Máy sục ozone có thực sự giúp loại bỏ hoàn toàn hóa chất tồn dư trong thực phẩm?

Như Loan |

Với mong muốn đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, nhiều bà nội trợ tìm mua máy sục ozone để loại bỏ hoàn toàn hóa chất tồn dư trong thực phẩm.

Thấy mạng xã hội quảng cáo máy sục ozone giúp loại bỏ chất độc hại ra khỏi thực phẩm, là người thận trọng lựa chọn thực phẩm nên chị Phạm Thanh Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tìm cách đặt mua. Mua về, chứng kiến chậu hoa quả, thịt nổi váng, sủi bọt chị càng tin việc lựa chọn máy sục ozone là sáng suốt. Độc tố trong rau, hoa quả, thịt sẽ bị tống hết ra ngoài, sức khỏe cả gia đình sẽ được bảo vệ. Chị thậm chí còn đặt mua thêm máy tặng bên nội bên ngoại.

Chị Nguyễn Ngọc Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng được người quen giới thiệu về công dụng của máy ozone. Không chần chừ, chị “tậu” ngay một chiếc với hy vọng thực phẩm sạch sẽ trước khi được đưa vào cơ thể. Từ đó tới nay, máy sục ozone gần như trở thành công cụ quen thuộc được sử dụng hằng ngày trong căn bếp của gia đình chị.

Không chỉ chị Hà, chị Trang mà hiện nay thiết bị trên gần như có mặt ở hầu hết gia đình, nhất là khi thông tin về nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang hiện hữu khắp nơi.

Trên thị trường các loại máy này vẫn được bày bán và quảng cáo trên các trang mạng như chiếc máy "vạn năng". Chúng được quảng cáo là máy khử độc thực phẩm kèm nội dụng có thể giúp giải quyết triệt để dư lượng hóa chất, kim loại nặng và trứng giun sán, ấu trùng bám trên rau, kẽ rau củ.

Máy sục ozone có thực sự giúp loại bỏ hoàn toàn hóa chất tồn dư trong thực phẩm? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định máy sục có thể giúp loại bỏ các hóa chất bảo vệ còn tồn dư trong thực phẩm. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khi sử dụng các loại máy khử độc, sục thực phẩm. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, thực tế chúng ta chỉ cần rửa sạch rau thịt là ăn được, không cần phải sục. Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định khử ozone có thể giúp loại bỏ hoàn toàn các hóa chất bảo vệ còn tồn dư trong thực phẩm.

Ông Thịnh nói, nhiều công ty sản xuất một số loại máy phát ra ozone hoặc máy phát ra ion âm. Khi ozone vào trong nước sẽ tách oxy giúp tiêu diệt vi khuẩn, nhưng không diệt được trứng giun, trứng sán. Vì vậy không phải cái gì máy ozone cũng diệt được.

Cách tốt nhất, đơn giản, hiệu quả hơn nhiều lại không mất tiền là rửa thực phẩm nhiều lần bằng nước sạch. “Rửa với nước sạch nếu có thuốc trừ sâu cũng sẽ bị hoà tan, trứng giun, trứng sán, đất cát cũng bị phân tán. Rửa bằng nước và rửa nhiều lần, cuối cùng là rửa trực tiếp thực phẩm dưới vòi nước chảy, hoá chất hay bụi bẩn bám trên bề mặt thực phẩm sẽ được làm sạch” - PGS Thịnh nói.

Đối với thịt cá, nếu người nuôi cho ăn các chất tăng trọng, sinh trưởng mà những chất này ngấm vào từng thớ thịt, cá thì không bao giờ có thể làm sạch được. Thịt cá mua ở siêu thị về vẫn cần ngâm, rửa 2- 3 nước để làm sạch bề mặt và chất bẩn bên trong rồi mới đem chế biến. Cách tốt nhất để có thực phẩm an toàn là các nhà sản xuất nên áp dụng mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch, việc sử dụng công cụ rửa, khử chỉ là giải pháp tình thế.

Chuyên gia cũng lưu ý, các bà nội trợ khi mua sắm thực phẩm hãy dùng chính kinh nghiệm, sự tinh tế để quan sát và nhận biết thực phẩm nào nên mua, thức ăn nào nên tránh. Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, việc các nhà sản xuất giới thiệu máy sục có chức năng tiêu diệt sạch độc tố, hoá chất tồn dư trong thực phẩm chỉ là những nội dung mang tính chất tuyên truyền để quảng cáo bán sản phẩm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại