Lý do 2 quốc gia NATO quyết định gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine

Mai Trang |

Ukraine đang nhận được những chiếc máy bay chiến đấu từ NATO, dù không phải tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất mà Kiev mong muốn có được để đẩy lùi lực lượng Nga.

Bước ngoặt trong hỗ trợ an ninh của phương Tây

Trong khi nhiều quốc gia phương Tây đến nay vẫn vạch rõ ranh giới trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine, mới đây, Slovakia và Ba Lan xác nhận sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô cho Ukraine.

Trong một cuộc họp báo vào tuần trước, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thông báo nước này sẽ cung cấp cho Ukraine 4 máy bay chiến đấu MiG-29 đầy đủ chức năng trong "vài ngày tới".

Lý do 2 quốc gia NATO quyết định gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine - Ảnh 1.

Một tiêm kích MiG-29 của Ba Lan. Ảnh: The Aviationist

"Là một quốc gia phương Tây, chúng tôi có hai lằn ranh đỏ. Chúng tôi không muốn Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, và chúng tôi không muốn xảy ra đụng độ trực tiếp giữa quân đội Nga và quân đội các nước thành viên NATO. Còn lại, mọi thứ dưới giới hạn này đều phải công bằng", Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski nói với Yahoo News.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại London, Ba Lan hiện có khoảng 28 chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 trong kho vũ khí, nhưng không biết có bao nhiêu chiếc còn hoạt động.

Bên cạnh đó, chính phủ Slovakia cho biết đã phê chuẩn kế hoạch chuyển 13 tiêm kích MiG-29 cho Ukraine. Sau thông báo trên, Slovakia trở thành quốc gia thành viên NATO thứ hai cam kết cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, sau Ba Lan.

Quyết định chuyển giao các máy bay chiến đấu của Slovakia và Ba Lan được đưa ra bất chấp cảnh báo của Nga sẽ phá hủy bất kỳ máy bay chiến đấu nào do đồng minh cung cấp cho Ukraine.

Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho rằng, mặc dù việc cung cấp MiG-29 của Ba Lan và Slovakia giúp Không quân Ukraine duy trì năng lực hiện tại, nhưng điều mà Kiev thực sự cần là các máy bay chiến đấu thế hệ mới hơn, chẳng hạn như F-16.

"Những tiêm kích hiện đại hơn có khả năng chiến đấu cao hơn và tương thích tốt hơn với các loại vũ khí của NATO. Những chiếc máy bay chiến đấu như vậy sẽ cho phép chúng tôi tiến hành phản công và bảo vệ bầu trời hiệu quả hơn", ông Yuriy Sak nói.

Mặc dù Ukraine vẫn chưa nhận được máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ mà họ mong muốn, nhưng Ba Lan lại một lần nữa tạo ra "bước ngoặt" trong hỗ trợ an ninh của phương Tây. Đây là quốc gia đầu tiên gửi xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 thời Liên Xô cho Ukraine vào năm 2022, vài tháng trước khi các đồng minh NATO khác đồng ý gửi cho Kiev những chiếc xe tăng Abrams, Challengers và Leopard II. Đến nay, Ba Lan đã cung cấp khoảng 330 xe tăng các loại cho Ukraine, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

"Kể từ năm ngoái, chính sách cung cấp vũ khí cho Ukraine của Ba Lan đã phát triển và chúng tôi hiện đang ở một vị trí hoàn toàn khác. Các lằn ranh đỏ tự đặt ra đang lần lượt bị vượt qua", Slawomir Debski, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, cho hay.

Vì sao Ba Lan và Slovakia gửi MiG-29 cho Ukraine?

Trước đó, việc chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine dự kiến diễn ra vào tháng 3/2022. Chính phủ Ba Lan đề nghị chuyển các máy bay này cho Mỹ và để Washington chính thức gửi chúng cho Ukraine. Việc này sẽ cho phép chính phủ Ba Lan tuyên bố rằng về mặt kỹ thuật, họ không tự cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Động thái chuyển giao MiG-29 cho Ukraine của Ba Lan đánh dấu lần đầu tiên quốc gia NATO cung cấp máy bay chiến đấu trực tiếp và công khai cho Kiev. Về mặt chính thức, Ukraine trước đây chỉ được cung cấp "phụ tùng thay thế", một chương trình chuyển giao bắt đầu vào tháng 4/2022. Các báo cáo sau đó tiết lộ rằng những đợt vận chuyển "phụ tùng thay thế" bao gồm toàn bộ khung máy bay đã được tháo rời, chuyển qua biên giới Ukraine và sau đó được lắp ráp lại.

Giống như thỏa thuận với Ba Lan, việc chuyển giao những chiếc MiG-29 của Slovakia đã được thảo luận trong một thời gian. Thủ tướng Eduard Heger ban đầu đề xuất gửi máy bay chiến đấu của Slovakia vào tháng 7/2022, như một phần của thỏa thuận trong đó Cộng hòa Séc sẽ hỗ trợ kiểm soát không phận Slovakia trước khi các máy bay được tài trợ có thể được thay thế bằng những chiếc F-16 tiên tiến hơn do Mỹ cung cấp.

Các quan chức Ba Lan cho biết, họ chọn gửi MiG-29 cho Ukraine vì lực lượng không quân Ukraine đã quen thuộc với loại máy bay chiến đấu này, có thể lái chúng ngay lập tức mà không cần huấn luyện thêm.

Không quân Ukraine đã vận hành một số lượng lớn MiG-29 của riêng mình, nghĩa là các phi công và nhân viên mặt đất của Ukraine đã quen với việc sử dụng chúng. Lực lượng hiện tại của Ukraine bao gồm 5 lữ đoàn hàng không chiến thuật vận hành các máy bay MiG-29 và Su-27, một mẫu khác từ thời Liên Xô. Máy bay từ Ba Lan và Slovakia có thể sẽ được đưa vào sử dụng ngay khi chúng tới Ukraine.

"Việc có thêm MiG-29 sẽ giúp quân đội Ukraine tiếp tục tấn công vì các máy bay và phụ tùng thay thế bổ sung sẽ cho phép họ chiến đấu với tốc độ cao hơn. Điều này tạo điều kiện cho họ giành thế chủ động ở những nơi dọc theo mặt trận phía Đông. Sức mạnh của vũ khí mới là rất quan trọng để chọc thủng các tuyến phòng thủ dễ bị tổn thương của Nga", Jahara "Franky" Matisek, một trung tá trong Lực lượng Không quân Mỹ, nói.

Một số nhà quan sát đánh giá rằng việc 2 quốc gia NATO công khai gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine sẽ phá vỡ thế bế tắc ngoại giao và sau đó các nước phương Tây sẽ cung cấp cho Kiev những loại tiêm kích tiên tiến hơn.

"Còn Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, Anh, Đức, Phần Lan, Mỹ thì sao? Máy bay F-16, F/A-18, Eurofighter, JAS39, Rafale và Tornado sẽ giúp chúng tôi giành chiến thắng nhanh hơn", Nghị sĩ Ukraine Inna Sovsun viết trên Twitter sau thông báo cung cấp MiG-29 của Slovakia, kêu gọi các nước khác chuyển máy bay chiến đấu cho Kiev.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại