PGĐ BV K chỉ ra hai đặc tính quan trọng của ung thư và 'cánh cửa mới' trong điều trị

Ngọc Minh |

Theo các chuyên gia, liệu pháp miễn dịch là 'cánh cửa mới' trong điều trị ung thư cá thể hoá.

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K. Ảnh: N.M

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K. Ảnh: N.M

Cá thể hóa trong điều trị ung thư

Tại Hội thảo Ung thư Quốc gia "Ung thư và miễn dịch" được tổ chức trong 2 ngày 29 và 30/09, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Nội soi Robot, Trưởng Khoa Ngoại bụng I, cho biết ung thư vẫn đang là căn bệnh thách thức với toàn nhân loại. Khi tìm hiểu và nghiên cứu về ung thư, chúng ta thấy còn rất nhiều thách thức phải vượt qua, PGS nhấn mạnh.

Ung thư là căn bệnh có thể cần tới điều trị đa mô thức, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, liệu pháp miễn dịch. Trong đó, liệu pháp miễn dịch là liệu pháp điều trị có rất nhiều triển vọng trong tương lai. Hiểu biết về cơ chế miễn dịch trong điều trị ung thư giúp cho thầy thuốc cá biệt hoá bản chất đột biết gen, thay đổi ức chế, dấu ấn miễn dịch.

"Miễn dịch mở ra một cánh cửa mới cá thể hoá trong điều trị ung thư. Bệnh viện K đang ứng dụng liệu pháp miễn dịch trong ung thư vú, đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư liên quan tới hệ thần kinh và ung thư ở trẻ nhỏ… bước đầu đã có những kết quả rất khả quan", PGS Bình nói.

Điển hình đó là trường hợp bệnh nhân ung thư tên L - một phụ nữ trẻ mang thai đã sẵn sàng hy sinh bản thân để giữ con. Cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng của bệnh nhân L, các bác sĩ đã cố gắng kết hợp nhiều phương pháp cho bệnh nhân như xạ trị, hoá chất… Đặc biệt, liệu pháp miễn dịch đã được áp dụng cho bệnh nhân.

"Rất may mắn bệnh nhân đã sinh con khoẻ mạnh, người mẹ được điều trị đa mô thức đến nay vẫn sống khoẻ mạnh. Vào mỗi dịp 27/7, chúng tôi vẫn nhận được những lời chúc của 2 mẹ con bệnh nhân đó. Đây thực sự là món quà vô gia và cũng là bằng chứng trong việc điều trị cá thể hoá ung thư, điều trị miễn dịch", bác sĩ Bình chia sẻ.

PGĐ BV K chỉ ra hai đặc tính quan trọng của ung thư và cánh cửa mới trong điều trị - Ảnh 1.

Hội thảo "Ung thư và miễn dịch" thu hút nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài. Ảnh: N.M

Hai đặc tính quan trọng của ung thư

PGS Bình cho biết thêm hai đặc tính quan trọng nhất của ung thư là tái phát và di căn. Sự phát triển của tế bào ung thư là sự nhân lên vô độ, không kiểm soát được của một nhóm tế bào. Để hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp xạ trị, phẫu thuật (lấy tối đa tế bào ung thư)…

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư giúp chống lại cơ chế này của khối u bằng cách đánh dấu tế bào ung thư, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra và tấn công các tế bào ung thư; từ đó, làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn tế bào ung thư lan rộng sang các cơ quan khác trong cơ thể và cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.

Phó giám đốc Bệnh viện K khẳng định: "Ung thư là điều trị đa mô thức, sự kết hợp của nhiều phương pháp mới đem lại hiệu quả tối ưu. Một phương pháp nếu đứng riêng lẻ, dù có đi tới đỉnh cao nhất của khoa học cũng khó đạt được hiệu quả tối ưu trong điều trị ung thư".

Đối với bệnh nhân ung thư, muốn điều trị hiệu quả thì không chỉ cần thuốc mà còn phải kết hợp nhiều yếu tố như dinh dưỡng, tinh thần. Thậm chí có những nghiên cứu chỉ ra tình cảm gia đình, tinh thần tốt giúp bệnh nhân tăng miễn dịch nội sinh trong cơ thể.

Cũng theo PGS Bình, 60% các loại ung thư có thể can thiệp. Theo ước tính của WHO, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 18 triệu trường hợp mắc mới ung thư. Trong đó, 1/3 số người nếu biết phòng bệnh sẽ không bị mắc ung thư, 1/3 bệnh nhân phát hiện ung thư sớm có thể điều trị khỏi, 1/3 số bệnh nhân ung thư ở giai đoạn tiến triển.

Tại Việt Nam, năm 2018 có 165.000 trường hợp mắc ung thư mới, đến năm 2020 ghi nhận 182.000 người mắc và 122.690 trường hợp tử vong. Hiện nay, Việt Nam có hơn 300.000 người đang sống chung với ung thư. Xu hướng mắc ung thư không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới.

Theo PGS Bình, tại Việt Nam, mô hình bệnh tật nói chung và ung thư nói riêng có nhiều nét khác so với nước ngoài. Ví dụ, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung ở các nước Âu Mỹ rất thấp; tỷ lệ tại Việt Nam và các nước Châu Á cao hơn. Đối với ung thư đại trực tràng, tỷ lệ ở các nước Âu Mỹ cao hơn ở Việt Nam…

Để phòng ngừa ung thư, các chuyên gia khuyên người dân cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động, có chế độ ăn cân đối, tránh xa những thực phẩm có ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ. Người dân cần tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, mọi người cần đi khám sớm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại