Soi dàn máy bay trên tàu sân bay mới nhất của TQ chuyên "bám sát" Biển Đông

Minh Thu |

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc được nhận định sẽ chuyên hoạt động ở Biển Đông, có khả năng mang theo nhiều loại máy bay như "Cá mập bay" J-15 hay trực thăng vận tải Z-18.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tàu sân bay thứ hai nhưng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc mang tên Sơn Đông đã chính thức được biên chế vào lực lượng hải quân Trung Quốc vào ngày 17/12. Sự kiện này đánh dấu Trung Quốc trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới hiện sở hữu hơn một chiếc tàu sân bay.

Soi dàn máy bay trên tàu sân bay mới nhất của TQ chuyên bám sát Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu sân bay nội địa Sơn Đông của Trung Quốc chính thức gia nhập lực lượng hải quân vào ngày 17/12. (Ảnh: SCMP)

Mặc dù, Trung Quốc vẫn bị đánh giá tụt hậu về công nghệ so với Mỹ, nhưng sự xuất hiện của tàu Sơn Đông cùng tàu sân bay Liêu Ninh đang đóng vai trò quan trọng đối với chương trình phát triển lực lượng hải quân và giúp Bắc Kinh triển khai các sứ mệnh dài ngày ở nước ngoài trong tương lai.

Theo tạp chí Naval and Merchant Ships, tàu sân bay Sơn Đông có khả năng mang theo nhiều loại máy bay như tiêm kích J-15 hay trực thăng vận tải Z-18.

Tiêm kích J-15

Thẩm Dương J-15 hay còn gọi là Flying Shark (Cá mập bay) là chiến đấu thế hệ thứ 4, 2 động cơ và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết được Viện Hải quân 601 và Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương cùng phát triển.

Tiêm kích J-15 được phát triển dựa trên mẫu tiêm kích J-11B kết hợp với một số yếu tố của tiêm kích trên hạm Su-33 do Liên Xô chế tạo. J-15 có trọng lượng cất cánh tối đa là 33 tấn. J-15 trở thành tiêm kích trên hạm nặng nhất thế giới và là chiến đấu cơ duy nhất của Trung Quốc có thể hoạt động trên tàu sân bay.

Chính trọng lượng nặng nề của J-15 là một trong những lý do khiến Trung Quốc thúc đẩy phát triển máy phóng điện từ thay vì máy phóng hơi nước trên tàu sân bay thứ 3 đang được nước này đóng mới.

Trực thăng vận tải Z-18

Z-18 là trực thăng vận tải quân sự thế hệ mới và được Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Changhe chế tạo dựa trên mẫu trực thăng dân sự Avbest AC313.

Soi dàn máy bay trên tàu sân bay mới nhất của TQ chuyên bám sát Biển Đông - Ảnh 2.

Trực thăng Z-18. (Ảnh: Weibo)

Trực thăng Z-18 được phát triển để thay thế cho Z-8, phiên bản sản xuất tại Trung Quốc của mẫu trực thăng Aerospatiale Super Frelon từ Pháp.

Ngoài Z-18 dùng cho nhiệm vụ vận tải, một biến thể khác là Z-18F Sea Eagle được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống ngầm. Phiên bản này được trang bị ngư lôi chống ngầm Yu-7K và thực hiện sứ mệnh tấn công chống chiến hạm mặt nước bằng tên lửa chống hạm YJ-9.

Ngoài ra, một vài phiên bản khác của Z-18 cũng đang được phát triển để làm nhiệm vụ cảnh báo sớm và trinh sát.

Trực thăng cảnh báo sớm Ka-31

Kamov Ka-31 mà NATO gọi là Helix là loại trực thăng được phát triển cho lực lượng hải quân Liên Xô. Ka-31 đang được quân đội Nga , Trung Quốc và Ấn Độ sử dụng.

Soi dàn máy bay trên tàu sân bay mới nhất của TQ chuyên bám sát Biển Đông - Ảnh 3.

Trực thăng Ka-31. (Ảnh: Wikipedia)

Trong đó, Ka-31 được phát triển dựa trên mẫu Ka-27 nhưng được cải tiến với những thay đổi lớn gồm một ăng ten radar cảnh báo sớm có thể gập lại ở dưới bụng, hệ thống cảm biến dưới mũi được gỡ bỏ, bộ bánh đáp của trực thăng có thể rút gọn lại để không ảnh hưởng đến radar khi quay.

Trực thăng Z-9C

Z-9 được tập đoàn Cáp Nhĩ Tân sản xuất là một trực thăng đa nhiệm có thể dùng cho quân sự và dân sự. Z-9 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1981 và được chế tạo tại Trung Quốc từ những linh kiện do nhà sản xuất hàng không vũ trụ Aerospatiale của Pháp cung cấp.

Soi dàn máy bay trên tàu sân bay mới nhất của TQ chuyên bám sát Biển Đông - Ảnh 4.

Trực thăng Z-9C. (Ảnh: Wikipedia)

Sau nhiều năm nâng cấp và phát triển, phiên bản Z-9C dùng cho lực lượng hải quân Trung Quốc được giới thiệu vào năm 1990. Nó được thiết kế cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, trinh sát và tác chiến chống ngầm. Z-9C có thể trang bị radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước băng tần X KLC-1 nhằm phát hiện các mục tiêu mặt nước nằm ngoài phạm vi tìm kiếm của các radar trên tàu.

Trước đó, hôm 18/12, truyền thông Trung Quốc đưa tin, không giống như tàu sân bay Liêu Ninh chuyên phục vụ công tác huấn luyện, tàu sân bay Sơn Đông sẽ được dùng trong chiến đấu và trực tiếp đối mặt với các tàu nước ngoài.

“Mục tiêu chiến lược của tàu sân bay Sơn Đông là các vùng biển quanh Biển Đông. Gần đây, các máy bay và tàu chiến nước ngoài đã thực hiện cái gọi là ' tự do hàng hải ở Biển Đông ' khiến tình hình thêm rắc rối và ảnh hưởng tới chủ quyền của Trung Quốc.

Nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu sẽ được triển khai tới Biển Đông. Con tàu này rất có thể sẽ 'mặt đối mặt' va chạm với các tàu chiến nước ngoài”, bài bình luận được đăng trên tài khoản mạng xã hội của tờ People’s Daily.

Dù bài bình luận của People’s Daily không nói đích danh tàu chiến và máy bay quân sự nước ngoài, nhưng trong những năm qua, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng cáo buộc Mỹ xâm phạm lãnh hải và khuấy động căng thẳng bằng cách điều động tàu chiến và máy bay tới Biển Đông.

Tuy nhiên, Mỹ khẳng định hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông là nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược. Washington cũng cáo buộc Bắc Kinh tiến hành cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trên Biển Đông cũng như quân sự hóa trên những thực thể này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại