5 năm trước, các lượng vũ trang Nga tại Syria đã xây dựng thao trường quân sự mới và lớn nhất để phục vụ việc thử nghiệm gần như tất cả các loại vũ khí mới - từ tên lửa hành trình Calibr, tiêm kích Su-57 thế hệ thứ 5, xe tăng T-14 Armata, cho tới nhiều loại đạn dược.
Ngay từ tháng 12/2019, Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu từng cho biết, hơn 350 loại khí tài quân sự của Nga đã tham chiến ở Syria và hơn 600 vũ khí và phương tiện quân sự các loại đã được thử nghiệm. Nhiều loại trong số đó đã được hoàn thiện chính là nhờ kinh nghiệm từ Syria.
Tại Army-2020, tổng cộng đã có gần 28.000 hiện vật được trưng bày. Có thể hiểu rằng không phải tất cả đều mang tính chất quân sự, vì có những mẫu trưng bày đã được biết đến, tuy nhiên không thiếu các sản phẩm hoàn toàn mới.
Tập đoàn Rostech đã giới thiệu khoảng 70 mẫu chưa từng được trưng bày. Thu hút sự chú ý đặc biệt là những mẫu tổ hợp chống UAV khá thú vị (chính khi quan sát chúng, ông Shoigu đã nhắc tới sự cần thiết phải "thử lửa" tại Syria), các hệ thống tiên tiến dành cho khí tài thiết giáp, những hệ thống điều khiển và thông tin liên lạc, các mẫu vũ khí và khí tài quân sự khác.
Hoàn toàn có thể đưa tới Syria để "thử lửa" là chiếc BTR-82AT, với tổ hợp màn lưới bảo vệ và module chiến đấu điều khiển từ xa giúp tăng hiệu suất chiến đấu của chiếc xe thiết giáp này (so vơi BTR-82A) lên gấp 1,2 lần.
Tàu đổ bộ Orsk của Hải quân Nga di chuyển qua Eo biển Bosphorus ngày 28/2/2020. Ảnh: Reuters
Những tên lửa dẫn đường mới của hệ thống pháo phản lực bắn loạt Tornado-S cũng có thể lên đường tới Syria. Tầm bay của các tên lửa này được nâng lên thành 120km. Độ chính xác có thể đạt được nhờ thiết kế đặc biệt - chỉ phần đuôi của quả tên lửa quay quanh trục chiều dọc của nó, còn phần tên lửa và đầu của đạn không chuyển động.
Quả tên lửa được điều khiển qua vệ tinh và độ chính xác của chúng cao hơn gấp 15-20 lần đạn của tổ hợp pháo phản lực bắn loạt Smerch. Trước đây, đạn dẫn đường chưa từng được sử dụng trong lực lượng pháo phản lực bắn loạt.
Tổ hợp vũ khí dẫn đường chính xác cao Germes với tầm bắn lên tới 100km lần đầu tiên được trưng bày cũng có thể sẽ lên đường thẳng tiến tới Syria.
Khả năng bắn chính xác của các tên lửa, trước tiên, dùng để tiêu diệt những xe tăng của địch, được bảo đảm nhờ hệ thống radar định vị đa chức năng, mà bao gồm thiết bị thông tin liên lạc và định vị, cũng như hai UAV.
Thực ra Germes đã từng có mặt tại Syria, nhưng là biến thể không quân Germes-A với tầm bắn khoảng 30km, một thông số thậm chí rất ấn tượng đối với các tên lửa chống tăng (đối thủ cạnh tranh gần nhất là Spike NLOS của Israel bắn xa 20-25km).
Hồi tháng 10/2016, tàu sân bay Đô đốc Kuznetzov đã mang những trực thăng tấn công K-52 trang bị các tên lửa thử nghiệm này lên đường tới lãnh hải Syria. Không rõ chúng đã được sử dụng để bắn hạ các mục tiêu nào, tuy nhiên sau đó các trực thăng của Nga được trang bị ồ ạt Germes-A để thay thế cho những tên lửa chống tăng Vikhr và Ataka.
Có thể phỏng đoán rằng, cả biến thể lục quân của Germes cũng sẽ được trang bị cho các đơn vị sau khi thử nghiệm chiến đấu tại Syria.
Những UAV mới được trưng bày tại diễn đàn Army-2020 cũng có thể sẽ hiện diện trên bầu trời Syria. Lấy ví dụ như thiết bị giám sát radar Helios, UAV tấn công-trinh sát Sirius và UAV tấn công tốc độ cao Grom có khả năng mang số lượng vũ khí đáng nể.
Thêm một sản phẩm mới nữa trong lĩnh vực này - đó là tổ hợp đa chức năng Rat. Đây là tổ hợp chống UAV cơ động nội địa đầu tiên dẫn hướng bằng laser. Tổ hợp này có khả năng phát hiện các UAV ở khoảng cách lên tới 3,5km, thực hiện việc chế áp những kênh điều khiển UAV ở bán kính lên tới 2,5km.
Khi có một hoặc vài chiếc UAV đột nhập vào khu vực được bảo vệ, Rat sẽ khóa các kênh thông tin liên lạc và định vị vệ tinh của chúng, còn khi cần thiết người điều khiển có thể tiêu diệt chúng bằng tia laser.
Trên đây là bản danh sách những vũ khí, khí tài và thiết bị chưa đầy đủ mà sau triển lãm Army-2020 rất có thể sẽ được Nga đưa đi thử nghiệm các điều kiện chiến đấu thực tế tại Syria.
KQ Nga tấn công một loạt mục tiêu khủng bố ở Idlib, Syria