Lý do NATO phải “e ngại” tên lửa hành trình Kalibr của Nga

Thanh Tuấn |

Chuyên gia quân sự của RIA Novosti Andrey Kots đánh giá, tên lửa hành trình Kalibr có độ chính xác cao, tầm bay xa, sức mạnh vượt trội, được coi là “cánh tay nối dài” của Lực lượng Vũ trang Nga.

Ra mắt lần đầu tiên vào ngày 7/10/2015, các tàu khu trục của Hải quân Nga đã phóng 26 tên lửa hành trình lớp Kalibr từ biển Caspi vào 11 mục tiêu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Tên lửa này đã bay 1.500 km qua không phận Iran - Iraq và đánh vào vị trí của các phần tử khủng bố ở tỉnh Raqqa, Aleppo và Idlib. Tất cả các mục tiêu đều bị tiêu diệt với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Sự hợp nhất của các loại tên lửa

Tên lửa hành trình lớp Kalibr là sự “hợp nhất” của một số phiên bản tên lửa, có thể kể tới một số loại tiêu biểu:

Thứ nhất, tên lửa chống hạm ZM-54K/ZM-54T với đầu đạn nổ “xuyên thấu”; Thứ hai, tên lửa ZM-14K/ZM-14T được thiết kế để tấn công vào các mục tiêu mặt đất cũng được trang bị đầu đạn nổ có sức công phá mạnh, tên lửa này cũng đã được sử dụng ở chiến trường Syria; Thứ ba, ngư lôi 91P1 và 91RT2 được thiết kế để tiêu diệt tàu ngầm.

Kích thước của tất cả các loại tên lửa này được tiêu chuẩn hóa để phù hợp với hệ thống phóng ZS14 trên các tàu khu trục. Còn phiên bản tên lửa Kalibr-PL cho tàu ngầm được nạp vào ống phóng ngư lôi có cỡ nóng 533 mm.

Tên lửa hành trình Kalibr-A cũng được sử dụng trên máy bay chiến đấu. Ngoài ra, tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander cũng có thể bắn một số phiên bản sửa đổi của tên lửa hành trình Kalibr. Đa số tên lửa hành trình Kalibr được trang bị cho các tàu chiến và tàu ngầm.

Có thể kể đến các dự án như: tàu khu trục thuộc dự án 22350 và 11356, tàu hộ tống thuộc dự án 20385, tàu tên lửa cỡ nhỏ thuộc các dự án 21631 và 22800, tàu tuần tra dự án 22160, tàu ngầm của các dự án 885 Yasen, dự án 636 Varshavyanka, dự án 677 Lada, dự án 971 Shchuka-B và dự án 877 Paltus.

Nguyên lý hoạt động phức tạp

Quá trình chuẩn bị trước khi phóng tên lửa bắt đầu với việc nạp vào tên lửa dữ liệu về hành trình của nhiệm vụ. Trên thực tế, nhiệm vụ bay là một thuật toán cho chuyến bay của tên lửa theo một hành trình nhất định, nó được lập trình bởi đội ngũ chuyên gia với các bước riêng biệt.

Đây là tuyến đường điện tử chỉ định độ cao, tầm bay, điểm kiểm soát và định hướng. Ngoài ra, trong nhiệm vụ bay ghi rõ các đặc điểm của mục tiêu mà tên lửa phải bắn trúng.

Sau khi dữ liệu về nhiệm vụ bay được nạp vào tên lửa, hệ thống kiểm soát kiểm tra sẵn sàng được tích hợp vào tên lửa.

Ở giai đoạn đầu, hệ thống tìm kiếm những khuyết điểm vận hành có thể phá hủy tên lửa. Sau khi nhận tín hiệu “khởi động” sẵn sàng, bộ điều khiển tăng tốc được kích hoạt.

Bộ điều khiển tăng tốc có những đặc điểm khác nhau tùy thuộc vào loại tên lửa hành trình được lắp đặt trên các loại tàu ngầm, tàu khu trục hoặc máy bay chiến đấu.

Tiếp theo, động cơ đẩy của tên lửa được khởi động. Trong đa số loại tên lửa là động cơ tuốc bin phản lực. Tên lửa hành trình tự xác định độ cao với sự trợ giúp của máy đo độ cao vô tuyến hoặc khí áp.

Hành trình bay của tên lửa phụ thuộc vào địa hình vào sự hiện diện của các hệ thống phòng không và các phương tiện trinh sát điện tử của đối phương, cũng như nhiều thông số kỹ thuật khác. Độ cao cũng thay đổi tùy theo địa hình tác chiến.

“Tiếp cận mục tiêu”

“Tên lửa hành trình là loại vũ khí chiến lược. Nó hoạt động đặc biệt hiệu quả nếu đối phương không sở hữu hệ thống phòng không nhiều lớp”, Tổng biên tập tạp chí Arsenal-Otechestva Victor Murakhovsky nói với RIA Novosti.

Trên đường bay tên lửa hành trình đi qua tất cả các điểm kiểm soát được đặt trên quỹ đạo, nó xác định vị trí và so sánh với nhiệm vụ bay.

Các phương pháp kiểm soát quỹ đạo bay là rất khác nhau, ví dụ: theo bản đồ địa hình của khu vực xung quanh, nếu cần thiết, ở giai đoạn này có thể điều chỉnh quỹ đạo của tên lửa.

Lý do NATO phải “e ngại” tên lửa hành trình Kalibr của Nga - Ảnh 3.

Tên lửa hành trình Kalibr trên quỹ đạo bay tới mục tiêu. Ảnh: RIA

Cũng có thể sử dụng các hệ thống định vị vệ tinh, nhưng đây không phải là phương pháp khả thi nhất, bởi vì trong chiến sự, kẻ thù có thể phá hủy các vệ tinh bất cứ lúc nào.

Khi tên lửa Kalibr bay vào khu vực mục tiêu, tên lửa một lần nữa tinh chỉnh tọa độ bằng phương pháp tương quan cực đoan hoặc bản đồ quang học của khu vực.

Gần đây, các hệ thống dẫn đường điện tử được sử dụng rộng rãi, khi hình ảnh mục tiêu trên thực tiễn được so sánh với hình ảnh được lưu trữ trong bộ nhớ tên lửa. Vì vậy, độ sai lệch của mục tiêu được giảm thiểu đáng kể.

Hiện nay, Nga đang tích cực tạo ra cơ sở dữ liệu điện tử bao gồm hình ảnh các mục tiêu. Đây là nhiệm vụ của một trong những bộ phận của Bộ Quốc phòng Nga. Với cách tiếp cận như vậy, có thể rất nhanh thiết lập nhiệm vụ bay đến các mục tiêu ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại