gia đình nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe cho trẻ.
Về phía người mẹ, các chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên, cần ngủ đủ giấc và dành thời gian chăm sóc bản thân, cần có những bài tập phù hợp giúp lấy lại được vóc dáng, sự tự tin. Sau sinh, phụ nữ cũng cần bước ra bên ngoài, hít thở không khí, tương tác với thế giới xung quanh.
Bên cạnh đó, gia đình cần chia sẻ, chăm sóc em bé cùng bà mẹ. Nếu thấy người mẹ có dấu hiệu trầm cảm (mệt mỏi, buồn phiền, chán ăn, mất ngủ) thì cần được khám sớm tại các chuyên khoa tâm lý hoặc sức khỏe tâm thần.