Theo Sina, vừa qua, Công ty Rostec của Nga thông báo, động cơ máy bay chiến đấu nhãn hiệu “sản phẩm 30”mới nhất của Nga đã đạt được tiến bộ đáng kể và đã được lắp đặt trên máy bay chiến đấu thế hệ 5 Su-57 để tiến hành thử nghiệm.
Hiện, cuộc thử nghiệm đã thành công tốt đẹp, kết quả thử nghiệm đạt được yêu cầu đề ra của Công ty và Quân đội Nga. Thời gian tới, máy bay chiến đấu Su-57 sẽ chính thức được trang bị động cơ này.
Được biết, động cơ này hiện là động cơ máy bay chiến đấu tiên tiến nhất ở Nga, động cơ áp dụng thiết kế ống phun vector và hệ thống cung cấp nhiên liệu mới, để gia tăng lực đẩy và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Hiện, Không quân Nga đã đặt mua khoảng 170-200 máy bay Su-57 trang bị động cơ này.
Động cơ “sản phẩm 30” là động cơ phản lực thế hệ mới của Nga, được phát triển bởi công ty chế tạo động cơ UEC NPO Saturn. Từ năm 2011 công ty này bắt đầu phát triển “sản phẩm 30”, năm 2013 hoàn thành phương án thiết kế kỹ thuật của động cơ này và bắt đầu thử nghiệm một số bộ phận chính vào năm 2014. Năm 2015 hoàn thành toàn bộ công tác thiết kế, tháng 11/2016 “sản phẩm 30” tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên. Ngày 5/12/2017 lắp đặt thành công trên Su-57 và tiến hành thử nghiệm bay.
Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, “sản phẩm 30” được lắp đặt ở vị trí bên trái của Su-57 và động cơ 117S lắp đặt ở vị trí bên phải, chuyến bay đầu tiên kéo dài trong 17 phút. Không giống như 117S, “sản phẩm 30”là động cơ thế hệ thứ năm theo đúng nghĩa của Nga, trong quá trình phát triển đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến.
Đầu tiên, máy nén khí áp suất cao áp dụng phương án kết cấu và thiết kế khí động học kiểu mới, hiệu suất được gia tăng thêm 4%, số lượng linh kiện giảm 50%, lực đẩy ở chế độ chưa tăng lực là 11000 kgf, khi tăng lực là 19000 kgf.
Mặc dù có công nghệ tiên tiến, nhưng chi phí sản xuất động cơ không tăng bao nhiêu. Cánh quạt tuabin áp suất cao sử dụng vật liệu superalloy (Hợp kim nhiệt độ cao hình thành chủ yếu từ nguyên tố sắt và niken) kết hợp với kỹ thuật làm mát tiên tiến, nhiệt độ vận hành đã đạt trên 1950 độ.
Phần điều tiết của ống phun vectơ lực đẩy đa hướng áp dụng kết cấu răng cưa để cải thiện hiệu suất tàng hình. Đồng thời, để giảm trọng lượng và nâng cao tuổi thọ, động cơ cũng được tăng thêm nhiều vật liệu composite.
Kết cấu cơ bản của “sản phẩm 30” là hệ thống quạt gió 3 cấp, máy nén cao áp 5 cấp, buồng đốt nhiên liệu tuần hoàn, tuabin áp suất cao và tuabin áp suất thấp đơn cấp, buồng đốt trợ lực, ống phun vectơ đa hướng và hệ thống điều khiển điện tử đa năng, hệ thống chẩn đoán sự cố tiên tiến. Chiều dài của “sản phẩm 30” cũng ngắn hơn động cơ 117S.
Sau khi Su-57 được lắp đặt động cơ “sản phẩm 30”, máy bay này sẽ có được khả năng chiến đấu đầy đủ. Trước đây, Su-57 đã sử dụng động cơ AL-41F1 tương tự như động cơ của Su-35. Đây là động cơ vectơ đầu tiên của Nga có thể được sử dụng trong chiến đấu thực tế.
Tiền thân của nó là động cơ AL-31FP, được lắp đặt trên máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ. Động cơ này có lực đẩy không đủ, sau khi miễn cưỡng thực hiện thao tác véc tơ, phần lớn động năng sẽ bị mất, và sẽ rất khó để khôi phục khả năng cơ động trong một thời gian ngắn.
Do vậy, chỉ có Ấn Độ mua máy bay chiến đấu Su-30MKI còn Không quân Nga dường như không mua chiếc nào. Động cơ AL-41F1 đã giải quyết được vấn đề của động cơ AL-31FP, cho phép máy bay chiến đấu Su-35 có được khả năng cơ động phi thường.
Nhưng khi lắp động cơ này trên Su-57 thì vẫn còn nhiều khiếm khuyết, đăc biệt là có khiếm khuyết lớn về khả năng tàng hình, “sản phẩm 30” hiện tại sẽ giải quyết tất cả các vấn đề này.
Theo báo cáo của Cục thiết kế Lyulka, hiệu suất tổng thể của động cơ “sản phẩm 30” cao hơn 20% so với động cơ thế hệ thứ 4.
Mặc dù nguyên mẫu “sản phẩm 30” đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, nhưng động cơ vẫn cần tiến hành rất nhiều thử nghiệm liên quan và tiếp tục tiến hành cải tiến, công việc phát triển của động cơ này vẫn còn một chặng đường dài.
Theo kế hoạch của Không quân Nga, năm 2025 sẽ bắt đầu nhận bàn giao giai đoạn 2 máy bay chiến đấu Su-57.