Ảnh: Lê Liên.
Cứ ba tuần một lần, B.T.K (22 tuổi, quê Hải Dương) cùng bố mẹ khăn gói lên Hà Nội vào bệnh viện truyền hóa chất (thuốc) theo lịch. Đã gần 2 năm trôi qua, bệnh viện như căn nhà thứ hai của K. Dáng người nhỏ bé, khuôn mặt thanh tú của chàng trai 22 tuổi đã trở nên quá quen thuộc với các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Nhìn vào, không ai nghĩ K từng được chẩn đoán chỉ có 1/10 cơ hội điều trị thành công. Bệnh viện từng trả K về với gia đình.
Lo nhưng không sợ
K kể mình bắt đầu có các triệu chứng lạ vào tháng 8 năm 2020. Khi đó, chàng trai trẻ sốt liên tục hàng tháng trời, men gan tăng, người xanh xao, mệt mỏi.
"Ban ngày sốt, tối uống thuốc hạ sốt lại hết, ngày hôm sau lại sốt tiếp, đợt đấy em cũng đi các bệnh viện lớn ở Việt Nam nhưng không tìm ra được nguyên nhân", K nói.
Sau đó 1-2 tháng, K bắt đầu xuất hiện hạch ở cổ, cục hạch chỉ to như hạt đậu, không gây đau. Đầu năm 2021, hạch bắt đầu sưng to và gây đau, gia đình đưa K đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám và sinh thiết. Các bác sĩ tại đây đã gửi kết quả sang nước ngoài, sang các bệnh viện lớn để hội chẩn. Sau thời gian dài chờ đợi, gia đình K nhận tin sét đánh: "K mắc ung thư hạch bạch huyết giai đoạn đầu".
Nhận kết quả, K nói bản thân lo nhưng không sợ, ngược lại rất lạc quan. "Tính cách của em luôn lạc quan, mọi chuyện đến đâu thì đến. Sống ngày nào thì mình vui vẻ ngày đấy", K chia sẻ.
Bằng sự lạc quan, K luôn tiếp nhận và đọc thông tin bệnh của mình một cách tích cực. Em lên mạng tìm hiểu và đọc những thông tin tích cực, lạc quan. "Còn lại tất cả những thông tin gây cho mình cảm giác tiêu cực là em không đọc, không quan tâm", chàng trai 22 tuổi quả quyết.
Không khuất phục
Sau khi nghe chẩn đoán, gia đình K quyết định cho em nhập viện và truyền hóa chất. Chàng tân sinh viên cảm nhận từng đợt hóa chất vào người khiến cơ thể khó chịu, sức khỏe cũng yếu đi nhiều, nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ chịu khuất phục.
Chàng tân sinh viên K điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.
Sau 3 chu kỳ và 6 lần truyền, K tiến hành tái khám nhưng kết quả xấu đi. Ung thư không thuyên giảm mà phát triển nặng hơn. 6 tháng sau, K rơi vào tình trạng xấu, da vàng, cơ thể teo lại, ăn uống đi lại đều cần có người dìu đỡ. "Thời gian ấy, em thấy bố mẹ khóc, mẹ cứ từ trong nhà vệ sinh ra là mắt đỏ hoe, nhưng mẹ cố không để cho em thấy. Em thương bố mẹ nhưng không biết làm gì", K tâm sự.
Được hội chẩn, gia đình K quyết định cho con đi ghép tủy tại một bệnh viện khác. Tuy nhiên sau khi dùng hóa chất liều cao một đợt, do cơ thể yếu ớt nên K xuất hiện tình trạng chảy máu mũi, hậu môn, nôn ra máu, sốt cao, suy tủy, suy gan nặng... tiên lượng khó qua khỏi. Bệnh viện thông báo trả K về vì cơ thể em quá yếu, suy nhiều cơ quan, không thể tiếp tục điều trị.
Khi đó, bố mẹ K quyết định đưa con quay trở lại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Anh Q (bố K) chia sẻ: "Còn nước còn tát, con còn hy vọng sống thì không thể đưa con về nhà chờ chết được".
K quay trở lại bệnh viện để nhờ các bác sĩ can thiệp phác đồ mới trong tình trạng suy kiệt, da vàng, bụng chướng, sốt cao, chỉ số bạch cầu, tiểu cầu... đều giảm xuống thấp, bụng nhiều dịch, đau lở loét miệng. Mặc dù tỉnh táo nhưng các chức năng của K đều 'không thể vận hành'.
Chiến đấu tới cùng
Khoảng thời gian đó thật kinh khủng với bố mẹ, K và các bác sĩ. Men gan K liên tục tăng cao, tình trạng sốt trên 40 độ diễn ra hàng ngày. "Nhiều lúc em khó chịu quá, cũng muốn bỏ cuộc, cũng khóc trước mặt bác sĩ, nhưng nghĩ lại gia đình, bạn bè, thầy cô đang luôn bên mình, tại sao lại không cố gắng? Nên em cố gắng chiến đấu tới cùng. May mắn đến giờ này em vẫn sống", K cười chia sẻ.
May mắn, K đáp ứng tốt với phác đồ mới, cùng với việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, K thoát 'cửa tử' và dần hồi phục trở lại. K chia sẻ: "Em nghĩ do mình cũng may mắn, thiên thời địa lợi nhân hòa kết hợp lại thì em mới vượt qua được thời kỳ khó khăn ấy".
Đến thời điểm hiện tại, do đáp ứng thuốc tốt, nên K chỉ vào viện 3 tuần 1 lần thay vì 2 tuần 1 lần. Từ ngày 10/10, em sẽ quay trở lại trường học sau 1 năm bảo lưu kết quả. Tương lai, K chưa nghĩ gì xa, chỉ mong bản thân khỏe mạnh và giúp ích cho xã hội.
Bằng mọi nỗ lực, chàng trai 22 tuổi đã chiến thắng 'tử thần', giành lại sự sống. Ảnh: Lê Liên.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết: "K là 1 trong 2 trường hợp mắc ung thư hạch bạch huyết thể khó tôi từng điều trị. Khoảng thời gian K còn 1/10 cơ hội sống, các bác sĩ cùng gia đình đã phải đánh cược rất lớn, 'còn nước còn tát' sử dụng phác đồ cuối cùng là dùng kháng thể đơn dòng Keytruda (một phát minh y học mới trong điều trị ung thư).
May mắn, K đáp ứng khá tốt và kết quả như đã thấy, K giờ đã khỏe mạnh hơn rất nhiều so với đợt đầu năm, các chỉ số xét nghiệm dần về mức ổn định của người khỏe mạnh. Đây là một niềm vui không hề nhỏ đối với những người làm nghề như chúng tôi, đặc biệt là niềm vui lớn với gia đình K đã quyết tâm cứu con đến cùng".