Chết trên đỉnh hoàng kim: Vì sao Mỹ khai tử F-117A khi đối thủ chưa hề có máy bay tàng hình?

Trịnh Ngọc Tiến |

Tại sao không quân Mỹ lại loại biên F-117A khi nó vẫn trong thời kỳ hoàng kim? Điều này gây nên sự tranh cãi ngay cả trong Quốc hội Mỹ.

Với tất cả ưu điểm vượt trội, F-22 đã buộc F-117A, một thời từng thống trị bầu trời, trở nên hoàn toàn lạc hậu. Vì vậy, việc loại F-117A ra khỏi biên chế là điều không thể tránh khỏi.

Máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới

F-117A Chim ưng đêm (Nighthawk) là loại máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới, có hình dáng hết sức đặc biệt, máy bay được thiết kế hình dạng phi khí động học để phản xạ sóng radar sang các hướng khác.

Tuy nhiên, để đạt được tính năng tàng hình, F-117A phải hy sinh nhiều tính năng khác như tốc độ, khả năng cơ động và tải trọng. Những tính năng này của F-117 rất kém.

Ký hiệu "F-" của F-117A không được giải thích chính thức. Dường như nó sử dụng dãy định danh máy bay chiến đấu của Không lực Mỹ nhưng đây là loại máy bay hoàn toàn không có khả năng không chiến.

Chết trên đỉnh hoàng kim: Vì sao Mỹ khai tử F-117A khi đối thủ chưa hề có máy bay tàng hình? - Ảnh 1.

Một chiến F-117A đang thực hiện tiếp dầu trên không từ máy bay KC-130

Trên thực tế, F-117A là loại máy bay ném bom hạng nhẹ, khoang bom có thể mang tối đa 2 quả bom hạng nhẹ và có thể phá hủy tối đa 2 mục tiêu. Như vậy, khả năng chiến đấu của loại máy bay này quá yếu.

Khả năng tàng hình của F-117A sử dụng cấu trúc đa diện, khúc xạ tất cả các sóng radar sang nơi khác; ngoài ra, tính năng tàng hình được bổ sung bằng lớp sơn có tính năng hấp thụ sóng radar.

Hiệu ứng tàng hình của F-117A khá mạnh, diện tích phản xạ hiệu dụng sóng radar (RCS) của F-117A chỉ là 0,025 m2, tương đương với mức độ phản xạ của một con quạ.

Khả năng tàng hình hồng ngoại của F-117A thậm chí còn ấn tượng hơn, ví dụ vòi phun phản lực của F-117A không nhìn thấy bất kỳ sự bộc lộ khói hay lửa nào trong khi F-117A đang bay

Không chỉ có khả năng tàng hình, F-117A còn tận dụng bóng đêm để tránh quan sát bằng mắt và các phương tiện quang học thông thường, do vậy F-117A chỉ thường xuyên hoạt động vào ban đêm.

Tuy nhiên, ngoài khả năng tàng hình, hiệu suất khác của F117 về cơ bản là rất hạn chế. Trước hết, nó có cấu trúc tàng hình đa diện, hoàn toàn đi ngược kết cấu khí động học, do vậy tốc độ tối đa của F-117A chỉ là Mach 0,9, tốc độ bay thấp, khả năng cơ động kém, bay không ổn định và điều khiển phức tạp.

Mặc dù có những phần mềm chuyên biệt để giúp máy bay có thể bay được nhưng không quân Mỹ chỉ sử dụng nó là loại máy bay ném bom hạng nhẹ.

Một thời thống trị bầu trời

Mục tiêu tiến công của F-117A là những mục tiêu quan trọng, được lựa chọn kỹ càng như các sở chỉ huy, căn cứ phòng không của đối phương. Các cuộc tấn công vào các mục tiêu quan trọng như trung tâm chỉ huy, sân bay quân sự đã đạt được kết quả đáng kinh ngạc.

Năm 1991, Mỹ và liên quân đã phát động chiến dịch quân sự "Bão táp sa mạc" ở Iraq, những chiếc F-117A liên tục xuất kích, tiến công vào các sở chỉ huy, trung tâm đầu não của Iraq, mà radar của quân đội Iraq thậm chí không thể phát hiện được tín hiệu của những kẻ giết người trên không này.

F-117A đã tham gia vào cuộc xâm lược Panama, Chiến tranh vùng Vịnh, chiến dịch “Cáo sa mạc”, Chiến tranh Kosovo, Chiến tranh Afghanistan và Chiến tranh Iraq; kỷ lục này là khá tuyệt vời, đủ để chứng minh tính hiệu quả của F-117A, những kết quả chiến đấu này đạt được bởi khả năng tàng hình của nó.

Tuy nhiên, do F-117A là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới và khi nó mới ra đời, các quốc gia khác chưa có kinh nghiệm đối phó với loại máy bay này, do vậy F-117A đã sử dụng khả năng tàng hình của mình để “làm mưa, làm gió” trong 26 năm.

Trong thời gian này, về cơ bản F-117A không có đối thủ. Không quân Mỹ chỉ bị bắn rơi một chiếc F-117A khi tham chiến ở Nam Tư năm 1999.

Chết trên đỉnh hoàng kim: Vì sao Mỹ khai tử F-117A khi đối thủ chưa hề có máy bay tàng hình? - Ảnh 2.

F-117A đang thực hiện tiến công mục tiêu bằng bom dẫn đường

Sau nhiều cuộc chiến có sự tham gia của F-117A, loại máy bay này đã được các quốc gia (nhất là Nga, Trung Quốc và Iran) nghiên cứu kỹ lưỡng. Với những quốc gia có khả năng phòng không mạnh, F-117A không thể “tự do” ra vào không phận như trên bầu trời Iraq trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Điều này đã được minh chứng trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999, một chiếc F-117 đã bị bắn hạ chỉ ba ngày sau khi bắt đầu các vụ ném bom xuống Nam Tư vào ngày 27 tháng 3 năm 1999 gần làng Budanovci bằng hệ thống phòng không của Liên Xô sản xuất vào đầu thập niên 1960.

Mặc dù có “thành tích” đáng nể nhưng trên thực tế, F-117A chỉ tham chiến với những quốc gia có hệ thống phòng không lạc hậu, cộng với những quốc gia này chưa có cách đối phó với các máy bay chiến đấu tàng hình.

Điều quan trọng nữa là F-117A đều chiến đấu trong điều kiện các hệ thống phòng không của đối phương bị chế áp mạnh và việc tổn thất mất 1 máy bay/10.000 chuyến bay của F117 thì hiệu suất này chưa phải là cao.

Bước quyết định loại F-117A ra khỏi biên chế

Nói một cách công bằng, F-117A loại biên không phải là quá sớm, nó đã phục vụ trong không quân Mỹ từ năm 1982 đến 2008, tổng cộng là 26 năm. Nếu F-117A được sản xuất hàng loạt theo lô, tuổi thọ của máy bay sẽ không cần phải nâng cấp cho đến khi gần loại khỏi biên chế.

Khi chưa có F-22 Raptor, không quân Mỹ đã sử dụng F-117A để tấn công một số mục tiêu quan trọng với hệ số đe dọa cao.

Nhưng khi đưa F-22 vào biên chế, khả năng chiến đấu của F-22 vượt trội hơn nhiều lần khi so với F-117A như tốc độ hành trình siêu thanh của F-22 đạt Mach 1.87, gấp đôi tốc độ tối đa của F-117A, cũng như khả năng quan sát chiến trường mà F-117A không thể đạt được (do F-117A không có radar). Tải trọng vũ khí của F-22 cũng vượt nhiều lần F-117A.

Chết trên đỉnh hoàng kim: Vì sao Mỹ khai tử F-117A khi đối thủ chưa hề có máy bay tàng hình? - Ảnh 3.

Những mảnh vỡ của chiếc F-117A bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999

Với tất cả ưu điểm vượt trội, F-22 đã buộc F-117A, một thời từng thống trị bầu trời, đã trở nên hoàn toàn lạc hậu, vì vậy F-117A phải đối mặt với việc loại khỏi biên chế.

Có những lý do thắc mắc là tại sao Mỹ cho loại biên F-117A vào năm 2008, khi đó các quốc gia khác trên thế giới hoàn toàn chưa có máy bay tàng hình. Tại sao không quân Mỹ lại loại biên loại máy bay này khi nó vẫn trong thời kỳ hoàng kim, điều này gây nên sự tranh cãi ngay cả trong Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo quân đội Mỹ, sẽ hiệu quả hơn khi dừng khai thác dòng máy bay này, bởi vì F-117A cũng đến cuối vòng đời, cần phải nâng cấp và kinh phí dành cho bảo dưỡng, khai thác cũng cao hơn.

Sẽ là tiết kiệm hơn nếu dừng khai thác để dành kinh phí duy trì phi đội F-22, B-2 và các loại máy bay chiến đấu khác.

Cùng với đó là F-117A thuộc công nghệ tàng hình của những năm của thập niên 1970, những bí mật công nghệ đó đã lạc hậu. Hình dạng khối đa diện và vật liệu phủ tàng hình ferrite không phải là công nghệ bí ẩn.

Ngoài ra, hiệu suất bay tương đối thấp, khả năng nhiệm vụ tương đối đơn giản và công việc bảo trì hàng ngày phức tạp cũng khiến F-117A bị loại biên sớm.

Điều khiến nhiều người khó hiểu đó là những chiếc F-117A loại biên không được đưa vào nghĩa trang máy bay như các loại máy bay chiến đấu thông thường khác, để có thể tái sử dụng khi cần thiết mà phá hủy chúng.

Theo giải thích của giới chức lãnh đạo Không quân Mỹ, do F-117A sử dụng nhiều công nghệ cao và thời gian vừa qua, đã có quá nhiều thông tin nhạy cảm bị rò rỉ. Những công nghệ và thông tin này có thể rơi vào tay một số quốc gia không thân thiện với Mỹ.

Ví dụ, Iran đã mua một số lượng lớn linh kiện máy bay chiến đấu F-14 ở nghĩa trang máy bay qua chợ đen.

Vì vậy, để giữ bí mật, Mỹ đã trực tiếp phá hủy số F-117A đã loại biên và chỉ giữ lại 6 chiếc để thử nghiệm ở Khu vực 51. Các chuyên gia suy đoán rằng, những chiếc máy bay này để các phi công Mỹ thực hành làm bia bay chống lại máy bay chiến đấu tàng hình của đối phương trong các cuộc không chiến giả định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại