Hôm 5/1, quân đội Indonesia cho biết các tàu Trung Quốc vẫn ở trong khu vực bất chấp sự phản đối ngoại giao. Tờ Jakarta Post đưa tin các tàu cá đi cùng tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc được nhìn thấy đánh bắt cách quần đảo Natuna khoảng 200 km.
Hai tàu chiến của Indonesia được triển khai để yêu cầu các tàu này rời khu vực nhưng các quan chức Trung Quốc cho rằng các tàu trên đang thực hiện "hoạt động thường lệ" ở biển Đông.
Hồi tuần trước, Indonesia đã có nhiều động thái phản đối sự "xâm phạm bất hợp pháp" của Trung Quốc trong vùng lãnh hải nước này, bên cạnh đó tuyên bố hai mẫu máy bay không người lái sẽ được thử nghiệm rộng rãi trong suốt năm 2020.
Theo các quan chức tại Công ty hàng không vũ trụ Indonesia PT Dirgantara, phiên bản cuối cùng sẽ được trang bị vũ khí, gồm khả năng mang theo tên lửa không đối đất và có thể hoạt động trong hơn 24 giờ liên tục.
Ông Evan A. Laksmana, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về các vấn đề quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta, cho biết: "Từ năm 2016 đến nay, đã có một số vụ việc quy mô nhỏ xảy ra giữa hai nước nhưng sự việc vừa rồi leo thang hơn so với những năm trước".
Ông Laksmana cho hay việc nhà sản xuất vũ khí Indonesia PT Dirgantara tung ra nguyên mẫu máy bay không người lái không phải là hành động phản ứng đối với sự cố mới nhất bởi nó đã được lên kế hoạch trong nhiều tuần.
Theo chuyên gia này, phía Indonesia đã gửi các công hàm phản đối ngoại giao, triệu tập các đại sứ Trung Quốc và các cơ quan hàng hải Indonesia nỗ lực thúc đẩy Bộ Ngoại giao có hành động cứng rắn hơn nhưng đến nay vẫn chưa có động thái mạnh mẽ nào.
Các quan chức cho biết ngoài nhiệm vụ theo dõi các vụ cháy rừng, buôn lậu và cướp biển, máy bay không người lái còn được sử dụng trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Indonesia.
Mặc dù Trung Quốc được xem là một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, Jakarta vẫn cảnh giác Bắc Kinh về những nỗ lực kiểm soát vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, nơi có trữ lượng dầu khí và hải sản dồi dào.
Tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc được nhìn thấy trên biển Đông. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, ông Yohanes Sulaiman, một nhà phân tích quân sự và giảng viên đại học tại Indonesia, hoài nghi việc Indonesia giới thiệu máy bay không người lái được sản xuất trong nước giữa lúc quân đội nước này muốn mua máy bay không người lái CH-4 Rainbow do Trung Quốc sản xuất.
"Chúng tôi phải mất nhiều năm nữa mới có thể vận hành máy bay không người lái của mình. Phiên bản của Mỹ thì rất đắt tiền và người Mỹ không hối lộ hay thực hiện những thỏa thuận mờ ám. Trong khi đó, Trung Quốc lại bán với giá rẻ" – chuyên gia này nói.