Lý do Israel ngại cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga

Trung Hiếu (Nguồn: National Interest) |

Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine tròn 1 năm, đây là dịp thích hợp để đánh giá chính sách của Israel đối với cuộc xung đột này, đặc biệt là việc Israel vẫn từ chối bán vũ khí cho Ukraine.

Nhu cầu đánh giá vấn đề này đặc biệt lớn trong bối cảnh Nga và Iran đã hình thành mối quan hệ chiến lược thân cận, với nhiều tác động có thể xảy đến với mối quan hệ giữa Mỹ và Israel.

Israel đồng cảm nhiều với Ukraine. Tuy nhiên, phản ứng của họ cho đến nay vẫn dừng lại ở viện trợ nhân đạo, bao gồm bệnh viện dã chiến, xe cứu thương, áo bảo hộ, mũ bảo hiểm, lương thực, thiết bị lọc nước… Israel được cho là cũng cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine và bỏ phiếu ủng hộ Ukraine tại Liên Hợp Quốc.

Lý do Israel ngại cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel. Ukraine cũng muốn sở hữu thứ vũ khí này. Ảnh: The Hill.

Mặt khác, Israel kiên định cự tuyệt các yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp cho họ vũ khí, bao gồm vũ khí phòng thủ như hệ thống phòng không Vòm Sắt.

Ở đây có lẽ Israel vẫn đang thận trọng đề phòng Nga phật ý và lựa chọn các hành động có thể khiến Israel bị tổn thương.

Dưới đây là một số lý do cho chính sách "từ chối" của Israel:

Quan hệ giữa Nga và Iran làm Israel luôn lo lắng

Thứ nhất, Iran đã cung cấp cho Nga 1.700 UAV và có vẻ đang xây dựng một nhà máy ở Nga để cung cấp thêm 6.000 UAV nữa. Iran cũng có thể cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo. Đáp lại, Nga được cho là đã đồng ý cung cấp cho Iran máy bay chiến đấu Su-35, máy bay trực thăng, và có thể cả hệ thống phòng không S-400, tàu chiến, tàu ngầm và vệ tinh.

Nga và Iran đã hợp tác trong lĩnh vực không gian mạng. Họ gần đây cũng ký 2 thỏa thuận nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương và lách các lệnh trừng phạt của phương Tây, đó là một "hành lang vận tải" từ Nga tới Iran và vươn tới Viễn Đông, và một cơ chế thay thế cho hệ thống liên lạc tài chính SWIFT toàn cầu.

Trước thực tế ấy, Israel phải tránh các biện pháp có thể dẫn tới liên minh chiến lược Nga-Iran gần gũi hơn.

Thứ hai, Nga và Iran là 2 nhân tố quan trọng ở Syria. Thỉnh thoảng, Nga tìm cách đối trọng với nỗ lực của Iran trong việc mở rộng ảnh hưởng ở đó, bao gồm việc tăng cường hiện diện quân sự và sử dụng Syria để vận chuyển vũ khí cho Hezbollah.

Nhu cầu thời chiến buộc Nga phải rút một số lực lượng khỏi Syria, ngoại trừ các hệ thống S-400. Nếu các hệ thống phòng không S-400 này được sử dụng để chống lại máy bay của Israel, khả năng của Israel đối phó với sức mạnh quân sự của Iran sẽ bị kiềm chế mạnh. Cho tới nay, Nga chưa hề ra tay theo hướng đó, nhưng điều đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Không kém gì các nước NATO, Israel có thể rơi vào xung đột quân sự với Iran, nhóm du kích Hezbollah và các tổ chức thánh chiến như Hamas bất cứ khi nào. Israel không thể để điều này xảy ra.

Thứ ba, Nga là một bên trong thỏa thuận hạt nhân với Iran và các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đang diễn ra. Nga ủng hộ Iran trong Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Trong tình huống khó khăn, Nga thậm chí có thể cung cấp cho Iran các viện trợ cụ thể đối với chương trình hạt nhân của nước này. Israel do vậy không thể để Nga xa cách mình quá nhiều trong trường hợp này.

Kho vũ khí của Israel thực ra không phải là lớn

Thứ tư, Israel không phải là cường quốc toàn cầu với kho vũ khí khổng lồ. Israel không có năng lực dư thừa nên không thể mạo hiểm chuyển giao các hệ thống trọng yếu cho Ukraine trong khi bản thân Israel cũng cần. Việc chuyển giao như thế có thể đe dọa chính an ninh của Israel.

Thực sự thì, Israel có số lượng tổ hợp phòng không Vòm Sắt ở mức tối thiểu, đồng thời họ lại thiếu các tên lửa đánh chặn.

Hơn nữa, như bộ trưởng quốc phòng của Israel đã chỉ ra, các hệ thống vũ khí cũng phù hợp hơn với nhu cầu của họ, bao gồm các vũ khí do Mỹ sản xuất, mà hiện nay thì Mỹ đã ngừng cung cấp. Israel hiểu rằng Ukraine muốn lôi kéo họ vào đứng cùng phe trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, Israel cũng phải cân nhắc các lợi ích tổng thể chứ không thể chỉ hành động theo cảm tính.

Yếu tố người Do Thái ở Nga và thái độ của các nước lớn khác

Thứ năm, khoảng 15% dân số Israel có nguồn gốc ở Liên Xô cũ, và hiện nay 600.000 người Do Thái vẫn đang sinh sống ở Nga. Nga đã thực thi các biện pháp nhằm khẳng định khả năng của họ ngăn việc di cư.

Thứ sáu, trừ phi Mỹ thay đổi chính sách giảm can dự vào Trung Đông (được 4 đời tổng thống Mỹ liên tiếp theo đuổi), Nga sẽ vẫn là một "người chơi" quan trọng trong khu vực. Ngoài việc ủng hộ Iran, Nga còn đang cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập các vũ khí và lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có thể chuyển đổi thành các chương trình hạt nhân quân sự.

Thứ bảy, Pháp, Đức, Nhật Bản và các quốc gia hàng đầu khác cũng mới chỉ cung cấp viện trợ cho Ukraine một cách hạn chế, chậm trễ và lưỡng lự. Hàn Quốc đã từ chối cung cấp thêm bất cứ thứ vũ khí nào. Ngay cả Mỹ cũng đã áp các hạn chế nghiêm ngặt lên các loại vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine, chẳng hạn máy bay, tên lửa, hệ thống phòng không và cho tới nay là xe tăng. Trong bối cảnh ấy, người Israel có thể nghĩ rằng mình không việc gì phải đi đầu trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Mặc dù vậy, Israel có thể thay đổi chính sách từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu như Nga có các động thái bất lợi cho Israel, như giới hạn tự do bay của không quân Israel ở Syria, cung cấp các hệ thống vũ khí nhất định cho Iran (như S-400), cản trở các đàm phán hạt nhân liên quan đến Iran, hoặc viện trợ trực tiếp cho chương trình hạt nhân của Iran. Mỗi tình huống cụ thể sẽ quyết định bản chất phản ứng của Israel. Như vậy, nếu Nga đi quá xa, Israel có thể hành động để gây tổn thất cho lợi ích của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại