Nhiều đàn ông sau khi nhiễm COVID-19 cho biết gặp"vấn đề nghiêm trọng" trong chuyện phòng the.
Nhiều nam giới gặp vấn đề rối loạn chức năng tình dục sau mắc COVID-19
Nhà tiết niệu học – bác sĩ Ranjith Ramasamy ở Nam Florida, Mỹ đã quan sát thấy một xu hướng đáng lo ngại trong số các bệnh nhân của ông khi COVID-19 lan rộng khắp nước Mỹ vào năm 2020. Ngày càng nhiều đàn ông sau khi nhiễm COVID-19 phàn nàn rằng họ gặp "vấn đề nghiêm trọng" trong quan hệ tình dục .
Lúc đầu, bác sĩ Ramasamy và các đồng nghiệp của ông tại phòng khám tiết niệu của Bệnh viện Đại học Miami, Mỹ nghĩ rằng hiện tượng số lượng ca bệnh rối loạn chức năng tình dục ngày càng tăng xuất phát từ vấn đề tâm lý – hậu quả của đại dịch căng thẳng.
Nhưng nhiều bệnh nhân cho biết họ không cảm thấy lo lắng hay chán nản, trong khi đối với một số người, tình trạng bệnh rối loạn chức năng tình dục kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn. Sau đó, nhóm nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ một nguyên nhân cơ bản khác: virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19.
Mặc dù COVID-19 được coi là gây hại nghiêm trọng cho phổi, song đây cũng là một bệnh toàn thân, có thể ảnh hưởng đến tim, thận, não và các cơ quan khác và những tác động đó có thể kéo dài sau khi người mắc bệnh đã bình phục. Nhiều người hiện đang phải sống trong tình trạng "COVID kéo dài" mà theo các chuyên gia y tế đánh giá, đó là thảm họa sức khỏe tiếp theo của con người.
Theo một bài báo đăng vào tháng 8 trên Tạp chí Y học New England, có đến 10 - 30 % những người bị nhiễm coronavirus — ít nhất 42 triệu trường hợp ở Mỹ và 229 triệu trường hợp trên toàn thế giới — trải qua các triệu chứng suy nhược cơ thể liên tục, có thể gây "tàn tật nghiêm trọng" hậu COVID-19. Trong số đó, nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể phá hoại sức khỏe tình dục của nam giới.
Chúng tôi phát hiện ra rằng những người đàn ông trước đây không gặp phải những vấn đề này đã phát triển chứng rối loạn cương dương khá nghiêm trọng sau khi nhiễm COVID-19.
Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 3, nam giới có thể mắc chứng rối loạn cương dương ngắn hạn hoặc dài hạn cao gấp 6 lần sau khi nhiễm coronavirus. Các nghiên cứu khác đã ghi nhận nhiều trường hợp nam giới sau khi nhiễm COVID-19 bị ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục như: không thể có hoặc duy trì sự cương cứng, tổn thương tinh hoàn, đau hoặc sưng tinh hoàn, không có khả năng đạt được cực khoái, mức testosterone thấp và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Đối tượng nam giới có nguy cơ cao bị rối loạn chức năng tình dục sau khi nhiễm COVID-19 là đàn ông lớn tuổi hoặc những người bị tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường và bệnh tim… Tuy nhiên, ngày càng nhiều báo cáo ghi nhận về các trường hợp nam giới trẻ tuổi gặp vấn đề rối loạn tình dục sau khi nhiễm COVID-19. Nhà tiết niệu học Ryan Berglund thuộc Phòng khám Cleveland ở Ohio, Mỹ cho biết: "Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn theo dõi và xu hướng tình trạng bệnh này".
Nam giới có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương sau khi nhiễm Coronavirus
Để tìm hiểu xem liệu coronavirus có thực sự xâm nhập vào cơ quan sinh sản của nam giới hay không, bác sĩ Ramasamy và nhóm của ông đã tiến hành sinh thiết trên 6 người đàn ông từ 20 - 87 tuổi nhiễm COVID-19.
Khi kiểm tra các mẫu mô này dưới kính hiển vi điện tử, các nhà nghiên cứu phát hiện ra các hạt virus ẩn náu trong bộ phận tinh hoàn. Một nửa số đàn ông tham gia nghiên cứu trên có chất lượng tinh trùng kém.
Để kiểm tra liệu coronavirus cũng có trong dương vật hay không, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Ramasamy tiếp tục điều tra bằng cách nghiên cứu hai người đàn ông bị chứng liệt dương sau khi nhiễm coronavirus.
Nguyên nhân nào khiến khả năng hoạt động tình dục của người bị nhiễm virus suy giảm?
Như đã biết, tác động của coronavirus là làm tổn thương các tế bào nội mô lót các mạch máu. Đây rất có thể là nguyên nhân khiến khả năng hoạt động tình dục của người bị nhiễm virus bị kém.
Khả năng cương cứng ở nam giới phụ thuộc vào lưu lượng máu. Động mạch phải mở và tĩnh mạch phải co lại, gần giống như một hệ thống khóa kênh. Khi các mạch máu bị suy yếu, bị thu hẹp sẽ không cho phép các mô xốp bơm máu hoặc giữ lượng máu đó để duy trì sự cương cứng.
Giáo sư về nội tiết và tình dục học Emmanuele A. Jannini tại Đại học Rome Tor Vergata (Italia) cho biết rằng nếu không có đủ máu, các tế bào sẽ bị thiếu oxy, các mô bị viêm và mạch mất tính đàn hồi. "Không có oxy, không có tình dục" – giáo sư Jannini khẳng định. Bên cạnh đó, giáo sư Jannini lưu ý rằng COVID-19 dường như cũng làm giảm lượng enzyme giúp làm giãn các mạch máu và làm dương vật cương cứng.
Ngay từ thời đầu đại dịch, nhóm của giáo sư Jannini đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến thu thập thông tin về hoạt động tình dục của những nam giới tại Italia nhiễm COVID-19. Kết quả, nguy cơ rối loạn cương dương sau nhiễm COVID-19 của những bệnh nhân này cao gấp 6 lần. Giáo sư Jannini cho biết các triệu chứng sẽ kéo dài bao lâu vẫn chưa được biết.
"Vì dương vật thực sự là một trong những cơ quan có nhiều mạch máu nhất trong cơ thể, nên chúng tôi không ngạc nhiên khi chứng rối loạn cương dương phổ biến hơn ở nam giới bị triệu chứng COVID-19 kéo dài" – bác sĩ Ramasamy cho hay.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 vừa qua, được tiến hành theo phương thức khảo sát trực tuyến đối với 6.500 người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, khoảng 18% số nam giới được hỏi cho biết bị rối loạn chức năng tình dục; khoảng 13% bị đau ở tinh hoàn; 8% cho biết có vấn đề khác về cơ quan sinh dục; khoảng 4% nam giới bị giảm kích thước dương vật hoặc tinh hoàn.
Tinh hoàn là nơi ẩn náu hoàn hảo của virus. Giống như mắt và hệ thần kinh trung ương, đây là những vị trí đặc quyền về mặt miễn dịch học. Ở những nơi này, virus bao gồm Ebola, quai bị và Zika có thể tồn tại trong các mô, lẩn tránh hệ thống miễn dịch ngay cả khi virú bị loại bỏ khỏi các bộ phận khác của cơ thể.
Một nghiên cứu suy đoán rằng tinh hoàn có thể đóng vai trò như một ổ chứa virrus gây ra COVID-19. Điều này có thể giải thích tại sao 11% nam giới nhập viện vì COVID-19 bị đau tinh hoàn. Sự lây nhiễm virus tại các tế bào Leydig của cơ quan sinh dục này, nơi sản xuất ra testosterone, cũng có thể giải thích cho việc hạ thấp nồng độ hormone sinh dục nam ở các bệnh nhân.
Chỉ điều đó thôi cũng có thể khiến ham muốn tình dục và khả năng sinh hoạt tình dục của người bệnh bị giảm. Bác sĩ Jannini lưu ý thêm rằng việc sản xuất testosterone giảm khi nam giới không quan hệ tình dục.
Bác sĩ Berglund cho biết tâm lý cũng đóng một vai trò lớn trong hoạt động tình dục. "Điều phụ thuộc một phần vào trạng thái tâm lý của chúng ta. Việc chỉ đơn giản là bị ốm có thể giết chết ham muốn tình dục. Trong khi đó, khi nhiễm COVID-19, người bệnh rất mệt mỏi, mất khứu giác – vốn có tác động gây kích thích – từ đó dẫn đến suy yếu ham muốn và khả năng tình dục" – bác sĩ Berglund cho hay.
Cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu những gì coronavirus thực sự gây ra đối với sức khỏe sinh sản của nam giới. Nhóm của bác sĩ Ramasamy đang điều tra cách virus này lẩn tránh hệ thống miễn dịch và trú ngụ trong các tế bào, bao gồm cả trong tinh hoàn và dương vật. "Nếu chức năng tình dục bị ngừng lại, nó có thể kích hoạt lại được không? Đây sẽ là triệu chứng mãi mãi, hay chỉ là nhất thời?" – nhóm bác sĩ Ramasamy đặt câu hỏi.