Mách bạn 9 bước đơn giản nhận diện “chuyên gia dinh dưỡng” dỏm để tránh bị "dắt mũi" hoặc lừa đảo

TS.BS Đào Thị Yến Phi |

Sống trong cái thời đại mọi thứ đều "ở trên mây" như hiện nay, chuyện biết phân biệt thiệt và giả trở thành một kỹ năng sống còn của nhân loại.

LGT: Trong khi dư luận đang bất ngờ một cách muộn màng về một "chuyên gia tâm lý" trị liệu tâm lý hôn nhân gia đình giả hiệu, thì trong lĩnh vực khác cực kỳ quan trọng như dinh dưỡng và sức khỏe, không ít các "chuyên gia tự phong" giả hiệu khác vẫn đang hoạt động rất sôi nổi. Họ tư vấn về mọi vấn đề nhưng cái đích cuối cùng đều là bán các khóa học hoặc sản phẩm cụ thể với cái giá siêu cao, chất lượng siêu nhỏ, thậm chí sai lầm và độc hại.

Trân trọng giới thiệu bài viết của TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y Phạm Ngọc Thạch về các kỹ năng đơn giản để nhận diện một chuyên gia dinh dưỡng là thật sự hay lừa đảo.

Hồi xưa, ông bà mình thường phân biệt thiệt và giả dựa trên cái "nhãn hiệu cầu chứng", tức tên tuổi của sản phẩm, tên của công ty sản xuất ra sản phẩm, giấy đăng ký phân phối và sử dụng sản phẩm do nhà nước cấp… Bây giờ thì nhiêu đó chưa đủ đâu, phải tăng tiến thêm nữa, tức là phải biết cách xác định cái "nhãn hiệu cầu chứng" đó là thiệt hay giả nữa.

Một trong những loại "nhãn hiệu cầu chứng" giả mạo được lạm dụng tùm lum tà la trong thời này là nhãn hiệu "chuyên gia dinh dưỡng".

Cũng phải thôi, dân tình Việt Nam giờ kinh tế khá giả, chuyện ăn uống sao cho khoẻ đẹp trở thành nhu cầu thiết yếu. Dinh dưỡng tự nhiên trở thành ngành thời thượng và nhất là có thể kiếm ra tiền. Mà ở đâu có hơi mật mỡ tự nhiên phải có ruồi kiến bâu vào.

Thị trường "chuyên gia dinh dưỡng" đang trở nên bát nháo, đầy tà giáo tà đạo với các thông tin dinh dưỡng đầy nguy cơ cho sức khoẻ, tới mức các "chuyên gia dinh dưỡng chánh phái", những người đã đầu tư học hành tới nơi tới chốn và làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực dinh dưỡng phải buồn lòng khi danh xưng rất đáng quý đó bị sử dụng bởi những người hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn cả về chuyên môn lẫn về tinh thần nghề nghiệp.

Thiệt ra, nếu đã thiệt lòng muốn phân biệt đâu là chuyên gia thiệt, đâu là chuyên gia giả, cũng chẳng khó gì. Xin mách các bạn vài chiêu. Cứ dựa trên bằng cấp và nhân thân mà xem xét theo 9 bước sau đây:

Mách bạn 9 bước đơn giản nhận diện “chuyên gia dinh dưỡng” dỏm để tránh bị dắt mũi hoặc lừa đảo - Ảnh 2.

Đầu tiên, xem xét bằng cấp chuyên môn đúng ngành dinh dưỡng

Phàm đã có chữ "chuyên" trong danh xưng, thì cái đầu tiên cần có chính là trình độ chuyên môn về ngành đó. Mà muốn "chuyên" bất kỳ thứ thì đều phải đi học đúng chuyên môn, đúng ngành nghề, nhất là những ngành dính líu trực tiếp đến bộ máy tinh vi bậc nhất của thiên nhiên là cơ thể con người.

Dinh dưỡng người là một trong những ngành liên quan đến con người, nên chỉ những ai được đào tạo cơ bản, hiểu biết từng ly từng tí về tế bào, sinh hoá, sinh lý… mới có đủ kiến thức và trình độ đưa ra lời tư vấn dinh dưỡng.

Nghĩa là bất kể ai có trình độ cao cấp tới đâu trong lĩnh vực khác nhưng chưa từng được đào tạo về chuyên môn dinh dưỡng thì đều cần phải đi học lại từ đầu về dinh dưỡng và phải có bằng cấp dinh dưỡng, nếu muốn làm việc trong lĩnh vực này.

Nghe một tiến sĩ kinh tế hay tiến sĩ tôn giáo… nói chuyện về dinh dưỡng thì chắc cũng giống nghe một chuyên gia dinh dưỡng tư vấn về cách đầu tư khởi nghiệp hay cách tu pháp tu tăng, khó mà chính xác được chứ đừng nói đến hiệu quả sức khoẻ.

Thứ hai, xem xét bằng cấp dinh dưỡng đó là bằng cấp loại gì?

Có nhiều loại bằng cấp khác nhau, có cái học 4 năm, có cái học 3 ngày, có cái học online, nhưng cũng có những thứ "bằng cấp" chả cần đi học, chỉ đóng tiền là có!

Trong giáo dục, bằng cấp được phân làm hai loại chính:

- Bằng (Diploma): là bằng được cấp cho một chương trình học đã được thẩm định, với các kỳ thi (lượng giá) đúng tiêu chuẩn để người tốt nghiệp đạt đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của một chương trình đào tạo, được Bộ Giáo dục của một quốc gia phê duyệt chính thức.

- Chứng chỉ hay chứng nhận (Certificate): là một giấy xác nhận người có tên đã "học thêm" một khoá gì đó trong một số ngày, được lượng giá theo tiêu chuẩn của nơi cấp chứng chỉ, không cần được duyệt hay thẩm định gì của Bộ Giáo dục cả. Vì vậy, chứng chỉ hay chứng nhận không có giá trị xác nhận là người có tên đã được đào tạo để làm công việc chuyên ngành.

- Nếu muốn được gọi là "chuyên gia dinh dưỡng", chắc chắn bằng cấp tối thiểu phải đạt được là bằng (Diploma) Cử nhân dinh dưỡng, tiếng Anh gọi là Dietitian. Tốt hơn nữa là đã có bằng Bác sĩ Y khoa (Medical Doctor) sau đó đi học tiếp chuyên ngành Dinh dưỡng (cũng phải học ra bằng chuyên khoa, bằng Thạc sĩ, bằng Tiến sĩ… về dinh dưỡng). Tất cả những trường hợp không có bằng mà chỉ có chứng chỉ thì ngay từ đầu đã không thể được cấp phép (license) làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực dinh dưỡng rồi, chứ đừng nói đến tầm chuyên môn đủ để làm "chuyên gia dinh dưỡng".

Thứ ba, xem xét nơi xuất xứ của bằng cấp

Trên thế giới, có những trường học danh tiếng lẫy lừng danh môn chánh phái, nhưng cũng có những trường được lập ra chỉ để… bán chứng chỉ thu tiền! Vậy nên chẳng khó gì để truy lục nguồn gốc của trường đã cấp bằng.

Lưu ý: tất cả các loại bằng tốt nghiệp ở nước ngoài đều phải được Bộ Giáo dục Đào tạo của quốc gia đó kiểm định và có văn bản công nhận chính thức thì mới có giá trị sử dụng ở quốc gia đó. Không phải trình bất kỳ cái bằng nào ra là hiển nhiên có giá trị nhé.

Thứ tư, xem xét nhân thân và lý lịch khoa học của người được gọi là "chuyên gia"

Mách bạn 9 bước đơn giản nhận diện “chuyên gia dinh dưỡng” dỏm để tránh bị dắt mũi hoặc lừa đảo - Ảnh 7.

Cách dễ thấy nhất là các chuyên gia thật sự thường phải là người có tham gia làm các công việc hàn lâm, tức có tham gia giảng dạy ở các trường đại học, có tham gia công việc ở các bệnh viện hay viện nghiên cứu quốc gia, ngay cả khi công việc chính của họ là làm việc độc lập hoặc làm việc trong các tổ chức tư nhân. Chỉ có những người có học thật, bằng thật mới có cơ hội tham gia các công việc hàn lâm, vì các tổ chức này luôn phải rà soát và xác minh các bằng cấp, lý lịch khoa học của chuyên gia trước khi mời giảng dạy hay tham gia nghiên cứu.

Các "chuyên gia" dỏm khó có đường lọt vào các môi trường làm việc hàn lâm này lắm (trừ phi dùng bằng giả).

Thứ năm, nhìn xem kiến thức và nội dung trao đổi với cộng đồng

Đã không học đủ, đương nhiên sẽ không biết đủ. Mà đã biết sai hiểu sai, đương nhiên sẽ nói sai.

Dinh dưỡng là một bộ phận trong một loạt các chuyên ngành có liên quan đến sức khoẻ con người. Về nguyên tắc, tất cả các kiến thức nền của dinh dưỡng đều là kiến thức liên quan đến cấu trúc cơ thể con người, sinh lý, sinh hoá, chuyển hoá… của cơ thể con người. Các kiến thức này hoàn toàn đồng nhất với kiến thức nền tảng về sức khoẻ con người được giảng dạy trong tất cả các ngành khác nhau như ngành y khoa, sinh học, di truyền học, sinh học phân tử, hoá sinh… Vì vậy, người học dinh dưỡng có bài bản và có kiến thức nền vững vàng thường không có ý kiến đi ngược lại với các kiến thức nền tảng cơ sở, không chê bai y học thực chứng hay khoa học chứng cứ.

Chưa hết, dinh dưỡng là một trong số nhiều chuyên ngành cùng nằm trong nhóm điều trị hỗ trợ hay điều trị toàn diện, tức dinh dưỡng bắt buộc phải phối hợp với các bộ phận khác như bác sĩ điều trị, chăm sóc điều dưỡng, dược lâm sàng, kỹ thuật y sinh học… thì mới làm được công việc điều trị cho người bệnh.

Vì vậy, chỉ có các "chuyên gia dinh dưỡng" dỏm mới dám hùng hồn tuyên bố chỉ cần ăn cái này uống cái kia sẽ trị dứt được bệnh kia bệnh nọ mà không cần dùng đến y học hay khoa học. Còn khi họ nói về các cơ chế lý hoá hay sinh học thì các cơ chế đó thường chẳng thấy ghi trong sách nào, có khi đi ngược lại hoàn toàn với logic của sự sống.

Thứ sáu, nhìn vào hình thức quảng cáo, cách PR tên tuổi

Các "chuyên gia dinh dưỡng" dỏm thiếu bằng cấp chính quy, nên thường bù đắp cho sự thiếu hụt đó bằng cách sử dụng các khái niệm lập lờ nhưng được tô vẽ bằng các ngôn ngữ đao to búa lớn (ví dụ: người vinh dự được nhận giải thưởng hàng đầu về dinh dưỡng không dùng thuốc của thế giới).

Hoặc sử dụng các chức danh không có trong thực tế (ví dụ: giáo sư trợ lý của trường đại học X).

Hoặc sử dụng các mối quan hệ cá nhân, ăn theo người nổi tiếng (ví dụ: từng tư vấn chế độ dinh dưỡng cho ngôi sao điện ảnh A).

Hoặc sử dụng các chiêu trò liên quan đến bên thứ ba (ví dụ: trưng bày hàng loạt các hình ảnh và lời cám ơn của "người bệnh" đã được chữa khỏi…. )

Với các nhà khoa học chân chính, lý lịch khoa học của họ thường chỉ tập trung vào quá trình làm việc (các công việc đã từng kinh qua), quá trình học tập (các chương trình đã học, các bằng cấp đã được cấp) và các thành phẩm khoa học của cá nhân (các nghiên cứu khoa học, bài đăng trên tạp chí, sách đã biên soạn và xuất bản…).

Thứ bảy là coi thử có sự hiện diện của các mối lợi đi kèm với thông tin dinh dưỡng không?

Mách bạn 9 bước đơn giản nhận diện “chuyên gia dinh dưỡng” dỏm để tránh bị dắt mũi hoặc lừa đảo - Ảnh 11.

Dễ thấy nhất là các mối lợi liên quan đến tiền bạc, như rao bán sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, các bữa ăn được thiết kế sẵn, các khóa học về cách ăn uống hay tập luyện để bảo vệ sức khoẻ…

Còn các lợi ích không liên quan trực tiếp đến tiền được ẩn giấu khéo léo sau nhiều chiêu bài như tâm hướng Phật, lòng từ bi, sự thánh thiện… không dễ gì phát hiện trong một sớm một chiều. Nhưng chỉ cần khi tập hợp đủ con nhang đệ tử thì trăm lần như một, mục đích cuối của các "chuyên gia" này đều là những sản phẩm bán ra tiền.

Thật ra, những chuyên gia dinh dưỡng thứ thiệt thường cũng có các hoạt động truyền thông đại chúng có sự đồng hành với nhãn hàng hay sản phẩm, vì đó là một trong những nhiệm vụ khoa học của họ với cộng đồng: tư vấn kiến thức tiêu dùng và sản phẩm liên quan. 

Điều giúp phân biệt là họ luôn tuân thủ đúng quy định "chỉ nói về chuyên môn và hoạt chất khoa học, không nói về sản phẩm, không được nhắc tên riêng của sản phẩm, không khuyến cáo cộng đồng việc sử dụng sản phẩm". Họ không có sản phẩm riêng của mình để kinh doanh, mà nhận lời tham gia hoạt động của tất cả các loại sản phẩm khác nhau, thậm chí tham gia với các sản phẩm cạnh tranh nhau. Họ thường kiểm tra kỹ lưỡng về sản phẩm để đảm bảo việc các sản phẩm hay nhãn hàng phải hợp pháp, tức đã có đủ nghiên cứu khoa học để được cấp phép phân phối, cấp phép quảng cáo, có nguồn gốc sản xuất rõ ràng.

8. Thứ tám, tìm xem thêm ý kiến của những người có uy tín trong lĩnh vực dinh dưỡng

Khi đã học hành đúng bài bản, làm việc đúng chuyên môn trong một thời gian dài, một chuyên gia dinh dưỡng thứ thiệt sẽ luôn luôn có đông đảo các đồng nghiệp, bạn học, sinh viên, học viên… biết về họ và quá trình làm việc của họ, có trao đổi với họ về chuyên môn trên những ý kiến phát biểu liên quan đến dinh dưỡng của họ.

Ngược lại, các "chuyên gia dinh dưỡng" dỏm thường sẽ không có đồng nghiệp cùng chuyên ngành dinh dưỡng ở cùng một cơ quan, bạn học cùng lớp ở trường Đại học chuyên về Dinh dưỡng hoặc các lớp chuyên khoa dinh dưỡng. Những nội dung trao đổi trên trang cá nhân của các chuyên gia dỏm này thường chỉ là từ người theo dõi. Những nhà khoa học thật sự trong chuyên ngành dinh dưỡng, nếu biết, cũng sẽ có phản ứng hoặc bác bỏ các thông tin sai lệch do các "chuyên gia dinh dưỡng" dỏm này đưa ra.

9. Thứ chín, quan trọng nhất: bạn có muốn tìm biết để phân biệt "chuyên gia dinh dưỡng" dỏm và thiệt không?

Sở dĩ tôi hỏi câu này là vì trong thực tế, có nhiều lý do để người ta không muốn làm chuyện tự mình phân biệt thực giả. Ví dụ quảng cáo cho một sản phẩm thực phẩm chức năng chưa đủ nghiên cứu khoa học thì chắc chắn không mời được các chuyên gia thứ thiệt rồi. Mà nếu đòi xem xét bằng cấp trước khi lên sóng thì mấy "chuyên gia dinh dưỡng" dỏm lấy đâu ra bằng để đưa cho đúng quy định?

Cho nên, rút cục lại, chuyện nhìn ra "chuyên gia dinh dưỡng" dỏm hoàn toàn không phải là chuyện khó đến mức không làm được, chỉ là có muốn làm cho đúng hay không thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại