Máy tính phát nổ, bé 8 tuổi bỏng nặng

Ngọc Minh |

Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, mới tiếp nhận trường hợp bệnh nhi L.N.M (8 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị bỏng do máy tính xách tay phát nổ khi đang sử dụng.

Nổ máy tính (ảnh minh họa tạo bởi AI)

Nổ máy tính (ảnh minh họa tạo bởi AI)

Ngay sau khi xảy ra vụ nổ, bé M đã được sơ cứu tại trung tâm y tế huyện và được chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Bệnh nhi được xác định bị bỏng độ 3 vùng mặt, ngực và bàn tay 2 bên, vết bỏng có dấu hiệu nhiễm trùng.

Trong quá trình điều trị vùng bỏng, ngực và tay trái sưng nề nhiều, tiết dịch thấm băng, môi trẻ sưng nề nhiều hơn, ăn uống kém, tiên lượng tình trạng bệnh nhi có thể diễn biến nặng hơn. Bé được chuyển tuyến trung ương để điều trị.

Bác sỹ CKI Nguyễn Văn Lâm, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, bé M bị bỏng nặng có dấu hiệu nhiễm trùng nên đã được các bác sĩ chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Lâm, trong những năm gần đây, Khoa ngoại đã tiếp nhận điều trị cho hàng trăm trẻ bị bỏng do các nguyên nhân như bỏng do nổ sạc pin điện thoại, nổ sạc laptop; bỏng do điện; hoá chất; lửa; nước sôi hay bỏng do nổ bóng bay bơm khí Hydro.

Đa số trường hợp trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ. Nhiều trường hợp trẻ bị bỏng tới 20% diện tích cơ thể, vết bỏng sâu làm biến dạng chi thể (co quắp tay, chân thậm chí làm hoại tử xương), không chỉ để lại di chứng nguy hiểm về thể chất có thể khiến trẻ tàn phế suốt đời mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ sau này.

"Trong thời đại công nghệ hiện nay, laptop hay điện thoại thông minh đã trở thành công cụ học tập, giải trí không thể thiếu. Nhiều gia đình cho trẻ tiếp xúc với những thiết bị điện tử này từ rất sớm nhưng không lường trước được nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra. Đã có rất nhiều trẻ bị bỏng nặng do điện thoại phát nổ khi vừa sạc pin vừa sử dụng gây thương tích nghiêm trọng như dập nát bàn tay, mù mắt...", bác sĩ Lâm nói.

Máy tính phát nổ, bé 8 tuổi bỏng nặng- Ảnh 1.

Bệnh nhi bị bỏng do nổ máy tính.

Đề phòng ngừa bỏng, bác sĩ lưu ý:

- Không cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện...

- Các lọ đựng hóa chất công nghiệp như axit cần dán nhãn cất vào tủ có khóa, để xa tầm tay trẻ em.

- Không để dụng cụ đựng nước nóng, đồ vật nóng trong tầm tay của trẻ hoặc trên đường đi lại của trẻ, ví dụ như nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống bô xe máy...

- Khi bưng bê nước nóng, thức ăn mới nấu,... cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng.

- Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống.

- Không để trẻ tự tắm dưới vòi nước nóng lạnh. Nhiệt độ nước dùng để tắm rửa cũng phải cần kiểm tra cẩn thận, nhất là nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời.

- Luôn cất giữ các chất dễ gây cháy, bỏng vào tủ có khóa hoặc để ở những nơi ngoài tầm tay của trẻ em.

- Phải sử dụng phích nước sôi an toàn, vỏ phích đựng nước sôi được làm bằng nhựa, có nắp xoáy, để trong hộp gỗ. Đối với trẻ lớn phải giúp đỡ bố mẹ nấu ăn hàng ngày, cần hướng dẫn trẻ thao tác nấu ăn an toàn như quay cán xoong, nồi, chảo vào phía bên trong; bê xoong, nồi đang nấu ăn bằng tấm lót tay; không để quần áo gần ngọn lửa...

- Không được để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, nến, bếp lửa đang đun nấu và các vật dễ cháy, nổ như xăng, ga, cồn, hoá chất... Nên cất kín các bao diêm, bật lửa, tắt các nguồn điện không an toàn; xếp các chai dầu, xăng vào tủ kín có khóa.

- Cần thường xuyên để ý đến trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ và khi chăm sóc trẻ nhỏ, không được vừa bồng bế trẻ vừa ăn các thức ăn, đồ uống nóng hoặc bưng bê các loại thức ăn, đồ uống nóng.

Đối với các thiết bị điện tử như điện thoại hay laptop, khi dùng cần có sự giám sát của người lớn. Không nên vừa sử dụng vừa sạc pin, nơi sạc pin cần cách xa người cũng như vật liệu dễ cháy và không nên sử dụng thiết bị đã quá cũ, có nguy cơ cháy nổ cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại